Ám ảnh tai nạn đường bộ
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT), giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 1.120 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 762 người và bị thương 955 người. Trong đó, đường bộ chiếm đến 1.090 vụ, 734 người tử vong và 949 trường hợp thương tật nặng. Năm 2020, xảy ra 195 vụ TNGT, khiến 144 người tử vong và bị thương 137 trường hợp; riêng đường bộ có 190 vụ với 131 người tử vong và bị thương 137 người. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2021, địa bàn tỉnh xảy ra 33 vụ TNGT khiến 23 trường hợp tử vong, 28 người bị thương tật nặng. Điều đáng nói, toàn bộ số vụ, số người tử vong và bị thương 2 tháng qua đều liên quan đến đường bộ.
TNGT đường bộ luôn chiếm phần lớn trong các loại hình giao thông. Đáng chú ý, những tồn tại của hệ thống kết cấu hạ tầng là một trong số ít nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác đảm bảo ATGT đường bộ. Bên cạnh vi phạm hành lang an toàn đường bộ, có thể nhận thấy, nhiều tuyến đường chỉ có 1 làn xe hoặc có 2 làn ô tô cùng chiều nhưng không có làn dành riêng cho xe thô sơ, người đi bộ. Do đó, người tham gia giao thông phải đi chung làn với ô tô nên nguy cơ mất ATGT rất cao. Ngoài ra, kết cấu mặt đường nhựa của nhiều tuyến đã hết tuổi thọ, kết hợp với nhiều xe tải nặng lưu thông dẫn đến hư hỏng, trở thành cạm bẫy nguy hiểm.
Trong khi đó, hệ thống báo hiệu giao thông trên một số đoạn tuyến chưa đầy đủ hoặc khuất tầm nhìn, phản quang kém vào ban đêm; biển hiệu quảng cáo, buôn bán xen lẫn với báo hiệu đường bộ gây nhiễu loạn thông tin, chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho lái xe. Đường chạy bên cạnh vực sâu, song có chỗ lại thiếu tường hộ lan phòng hộ; đoạn có độ dốc dọc lớn liên tục chưa được đầu tư đường cứu hộ, tránh nạn. Nhiều ngã ba, ngã tư và các đoạn đường cong bán kính nhỏ có tầm nhìn hạn chế nên mất ATGT cao. Một người am hiểu chuyên môn chỉ rõ, các yếu tố kỹ thuật của đường cũng chưa đảm bảo yêu cầu về an toàn, như bán kính đường cong nằm nhỏ, độ dốc siêu cao không phù hợp, độ dốc dọc đường lớn và đổ dốc liên tục, đường cong nằm và đứng thiết kế không phối hợp hài hòa, tầm nhìn hạn chế…
Nguyên nhân của tồn tại là đơn vị quản lý đường bộ chưa rà soát kỹ để sửa chữa, bổ sung các báo hiệu đường bộ đúng theo yêu cầu. Người dân sống dọc các tuyến giao thông ý thức chưa cao về đảm bảo tầm nhìn, tầm quan trọng của hành lang an toàn đường bộ. Các chủ thể liên quan đến quản lý đường bộ chưa quyết liệt đề xuất và chỉ đạo trong thẩm định ATGT. Đặc biệt, nguồn vốn còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu đầu tư sửa chữa, cải tạo nâng cấp. Đường ở miền núi có địa hình khó khăn, do vậy thiết kế có các yếu tố kỹ thuật không đạt theo tiêu chuẩn, nguy cơ mất ATGT…
Hạn chế, bất cập là vậy song việc tháo gỡ không thể nào hoàn thành ngay được. Cho nên, người dân trước hết cần tuân thủ các quy tắc an toàn khi tham gia giao thông, chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự ATGT để bảo vệ an toàn tính mạng của chính mình và cộng đồng.