Ách tắc những công trình trọng điểm - Bài 3: Chật vật phương án thu hồi đất
Tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đất đai dai dẳng, trong khi địa phương lúng túng xử lý vướng mắc thu hồi đất khiến tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) ở các dự án trọng điểm với khối lượng còn lại tuy chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng lại rất khó khăn.
“Hụt hơi” ở chặng về đích
Năm 2021, huyện Thăng Bình tiếp tục thi công công trình đường nối từ đường Võ Chí Công đến quốc lộ 1 đoạn qua ngã ba Cây Cốc và đường nối từ quốc lộ 1 đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với quốc lộ 14E.
Hộ ông Trương Tấn Hưng (xã Bình Đào, Thăng Bình) có diện tích thửa đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 828m2 (loại đất thổ cư), nhưng diện tích đo đạc theo hiện trạng là 790,3m2 , thu hồi thực hiện dự án là 197,2m2 đất ở.
UBND tỉnh thống nhất bố trí cho hộ ông Hưng 1 lô đất tái định cư (TĐC) và nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá đất ở khu TĐC.
Tuy nhiên, gia đình ông cho rằng, đơn giá bồi thường (BT) đất ở thấp, gia đình có 8 nhân khẩu, 3 cặp vợ chồng cùng sinh sống trên thửa đất ở bị thu hồi. Trong khi diện tích đất ở còn lại chỉ đủ bố trí cho 1 cặp vợ chồng. Vì vậy, gia đình đề nghị Nhà nước hỗ trợ (HT) phần giá trị chênh lệch sử dụng đất giữa giá đất TĐC và giá đất BT tương ứng với diện tích đất ở bị thu hồi hơn 197m2 và đề nghị bố trí thêm 1 lô đất cho con để ổn định cuộc sống.
Về đề nghị của ông Hưng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Võ Văn Hùng cho rằng, đơn giá BT được thực hiện theo quy định của UBND tỉnh, hộ ông Hưng đề nghị HT tiền sử dụng đất TĐC và bố trí thêm 1 lô đất TĐC là không có căn cứ. Chính quyền huyện Thăng Bình và các tổ chức Mặt trận, đoàn thể vận động, giải thích, kể cả đối thoại nhưng hộ ông Hưng vẫn không đồng ý bàn giao mặt bằng.
Tương tự, đoạn qua thị trấn Hà Lam có 244 hộ ảnh hưởng dự án, hiện còn vướng 4 trường hợp thu hồi đất ở, trong đó, đáng kể nhất là trường hợp hộ bà Bùi Thị Nuôi do kiện tụng kéo dài và địa phương chưa giải quyết dứt điểm.
Tại buổi làm việc mới đây với huyện Thăng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang yêu cầu địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đo đạc xác định mốc giới, diện tích thửa đất ở còn lại của hộ bà Nuôi sau khi thu hồi từ dự án mở rộng quốc lộ 1 và diện tích đất thu hồi của dự án đường nối từ đường Võ Chí Công đến quốc lộ 1 đoạn qua ngã ba Cây Cốc.
Xác định giá đất BT cụ thể và trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt phương án BT, HT theo đúng quy định để thực hiện. Trường hợp hộ bà Nuôi không chấp hành, UBND huyện Thăng Bình gửi số tiền BT, HT vào Kho bạc Nhà nước, bố trí lực lượng thực hiện cưỡng chế thu hồi đất trước ngày 30.6.2021.
Đây chỉ là những trường hợp điển hình về tình trạng “kì kèo” phương án BT, HT, TĐC của cơ quan chức năng, khiến một thời gian dài nhà thầu buộc phải dừng thi công ở các vị trí của dự án.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam (chủ đầu tư), đến nay trong số hơn 12,1km của cả hai công trình trên, thì Thăng Bình đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư hơn 11,8km, còn lại 0,25km chưa bàn giao mặt bằng bao gồm 0,1km thuộc xã Bình Đào và 0,15km thuộc thị trấn Hà Lam (đoạn qua ngã ba Cây Cốc).
Một dự án khác là đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai (đường Võ Chí Công), trong số 26,5km chiều dài dự án, đến nay chỉ còn 1km còn lại chưa thể GPMB. Trong đó, đoạn qua thị trấn Núi Thành còn 0,35km với 41 thửa đất các loại và đoạn qua xã Tam Quang còn 0,65km với 77 thửa đất các loại.
Theo ông Trương Văn Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đưa ra là đến ngày 30.6 bàn giao toàn bộ mặt bằng để thi công sẽ vô cùng khó khăn với địa phương, bởi phần lớn hồ sơ chậm giải quyết đều liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện và xác minh lại lịch sử nguồn gốc đất đai, thời điểm sử dụng đất mất nhiều công sức lẫn thời gian.
