Nỗi lo tai nạn đường sắt
Những lối đi tự mở băng qua đường sắt luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT). Vậy nhưng, việc xóa bỏ hoặc có phương án đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại các lối đi tự mở chưa được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức.
Bất an qua đường sắt
Kết nối quốc lộ 1 đi về các xã phía tây của Thăng Bình, tuyến đường ĐH10.TB là trục huyện lộ quan trọng, có đường sắt Bắc - Nam cắt ngang tại lý trình km845+875 (lý trình đường sắt) thuộc địa bàn xã Bình Chánh. Tuy nhiên, nút giao nhau giữa ĐH10.TB với đường sắt chưa được cấp phép lập đường ngang hợp pháp, cho nên vẫn được xem là lối đi tự mở (đường ngang bất hợp pháp).
Đến tháng 10.2014, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có quyết định công nhận, song huyện chưa làm đường ngang hợp pháp cùng hệ thống gác chắn, phòng vệ. Ngành đường sắt nhiều lần chôn trụ bê tông, tà vẹt thu hẹp lối đi, chỉ chừa đủ cho xe máy lưu thông, song bị người dân lén lút tháo dỡ để ô tô qua lại.
Không có gác chắn cùng giải pháp an toàn, người dân chủ quan băng qua đường sắt khiến nơi đây trở thành “nút giao tử thần”. Như năm 2016, địa điểm này xảy ra 2 vụ TNGT làm chết 3 người, bị thương 1 người, thiệt hại tài sản khoảng 700 triệu đồng.
Mới đây, một số trụ bê tông chôn thu hẹp lối đi giữa nút giao đường sắt với tuyến ĐH10.TB “không cánh mà bay”, xe 3 bánh có thể chạy qua. Nếu chẳng may phương tiện này gặp sự cố kỹ thuật lúc đang vượt đường sắt, tàu lửa chạy đến sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng (doanh nghiệp được giao quản lý đường sắt qua Quảng Nam), đơn vị tiến hành rào thu hẹp cấm ô tô đi lại tất cả lối đi tự mở, nhưng hiện nay nhiều điểm đã bị người dân tháo dỡ.
Đơn cử như các lý trình đường sắt km825+520 (xã Duy Sơn) và km826+350 (xã Duy Trung) thuộc địa phận Duy Xuyên; km828+850 (xã Quế Xuân, Quế Sơn); km849+800 (xã Bình An, Thăng Bình); km858+550 (xã Tam An, Phú Ninh); km872+280 (xã Tam Xuân 2) và km888+080, km888+250 (thị trấn Núi Thành) qua huyện Núi Thành.
Hiểm họa TNGT còn hiện hữu do hành vi vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Thực trạng này khiến tầm nhìn của lái tàu bị hạn chế, ảnh hưởng đến việc đảm bảo ATGT, an toàn chạy tàu.
Công ty CP Đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng cho biết, 6 tháng đầu năm nay đã phát hiện 8 vụ đổ đất, xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ và hành lang an toàn đường sắt, đáng chú ý có 2 vụ tự mở lối đi (tại khối phố 4, thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành).
Các vụ xây dựng công trình trái phép chủ yếu thuộc địa phận huyện Núi Thành với 5 trường hợp, còn thị xã Điện Bàn có 1 trường hợp. Đơn vị quản lý đã lập biên bản đình chỉ, báo cáo UBND các cấp và cơ quan chức năng đề nghị có biện pháp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Tăng cường quản lý, xử lý
Đường sắt Bắc - Nam qua Quảng Nam dài 91,5km, có 58 đường ngang (23 đường ngang có gác, 34 đường ngang cảnh báo tự động có cần chắn tự động, 1 đường ngang phòng vệ biển báo) và 63 lối đi tự mở.
Giám đốc Sở GTVT Văn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, để phòng ngừa TNGT, ngành đường sắt đã phối hợp thực hiện thu hẹp lối đi tự mở. Nhận thấy 8 vị trí lối đi tự mở ở Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình và Duy Xuyên có nguy cơ mất ATGT cao, Ban ATGT tỉnh tổ chức chốt gác với nhân viên gác chắn được tập huấn và trang bị thiết bị cần thiết.
Mô hình chốt gác này cho thấy tính hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối hoạt động chạy tàu và người, phương tiện giao thông đường bộ qua lại, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ. Mới đây, Ban ATGT tỉnh đã bàn giao 8 chốt gác cho địa phương quản lý để đảm bảo tính chủ động, sâu sát.
Nhưng như đã đề cập, TNGT đường sắt luôn tiềm ẩn khó lường. Trước tình hình trên, đơn vị quản lý kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc Sở GTVT, Ban ATGT, chính quyền địa phương có đường sắt đi qua chủ trì phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp quản lý, giảm, xóa bỏ các lối đi tự mở theo quy định tại Nghị định số 65 ngày 12.5.2018 của Chính phủ.
Theo đó, thường xuyên quản lý, theo dõi vị trí nguy hiểm đối với ATGT đường sắt, lối đi tự mở; tổ chức thực hiện các biện pháp kiềm chế, không để phát sinh lối đi tự mở trên địa bàn; ưu tiên kinh phí xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm.
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, với lối đi tự mở đã bị phá, các địa phương có đường sắt đi qua sớm phối hợp cùng đơn vị quản lý đường sắt, cơ quan chức năng đóng thu hẹp cấm ô tô qua lại.
Hiện nay, quyết định thành lập đường ngang qua lý trình đường sắt km845+875 đã hết hiệu lực, UBND huyện Thăng Bình cần sớm hoàn tất hồ sơ đề nghị thành lập và triển khai xây dựng đường ngang này để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tính mạng con người và an toàn chạy tàu.
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh và công an các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm tại đường ngang giao cắt với đường sắt nhằm răn đe, nâng cao ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện đường bộ, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu TNGT.