Đe dọa an toàn đường bộ
Vi phạm chở quá tải trọng cho phép khiến cho tuổi thọ của cầu, đường bị kéo giảm, tính mạng của người tham gia giao thông bị đe dọa. Thực tế nêu trên đang diễn ra tràn lan, phức tạp nhất là địa bàn có các mỏ vật liệu đang trong thời gian khai thác, nhà máy sản xuất hàng hóa đang hoạt động. Trong khi đó, việc kiểm soát, xử lý phương tiện vi phạm tải trọng ở nhiều nơi còn buông lỏng, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Cân tải trọng xe được Ban An toàn giao thông tỉnh trang bị cho nhiều địa phương trước đây chưa phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, có cân đã bị hư hỏng nhưng không được bảo trì, sửa chữa.
Lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, thậm chí cả lề, lòng đường để tập hợp buôn bán, họp chợ, dựng lều quán, biển quảng cáo, phơi nông sản, tập kết vật liệu xây dựng… ngày càng phức tạp trên các tuyến giao thông. Cạnh đó, nhiều hộ dân cố tình xây dựng trái phép trong hành lang an toàn đường bộ. Nhiều trường hợp trước đây địa phương cấp đất hoặc người dân hiến đất xây dựng tuyến đường. Và sau này, tuyến đường được đầu tư mở rộng, hoặc chuyển từ tỉnh lộ (ĐT) lên quốc lộ, đường huyện (ĐH) lên ĐT nhưng không có kinh phí cho công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến không rõ ràng trong việc quản lý hành lang an toàn đường bộ. Đất được cấp, song người dân lại không thể xây dựng, nâng cấp nhà cửa vì nằm trong… hành lang an toàn đường bộ.
Nhiều tuyến đường đi qua nhiều khu vực dân cư sinh sống, người dân tự ý lấp rãnh dọc của tuyến đường để xe cộ qua lại; có trường hợp đổ đất xây dựng nhà cửa làm lấp luôn hạ lưu cống thoát nước ngang gây ứ đọng nước. Thậm chí, một số người dân còn tập kết rác thải dọc tuyến làm mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường sống. Một vấn đề bức xúc khác là người dân tự tiện lấp rãnh thoát nước, mở đường ngang trái phép vào để khai thác, vận chuyển keo. Mỗi lần có mưa lớn, đường ngang này trở thành lòng suối “tập kết” nước, kéo theo đất đá chảy xuống tràn ra mặt đường. Không những vậy, quá trình khai thác keo, cành lá của nó bị vứt ngổn ngang trong rãnh dọc, trên lề và mặt đường ảnh hưởng đến khả năng thoát nước, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam là đơn vị được giao quản lý, bảo trì 5 tuyến quốc lộ trung ương ủy thác và 15 tuyến ĐT. Mỗi lần phát hiện hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ, doanh nghiệp vận động người dân, đồng thời báo cáo trực tiếp hoặc bằng văn bản với chính quyền địa phương và thanh tra giao thông. Vậy nhưng, cấp có thẩm quyền xử lý thiếu triệt để, đặc biệt là từ phía chính quyền địa phương. Mặc dù, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 29.5.2018. Nhưng nhìn chung, sự phối hợp theo quy chế chưa tốt, thậm chí nhiều địa phương còn vi phạm quy chế này. Hạ tầng giao thông ngày càng xuống cấp, có tuyến đã lạc hậu mà kinh phí đầu tư còn khó khăn, vậy mà nguồn lực bỏ ra thực hiện trước đó lại chưa được quan tâm bảo vệ thỏa đáng.