Thi công tuyến ĐT607 qua Hội An: Không kịp tiến độ

CÔNG TÚ 24/11/2020 13:02

Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT607, đoạn km18+00 - km22+398 qua TP.Hội An hiện đã gần hết thời hạn thi công nhưng vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân chính là vướng mắc kéo dài trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Do bị ách tắc mặt bằng, nhà thầu phải chừa nhiều vị trí chưa thảm bê tông nhựa. Ảnh: C.T
Do bị ách tắc mặt bằng, nhà thầu phải chừa nhiều vị trí chưa thảm bê tông nhựa. Ảnh: C.T

Đạt hơn 80% khối lượng

Đoạn tuyến ĐT607 được nâng cấp, mở rộng có chiều dài gần 4,4km với điểm đầu tại ngã tư Thương Tín, điểm cuối đến đường Nguyễn Trường Tộ. Trong đó, nền mặt cắt ngang đoạn ngã tư Thương Tín đến ngã tư đường 28.3 rộng 19m; ngã tư đường 28.3 đến ngã tư đường Hai Bà Trưng rộng 16,5m; ngã tư đường Hai Bà Trưng đến ngã tư đường Nguyễn Trường Tộ rộng 13,5m. Mức đầu tư cho hạng mục GPMB là 100 tỷ đồng; thi công xây dựng hơn 144,9 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Hội An (DIC) và Công ty TNHH MTV Duy Dũng liên danh thi công công trình.

Kỹ sư Lê Văn Công - cán bộ kỹ thuật Công ty DIC cho biết, thực tế việc thảm bê tông nhựa từ đoạn đầu tuyến đến ngã tư đường Hai Bà Trưng. Đoạn ngã tư đường Hai Bà Trưng đến ngã tư đường Nguyễn Trường Tộ chỉ nâng cấp sửa chữa vỉa hè, hệ thống thoát nước. Giữa tuần qua, nhà thầu thực hiện đạt khoảng hơn 80% khối lượng; riêng bê tông nhựa đã thảm xong lớp một dài hơn 3,7/3,8km.

Ghi nhận trên công trường, đơn vị thi công tận dụng thời tiết nắng ráo sau cơn bão số 13 để làm xong nền cấp phối đá dăm 150m còn lại, chuẩn bị thảm bê tông nhựa lớp một. Lý giải nguyên nhân đoạn tuyến vừa nêu chưa hoàn thiện, kỹ sư Lê Văn Công cho biết, vị trí trên vướng đường ống cấp nước sạch D500 và được bàn giao trúng thời điểm cách ly xã hội phòng chống dịch Covid-19 bùng phát lần 2, sau đó tiếp tục gặp mưa, bão liên miên nên chậm. Quan sát đoạn đã thảm bê tông nhựa, chúng tôi nhận thấy còn nhiều vị trí chưa hoàn thành vệt sát lề đường, vỉa hè.

Kỹ sư Đỗ Thành Quảng - Chỉ huy trưởng công trường Công ty DIC xác nhận, chiều dài mà doanh nghiệp được giao thi công là đoạn lý trình km18+062 - km19+260 và km20+420 - km22+398 còn bị ách tắc mặt bằng tại nhiều điểm. Ở đây, người dân chưa đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho TP.Hội An và chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh). Do đó, nhà thầu phải chừa vị trí chưa GPMB xong.

Ách tắc GPMB

Tại cuộc họp giữa UBND TP.Hội An với chủ đầu tư vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An - ông Nguyễn Minh Lý kết luận, thành phố chịu trách nhiệm giải quyết dứt điểm công tác GPMB trong tháng 6.2021 để chủ đầu tư có cơ sở gia hạn thời gian thi công công trình. Ban Quản lý dự án - quỹ đất thành phố tập hợp hồ sơ các hộ chưa bàn giao mặt bằng gửi Phòng TN&MT kiểm tra, rà soát tính pháp lý và tham mưu cho UBND thành phố tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Đơn vị thi công cho biết, trong hợp đồng, nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành xong dự án trong vòng 400 ngày, ngày 27.11 năm nay hết hạn. Tuy nhiên, công trình chưa thể về đích đúng tiến độ do vướng mắc GPMB nêu trên. Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 1 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh) - kỹ sư Nguyễn Đình Phong chia sẻ, địa phương chưa giải phóng xong nhà cửa, vật kiến trúc của 11 hộ dân.

Theo đó, xã Cẩm Hà hiện còn vướng hộ ông Nguyễn Văn Lượm (đòi cấp đổi lại đất và khẳng định đơn giá bồi thường thấp); hộ bà Hoàng Thị Hòa (mua lại đất sau thông báo thu hồi đất); hộ Đinh Thị Bình (yêu cầu được mua lại 1 lô đất ở).

Tại phường Thanh Hà, hộ ông Nguyễn Viết Trung (được ông Dương Di cho đất - chưa thống nhất nhận bồi thường, hỗ trợ); hộ Nguyễn Văn Bê (đã qua đời, có con là Nguyễn Đặng Hiển kiến nghị về loại đất bồi thường, giá bồi thường thấp); hộ Huỳnh Sơn (cho rằng mình được bồi thường không đúng nguồn gốc đất và đã có đơn khiếu nại gửi đến Tòa án nhân dân tỉnh).

Tại phường Thanh Hà, đại diện hộ bà Nguyễn Thị Nhiều (con trai ở bên cạnh) dù đã nhận tiền, nhưng chưa bàn giao mặt bằng do các thành viên trong gia đình đang tranh chấp; hộ Nguyễn Thành Nhân không thống nhất với loại đất bồi thường.

Cùng với đó, mặt bằng của các hộ Nguyễn Lào, ông Thanh, bà Kiều Thị A vẫn ách tắc. Giải thích lý do không đồng thuận bàn giao mặt bằng, bà Kiều Thị A cho biết đất mình đang ở chưa được cấp sổ đỏ mặc dù gia đình từng gửi đơn kiến nghị, kêu cứu nhiều lần. Bà cũng đang chờ giải quyết kiện tranh chấp đất đai với hộ liền kề. Bà Kiều Thị A đã có đơn kiện nhờ tòa phân xử.

Chủ đầu tư cho hay hệ thống điện trung thế vẫn còn 9 vị trí hiện diện trên nền đường. Cửa xả tại lý trình km18+329 không thể thi công do các hộ dân tại khối Bàu Súng (phường Thanh Hà) không thống nhất do bị sợ ngập úng và ô nhiễm. Để có cơ sở đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu tập trung hoàn thành công trình và đảm bảo an toàn giao thông, chủ đầu tư vừa qua tiếp tục kiến nghị UBND TP.Hội An quan tâm chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc, Ban Quản lý dự án - quỹ đất thành phố, các xã, phường có liên quan tập trung quyết liệt, bàn giao mặt bằng trong năm 2020. Cùng với đó, thành phố chỉ đạo đơn vị di dời điện khẩn trương di dời điện trung thế trong tháng 11.2020, riêng các trụ tại nút ngã tư đường 28.3 hoàn thành trước 15.12 năm nay; vận động các hộ tại khối Bàu Súng để thi công mương xả.

CÔNG TÚ