Ách tắc những công trình trọng điểm - Bài 2: Hiện trạng ngổn ngang

THANH MINH - HỮU PHÚC 12/05/2021 07:29

Vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB) của các công trình trọng điểm có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân chủ quan khiến công tác này thêm gánh nặng là việc quản lý hiện trạng quá lỏng lẻo, bất cập. Thực trạng xây dựng trái phép và tái lấn chiếm mặt bằng xảy ra khiến nhiều dự án ngổn ngang, ách tắc thi công.

Ông Võ Thanh Đà (thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam) trao đổi với phóng viên về hiện trạng khu đất bị ảnh hưởng bởi dự án (ảnh chụp cuối tháng 4.2021). Ảnh: T.M
Ông Võ Thanh Đà (thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam) trao đổi với phóng viên về hiện trạng khu đất bị ảnh hưởng bởi dự án (ảnh chụp cuối tháng 4.2021). Ảnh: T.M

Nham nhở nhà trái phép

Gặp chúng tôi ở trụ sở UBND xã Tam Anh Nam (Núi Thành), ông Võ Thanh Đà (thôn Xuân Ngọc, xã Tam Anh Nam) như bắt được dịp trình bày những khúc mắc của mình về phương án GPMB dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai.

Ông Đà cho biết gia đình có tổng cộng 5.000m2 đất bị giải tỏa, đang cắt ra thành nhiều thửa với nhiều loại đất khác nhau. Cơ quan chức năng không “sâu sát” khi đo đạc nên ông chưa thống nhất với việc xác định nguồn gốc đất.

Ông Đà dẫn chúng tôi về khu đất của mình, rẽ qua đoạn đường cây bụi um tùm, ngôi nhà hiện ra với vẻ “rộng rãi” nhưng nhếch nhác. Ông Đà cho biết gia đình không ở đây nữa, chỉ làm kho tập kết vật liệu.

Nhìn những mảng tường lát gạnh men nham nhở, với kiểu xây dựng, thiết kế phung phí, không phù hợp với nhu cầu nhà ở thường thấy của người dân địa phương, chúng tôi đề cập về tình trạng “đón đầu dự án” thì được ông úp mở cho biết ở đây rất nhiều người dân xây nhà kiểu như vậy.

Thật ra đây là thực trạng đã diễn ra từ đầu năm 2019, khi dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai bước vào giai đoạn nghiên cứu đầu tư.

Báo Quảng Nam từng phản ánh thực trạng người dân Tam Anh Nam cấp tốc xây nhà để chờ bồi thường, và theo thống kê thời điểm ấy có hơn 400 công trình mọc lên trong phạm vi nghiên cứu dự án, nhưng chính quyền và ngành chức năng không ngăn chặn kịp thời.

Trở lại câu chuyện của ông Đà, theo ông Lê Văn Thịnh - Phó Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Núi Thành, việc xác định nguồn gốc đất trong quá trình GPMB của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai gặp khó khăn. Vướng mắc từ cơ sở không thể giải quyết kịp thời từng trường hợp một mà phải từ tổng hợp của địa phương.

Quá trình sử dụng đất là yếu tố chính để xác định nguồn gốc đất, nhưng quá trình đó vốn rất phức tạp, đòi hỏi công tác quản lý hiện trạng đất đai phải chặt chẽ, rõ ràng. Riêng với thực trạng xây nhà trái phép, ông Thịnh cho rằng quan điểm xử lý là đối với những trường hợp xây dựng nhà trên đất ở thì xem xét bồi thường (trước thời điểm công bố quy hoạch); những trường hợp xây để chạy bồi thường thì không giải quyết.

Thực tế vướng mắc trong GPMB tại dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thaco Chu Lai là các phương án bồi thường, hỗ trợ chưa nhận được sự đồng thuận cao, bởi người dân đòi hỏi nhiều quyền lợi gắn với các thửa đất bị giải tỏa.

Trong khi đó đặc thù của địa phương là hiện trạng ngổn ngang bởi “ranh giới” của nhiều loại đất rất khó xác định, thêm gánh nặng nữa là hàng loạt công trình trái phép mọc lên trong khu vực, những vướng mắc này có cùng lý do là công tác quản lý hiện trạng đất đai lâu nay rất bất cập.

Một trong 4 đơn vị GPMB của dự án này là Công ty CP Đầu tư & phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam kiến nghị UBND huyện Núi Thành chỉ đạo Phòng Tài nguyên - môi trường xác định lại loại đất để thu hồi (đất vườn hay đất trồng cây lâu năm) để điều chỉnh phương án bồi thường; UBND xã Tam Anh Nam cần kiểm tra, rà soát lại hồ sơ của các hộ có công trình xây dựng trái phép để có cơ sở giải quyết.

