Ách tắc những công trình trọng điểm - Bài cuối: Vướng mắc cần tháo gỡ
Nhiều dự án trọng điểm có tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) rất chậm do rắc rối về hồ sơ pháp lý đất đai, lúng túng xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, cơ chế bồi thường - hỗ trợ (BT-HT) còn bất cập…
Kiến nghị đơn giá bồi thường
Dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai (đường Võ Chí Công), Trung tâm BT&GPMB thuộc Công ty CP Đầu tư & phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam đã phê duyệt phương án BT-HT, tái định cư (TĐC) với 14 hộ dân tại xã Tam Quang (Núi Thành) bị ảnh hưởng thu hồi đất.
Cuối tháng 4.2021, UBND huyện Núi Thành tổ chức đối thoại nhưng 14 hộ dân, trong đó 10 hộ có nhà, vẫn không đồng ý với phương án phê duyệt và chưa thống nhất nhận tiền vì cho rằng đơn giá BT-HT thấp và có đơn khiếu nại về loại đất đang sử dụng.
Phó Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Núi Thành - Lê Văn Thịnh cho biết, các dự án trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh chậm tiến độ có nguyên nhân từ việc người dân cho rằng đơn giá BT đất, vật kiến trúc, cây trồng trên đất thấp, đồng thời yêu cầu BT đất trồng cây lâu năm chứ không phải đất rừng sản xuất...
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai tại xã Tam Anh Nam (Núi Thành) là dự án trọng điểm “điển hình” về chậm tiến độ GPMB.
Tổng diện tích dự án 451ha nhưng hiện nay cơ quan có thẩm quyền mới ban hành quyết định thu hồi đất 404 hộ, gồm 764 thửa đất các loại với diện tích 79,7ha; diện tích còn lại chưa ra thông báo lẫn quyết định thu hồi đất.
Đáng chú ý, Trung tâm Phát triển quỹ đất Quảng Nam nhận GPMB dự án này 78,3ha đất các loại, nhưng mới phê duyệt phương án BT-HT cho 133 hộ dân/258 thửa đất với diện tích 22,6ha; diện tích còn lại chưa phê duyệt phương án BT-HT.
Theo lý giải của các đơn vị GPMB, sở dĩ dự án này chậm phê duyệt phương án BT-HT là do địa phương chưa ra thông báo, quyết định thu hồi đất, kiểm kê đất và tài sản trên đất, lập phương án và niêm yết công khai phương án BT-HT và tái định cư, hoàn chỉnh phương án BT-HT sau khi lấy ý kiến người dân.
Tuy vậy, dù đã phê duyệt phương án nhưng người bị thu hồi đất vẫn chưa thống nhất nhận tiền BT. Do đó, yêu cầu đến cuối tháng 6.2021 bàn giao 100ha đất sạch cho nhà đầu tư là khó có thể thành hiện thực.
Rắc rối từ quy hoạch
Ông Võ Thanh Đà (thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam, Núi Thành) nói: “Cả xóm làng này bao đời nay dân sinh sống, sản xuất ổn định. Khu đất gia đình đang ở là một khối liền kề rộng gần 5.000m2, nhưng không hiểu sao trước đây cơ quan nhà nước chỉ đo đạc rồi cấp sổ đỏ 1.880m2 đất ở và đất trồng cây lâu năm.
Vừa qua, khi tiến hành kiểm kê, đo đạc làm cơ sở thu hồi đất thì cắt ra làm 4 mảnh. Việc trước đây không cấp toàn bộ diện tích khu vườn tôi đang quản lý, sử dụng là đất ở gắn với vườn trồng cây lâu năm là lỗi của Nhà nước”.
Theo tìm hiểu, tại xã Tam Anh Nam rất nhiều trường hợp người dân rơi vào tình trạng tương tự hộ ông Đà. Hoặc nhiều trường hợp người dân yêu cầu được BT là đất trồng cây lâu năm chứ không phải là đất rừng sản xuất. Bởi có sự chênh lệch về giá BT của 2 loại đất này.
Đơn giá BT về đất rừng sản xuất bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án ở vị trí 1 là 24.000 đồng/m2, trong khi đất trồng cây lâu năm ở phần lớn vị trí 1 là 46.000 đồng/m2. Chưa kể chế độ đào tạo, chuyển đổi nghề đối với đất trồng cây lâu năm cũng cao hơn đất rừng sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân khiếu người bị thu hồi đất không đồng ý với phương án BT-HT.
Qua thu thập dữ liệu hồ sơ và thực tế sử dụng đất tại Tam Anh Nam, chính quyền huyện Núi Thành đã nhận thấy vướng mắc về rà soát quy hoạch đất rừng sản xuất tại Quyết định số 120 ngày 11.1.2017 của UBND tỉnh.
