Ngang nhiên xâm phạm hành lang đường bộ
Mở đường nhánh đấu nối hoặc xây dựng công trình, đào hố móng trái phép xâm phạm hành lang an toàn (HLAT) đường bộ đang diễn ra trên nhiều tuyến giao thông qua địa bàn tỉnh.
Xâm phạm tràn lan
Có mặt tại thôn 1 xã Trà Don (Nam Trà My) tuần qua, chúng tôi nhận thấy tường hộ lan mềm rào chắn đường nhánh mở trái phép bên trái tuyến quốc lộ (QL) 40B bị tháo rời.
Ông Thái Huy Cảnh - nhân viên tuần đường Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì QL40B đoạn qua huyện Nam Trà My) cho biết, ngày 14.7.2020 phát hiện Công ty CP Đầu tư tư vấn và xây dựng Bình An Phú mở đường nhánh đấu nối trái phép vào khu vực mỏ đá, đơn vị lập tức báo cáo và Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính. Việc rào chắn tại vị trí hành lang bị xâm phạm cũng được tiến hành. Nhưng đến ngày 10.3.2021, qua kiểm tra phát hiện rào chắn đã bị tháo dỡ, đường nhánh vào mỏ đá đang được thi công.
Cũng trên tuyến QL40B qua xã Trà Don, Công ty CP Xây lắp điện 1 mở đường nhánh trái phép bên trái tuyến tại địa bàn thôn 2. Sau khi nhận được báo cáo, Thanh tra Sở GTVT lập biên bản vi phạm hành chính, còn đơn vị bảo trì triển khai rào chắn bằng tường hộ lan mềm. Ghi nhận thực tế mới đây, nhà thầu nêu trên đảm nhận thực hiện trạm cắt điện 110kV Trà Don không tháo dỡ hộ lan mềm, vi phạm hành lang an toàn bằng cách san gạt cho bằng mảnh đất bên cạnh rào chắn để tiếp tục vào thi công công trình.
Không chỉ địa phận thôn 2, Công ty CP Xây lắp điện 1 từng mở nhiều đường nhánh trái phép tại thôn 1 xã Trà Don, thôn 4 của xã Trà Mai và bị lực lượng chức năng lập biên bản, đề nghị chính quyền địa phương xử lý. Tương tự, Công ty CP Tư vấn đầu tư và phát triển điện Cửu Long cũng từng nhiều lần vi phạm HLAT đường bộ tuyến QL40B.
Lúng túng xử lý
Thống kê của Sở GTVT cho biết, từ tháng 1 - 3.2021, ghi nhận trên nhiều tuyến tỉnh lộ, QL trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý, có 37 vụ xâm phạm HLAT đường bộ được các đơn vị chịu trách nhiệm bảo trì phát hiện. Năm 2020, toàn tỉnh có 112 trường hợp vi phạm.
Theo ông Trần Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GTVT, tình trạng xâm phạm HLAT đường bộ ngày càng diễn biến phức tạp. Công tác quản lý, bảo vệ có nơi, có lúc thiếu quan tâm dẫn đến việc vi phạm san lấp mặt bằng hoặc xây dựng nhà cửa, lều quán chưa được phát hiện kịp thời. Lực lượng Thanh tra Sở GTVT mỏng không thể quán xuyến hàng ngày trên 24 tuyến tỉnh lộ, 6 tuyến QL ủy thác với 902km trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Trong khi đó, về phía địa phương, khi phát hiện hành vi vi phạm và nhận được báo cáo, UBND cấp xã, cấp huyện chưa kiên quyết hoặc chậm trễ trong xử lý.
Có thể khẳng định, công tác quản lý, xử lý vi phạm HLAT đường bộ của cơ quan quản lý nhà nước gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thậm chí còn lúng túng. Đơn cử, hộ ông T.V.H. trú thôn 2, xã Trà Linh (Nam Trà My) xây dựng nhà trái phép cách mặt đường QL40B khoảng 5m và san lấp mặt bằng cách lề đường 0,5m. Đơn vị bảo trì đã phối hợp với Thanh tra Sở GTVT và địa phương lập biên bản làm việc, sau đó giao UBND xã Trà Mai xử lý theo quy định. Nhưng đến nay, công trình này vẫn tồn tại, tạo tiền lệ xấu để hộ gia đình khác làm theo. Ông Huỳnh Văn Tưởng - cán bộ địa chính xây dựng xã Trà Mai thừa nhận, địa phương chủ yếu tuyên truyền, vận động còn chuyện xử lý đang bị bỏ ngỏ.
Thanh tra Sở GTVT đánh giá, việc triển khai thực hiện Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Quảng Nam theo Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 29.5.2018 của UBND tỉnh đến thời điểm này chưa hiệu quả. Trách nhiệm chủ trì xử lý vi phạm thuộc UBND cấp xã, nhưng thực tế chưa có trường hợp nào chính quyền địa phương chủ động tổ chức kiểm tra xử lý.
Năm 2020, các vụ việc vi phạm HLAT đường bộ chủ yếu xảy ra trên các tuyến QL ủy thác, Thanh tra Sở GTVT đã chủ động phối hợp kiểm tra và bàn giao cho chính quyền địa phương xử lý theo Quyết định số 1671 của UBND. Tuy nhiên, qua theo dõi, phần lớn trường hợp vi phạm địa phương không xử lý; một số trường hợp địa phương ra quyết định xử lý phạt cảnh cáo (sai quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính) và để cho tồn tại.
Hạn chế, yếu kém vừa đề cập là một trong số nguyên nhân chính khiến hành vi vi phạm HLAT đường bộ trên địa bàn tỉnh thường xuyên diễn ra, tồn tại dai dẳng, làm suy giảm tuổi thọ công trình, mất an toàn giao thông. Đáng lo hơn, những vị trí mở đường lên cao, khi vào mùa mưa sẽ tạo thành “suối” chảy xuống kéo theo đất, đá sạt lở gây chia cắt lưu thông, tốn kém kinh phí khắc phục, đe dọa tính mạng người đi đường.