Dân tái chiếm mặt bằng

Thực tế quản lý hiện trạng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết dứt điểm để tạo “mặt bằng sạch” cho việc thi công dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà. Dự án này trong quá trình thi công bị người dân cản trở nhiều lần, việc thi công cũng tạm dừng nhiều lần với nhiều lý do, nhưng chủ yếu là “mặt bằng” dự án vẫn chưa được thông suốt do người dân lấn chiếm, cản trở thi công.

Người dân xây dựng nhà kiên cố trong vệt phía tây đường Võ Chí Công qua xã Tam Hòa (khu vực này được quy hoạch xây dựng làn đường giai đoạn 2).
Người dân xây dựng nhà kiên cố trong vệt phía tây đường Võ Chí Công qua xã Tam Hòa (khu vực này được quy hoạch xây dựng làn đường giai đoạn 2).

Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam (chủ đầu tư), trong phạm vi mái taluy của luồng, nhân dân các xã Tam Hải, Tam Giang, Tam Hòa, Tam Quang (Núi Thành) đặt các ngư cụ đánh bắt thủy sản như rớ quay, rớ đáy, lú, lưới...

Theo kết quả kiểm tra hiện trường ngày 18.4.2019 thì trên toàn tuyến luồng còn tồn tại 67 rớ các loại trong đáy luồng và taluy luồng, chưa kể rất nhiều loại lú, lưới giăng ngang tuyến luồng.

Điều đáng nói, theo ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải, những trường hợp có ngư cụ trên tuyến luồng này đã được bồi thường, hỗ trợ nhưng người dân tái lấn chiếm, gây khó khăn cho việc thi công. Thế nhưng công tác quản lý hiện trạng lại rất nhập nhằng trách nhiệm giữa các bên.

Ông Hùng nói: “Địa phương không đủ lực lượng, phương tiện để quản lý hiện trạng trên sông nước, mà chỉ phối hợp để xử lý các trường hợp vi phạm. Đã bàn giao mặt bằng rồi thì đơn vị thi công phải quản lý. Anh đặt ra thời gian thi công bao lâu rồi có phương án phối hợp với địa phương quản lý hiện trạng. Thêm nữa, để đảm bảo an toàn thì có thêm sự quản lý của Cảng vụ Hàng hải Quảng Nam. Tàu lớn vẫn vận hành trên tuyến luồng mà bên này lại nói chưa được bàn giao quản lý tuyến nên không có trách nhiệm thì rất vô lý, bất cập”.

Trong khi đó, theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam, đơn vị đã có báo cáo cụ thể về tình trạng ngư cụ gây khó khăn trong quá trình thi công; UBND tỉnh, UBND huyện Núi Thành đã có văn bản chỉ đạo đơn vị thực hiện bồi thường (Trung tâm Bồi thường và GPMB thuộc Công ty CP Đầu tư & phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam) phối hợp rà soát, phân loại từng trường hợp cụ thể nhưng đơn vị này không phối hợp. Khi trao đổi với chúng tôi, một vị đại diện Công ty CP Đầu tư & phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam cho rằng đã bồi thường giải tỏa, bàn giao rồi thì việc quản lý hiện trạng không còn là trách nhiệm của đơn vị.  

Cần tăng cường công tác quản lý 

Tình trạng xây nhà, công trình kiên cố sát đường, nằm trong hành lang tuyến tại đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai (đường Võ Chí Công) rất phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý hiện trạng. Khảo sát trên tuyến đường này, chúng tôi nhận thấy tại địa bàn xã Tam Tiến và Tam Hòa (Núi Thành), nhiều nhà cửa, công trình dịch vụ kiên cố mọc lên sát những đoạn đường vừa hoàn thành thi công. Theo quy hoạch, tuyến đường này rộng 38m, hiện đã thi công vệt phía đông (12,5m), hành lang tuyến còn lại 6,5m. Còn vệt phía tây (19m) sẽ thi công giai đoạn 2.

Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam (chủ đầu tư dự án đường Võ Chí Công), hiện nay phạm vi cắm mốc quản lý hành lang của tuyến đường đã xong và bàn giao cho địa phương quản lý, tuy nhiên các hộ dân tự xây mới nhiều nhà cửa, vật kiến trúc khác trên phạm vi mở rộng của dự án (giai đoạn 2) và phạm vi quy hoạch của tuyến đường. Theo ông Nguyễn Tám - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 2 (Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam), tình trạng này sẽ gây khó khăn trong việc GPMB giai đoạn 2 của đường Võ Chí Công và quản lý phạm vi quy hoạch. Chủ đầu tư đã đề nghị UBND huyện Núi Thành, TP.Tam Kỳ và các địa phương có tuyến đường đi qua tăng cường công tác quản lý hiện trạng. (T.M)

................................

Bài 3: Chật vật phương án thu hồi đất

THANH MINH - HỮU PHÚC