Giai đoạn 2007 - 2017, UBND tỉnh ban hành 3 quyết định về quy hoạch sử dụng đất nằm trong vùng ảnh hưởng bởi dự án. Tại Quyết định số 48, ngày 30.10.2007, phê duyệt kết quả rà soát 3 loại rừng tỉnh Quảng Nam thì toàn bộ diện tích trồng cây keo là đất rừng sản xuất; Quyết định số 2461, ngày 9.8.2013, phê duyệt quy hoạch phát triển và bảo vệ rừng tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 thì có một phần diện tích thuộc dự án được quy hoạch là đất rừng sản xuất; Quyết định số 120, ngày 11.1.2017 của UBND tỉnh lại phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển và bảo vệ rừng tỉnh giai đoạn 2011 - 2020. Chính sự thay đổi, điều chỉnh này đã gây rắc rối, làm người bị thu hồi đất so bì quyền lợi.
Năm 2011, thực hiện dự án hồ sơ đo đạc cơ sở dữ liệu đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000, UBND huyện đã cấp 916 thửa đất với diện tích hơn 186ha. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp địa phương công nhận là đất trồng cây lâu năm ở các thửa đất nằm xen kẽ và trồng một loại cây, hoặc trong cùng thửa đất nhưng quy hoạch chia ra 2 phần là đất trồng cây lâu năm và đất rừng sản xuất.
Ông Trương Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành giải thích: “Người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất rừng sản xuất có giá trị BT-HT thấp hơn những trường hợp công nhận đất trồng cây lâu năm, hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng được xác định là đất trồng cây lâu năm.
Vì cho rằng việc BT-HT không công bằng nên người dân không thống nhất nhận tiền và bàn giao mặt bằng”. Chính quyền huyện Núi Thành kiến nghị tỉnh cho chủ trương để địa phương chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp là đất rừng sản xuất sang loại đất trồng cây lâu năm, đồng thời điều chỉnh phương án BT-HT tương ứng theo quy định.
CÁCH LÀM CỦA TIÊN PHƯỚC
Dự án quốc lộ 40B đi qua huyện Phú Ninh và Tiên Phước có 1.071 hộ dân bị ảnh hưởng. Ngay từ đầu, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) được xác định là bước khó khăn nhất.
Cuối tháng 3.2021, đồng chí Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, GPMB các dự án trọng điểm của tỉnh có Thông báo kết luận số 139.
Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cùng “xắn tay áo” thực hiện. Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, địa phương liên quan. Tất cả phải bám dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người dân để có phương án bồi thường - hỗ trợ hợp lý nhất.
Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc về đẩy mạnh công tác GPMB các dự án trọng điểm có vốn đầu tư công trên địa bàn huyện Tiên Phước đã cùng với Đảng ủy xã Tiên Thọ, Đảng ủy thị trấn Tiên Kỳ làm việc cụ thể với từng hộ dân trong tổng số 369 hộ bị ảnh hưởng.
Theo ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, từ tháng 3.2021 đến nay, tiến độ GPMB của Tiên Phước có chuyển biến tốt. Đến ngày 7.5, chỉ còn 36 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Các thành viên ban chỉ đạo và tổ giúp việc của Tiên Phước đến nhà dân vào bất cứ thời gian nào họ có ở nhà, lắng nghe nguyện vọng, ghi nhận toàn bộ để báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước, ban chỉ đạo cấp tỉnh cho ý kiến thực hiện. Huyện Tiên Phước phối hợp với chủ đầu tư cùng nhau tháo gỡ vướng mắc trong quá trình kiểm kê, áp giá bồi thường - hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hùng Anh cho biết: “Qua thực tế đối thoại, lắng nghe người dân, có nhiều vấn đề họ chưa hiểu như yêu cầu đổi đất cây lâu năm cùng thửa đất theo giá đất ở, tranh chấp đất công ích, mốc bị ảnh hưởng còn nhập nhằng...
Những vấn đề pháp lý liên quan theo yêu cầu của người dân, UBND huyện giao ngành chức năng, địa phương phối hợp cùng chủ đầu tư kiểm tra thực tế, cùng với người dân giải quyết thấu tình đạt lý. Tiến độ GPMB của Tiên Phước đang tiến triển tốt, còn 36 hộ huyện sẽ tuyên truyền, vận động, giải thích, công bố phương án sau điều chỉnh hợp lý, hoàn thành GPMB trước 31.5”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, đây được xem là bước tiến rất đáng ghi nhận của Tiên Phước trong GPMB dự án quốc lộ 40B. Cách làm gần dân, lắng nghe và giải quyết nguyện vọng hợp lý của người dân đã mang lại sự đồng thuận cao.
Tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước vào ngày 7.5, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Phước tích cực chỉ đạo để tháo gỡ từng vướng mắc đối với từng hộ dân, giải quyết dứt điểm, phương châm là bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người dân, nhưng kiên quyết đối với trường hợp cố tình chây ì, gây khó khăn trong quá trình thực hiện dự án.
Khi bàn giao thì phải quản lý mặt bằng, không để lấn chiếm. Mốc thời gian các địa phương bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là trước ngày 31.5. Chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công hoàn thành dự án vào cuối tháng 8.2021, không để vào mùa mưa. (DIỄM LỆ)