Chậm giải quyết thủ tục
Điều hành thống nhất về cơ chế chính sách thu hồi đất
Đó là khẳng định của Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trong chuyến kiểm tra tiến độ thi công, GPMB dự án đường Võ Chí Công hồi cuối tháng 4.2021. Theo đồng chí Phan Việt Cường, việc Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc ban chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm có vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, phân công mỗi đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh đứng điểm cơ sở từng dự án nhằm đôn đốc, điều hành thống nhất, xuyên suốt về cơ chế chính sách thu hồi đất. “Qua hơn một tháng rưỡi quay lại kiểm tra, tôi thấy tiến độ thi công, GPMB đã có sự chuyển biến rõ nét; địa phương và các ngành chức năng đã tháo gỡ từng bước từ căn nhà, tường rào, cổng ngõ rồi giải quyết các vướng mắc đất đai, cơ chế BT-HT, TĐC. Mục tiêu phấn đấu đến 30.6.2021 sẽ cơ bản xử lý dứt điểm những vướng mắc về GPMB, để thi công hoàn thiện dự án” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường lưu ý. (H.P)
Gần 1 năm nay khu vực trắc trở nhất của dự án đường Võ Chí Công qua huyện Núi Thành tập trung ở các trường hợp người dân có đơn khiếu nại, khiếu kiện. Nhiều trường hợp người dân đề nghị Nhà nước vận dụng cơ chế, chính sách linh hoạt ngoài quy định pháp luật đất đai và các quyết định của UBND tỉnh. Thế nhưng, có không ít trường hợp hồ sơ phải xác minh nhiều lần, thuộc lỗi của cơ quan quản lý nhà nước.
Đơn cử, sau khi UBND huyện phê duyệt phương án BT, HT, bà Nguyễn Thị Thanh (xã Tam Quang, Núi Thành) đã khiếu nại, yêu cầu địa phương công nhận phần diện tích bị thu hồi là đất ở chứ không phải là loại đất trồng cây lâu năm như phương án niêm yết.
Qua quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện vào ngày 16.4.2021, Trung tâm Bồi thường và GPMB thuộc Công ty CP Đầu tư & phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam mới đồng ý hoàn chỉnh phương án điều chỉnh bổ sung đối với “loại đất trồng cây lâu năm thành đất ở nông thôn” cho bà Thanh.
Chủ đầu tư dự án cho rằng, có một số trường hợp, các ngành chức năng của huyện chưa vào cuộc kịp thời, chưa trả lời dứt điểm đơn thư khiếu nại cho người bị thu hồi đất. Tại dự án đường ven biển Võ Chí Công, hộ ông Huỳnh Một (thị trấn Núi Thành) kiến nghị phần diện tích 265,3m2 liên quan đến Quyết định số 3109, ngày 26.9.2006 của UBND huyện Núi Thành thuộc dự án TĐC Tam Quang tại thị trấn Núi Thành (giai đoạn 1) chưa được BT-HT nhưng đến nay địa phương vẫn chưa trả lời dứt điểm, bàn giao cho chủ đầu tư phần diện tích nuôi trồng thủy sản đã BT trước đây.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam, trong số 41 thửa đất tại thị trấn Núi Thành chưa có phương án BT-HT, có 16 thửa đất của hộ gia đình, cá nhân và 25 thửa đất do UBND xã quản lý.
Gần 1 năm qua, Núi Thành đã thông báo thu hồi đất, kiểm kê 16 thửa đất ở và nuôi trồng thủy sản của 11 hộ bị ảnh hưởng, họp thông qua hội đồng xác nhận nguồn gốc đất và thời điểm sử dụng tài sản, vật kiến trúc...
Gần nhất là đầu năm 2021, UBND thị trấn Núi Thành đã trình hồ sơ thu hồi 16 thửa đất của hộ gia đình, cá nhân nhưng đến nay Phòng TN-MT huyện vẫn chưa tham mưu UBND huyện Núi Thành lập thủ tục thu hồi đất, họp xét đất TĐC để lập phương án BT-HT và TĐC.
Nhiều dự án trọng điểm khi GPMB đã gặp nhiều khó khăn, gây bức xúc cho người dân bởi chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng với diện tích sử dụng thực tế.
Tại dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai tại xã Tam Anh Nam (Núi Thành) do Công ty TNHH Đầu tư khu công nghiệp lâm nghiệp Thaco - Chu Lai làm chủ đầu tư, có 79 thửa đất của 69 hộ với diện tích gần 7ha rơi vào trường hợp như vậy.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất Quảng Nam (một trong 4 đơn vị nhận nhiệm vụ BT-HT dự án này), chính sự chậm điều chỉnh, bổ sung số liệu ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trùng khớp với thực tế sử dụng đất của UBND huyện Núi Thành đã gây tắc nghẽn công tác thu hồi đất.
---------------------
Bài cuối: Vướng mắc cần tháo gỡ