Điểm yếu quốc lộ 40B
Thực trạng “bình mới rượu cũ” khiến vấn đề mất an toàn giao thông (ATGT) trên quốc lộ (QL) 40B ngày càng phức tạp. Trục tuyến huyết mạch phía tây bắc của tỉnh đã bộc lộ rõ nhiều điểm yếu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, an sinh và cứu hộ, cứu nạn.
Bộc lộ điểm yếu
Cơn bão số 9 kéo theo mưa to kéo dài thì ngay lập tức sạt lở trên QL40B diễn tiến nghiêm trọng. Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải, khối lượng đất, đá đổ ập xuống tuyến đường này chiếm “áp đảo” nếu đem so cùng các trục QL khác qua địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đoạn tuyến nằm địa bàn các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My bị hư hỏng nặng nề với hàng trăm nghìn mét khối đất, đá từ taluy dương đổ xuống.
QL40B có điểm đầu tại xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) kết thúc tại lý trình km1506 đường Hồ Chí Minh (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) với tổng chiều dài hơn 209km; trong đó đoạn qua Quảng Nam dài 147,4km. Đến tháng 7.2019, Bộ Giao thông - Vận tải mới quyết định khởi công nâng cấp, mở rộng đoạn từ đường Võ Chí Công lên nút giao cao tốc qua Phú Ninh. Đáng chú ý, kinh phí đầu tư này được điều chuyển từ nguồn ban đầu dự định xây dựng cầu vượt trực thông Tam Hiệp (Núi Thành). Trước tình trạng ùn tắc xe cộ, mất ATGT, ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, tỉnh quyết định trích kinh phí đầu tư mở rộng đoạn nối tiếp từ nút giao vào đường cao tốc lên đến đường tránh thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước). Như vậy, đoạn từ thị trấn Tiên Kỳ lên Nam Trà My còn đang bỏ ngỏ.
Một người dân ở xã Trà Đốc chia sẻ, mùa mưa bão năm 2016, giao thông từ Bắc Trà My lên Nam Trà My có thời điểm ngưng trệ nhiều ngày liền cũng do sạt lở. Nay chỉ mới cuối tháng 10.2020, sạt lở đã tiếp diễn khủng khiếp như thế. May mắn chưa gây hậu quả về người, song cũng đủ khiến QL40B bị tê liệt lưu thông hàng chục điểm, việc đưa nhân lực và máy móc, trang thiết bị lên triển khai cứu hộ, cứu nạn nạn nhân vụ sạt lở ở xã Trà Leng (Nam Trà My) không thể kịp thời. Để tháo gỡ ách tắc vừa đề cập, đơn vị quản lý đường đã nỗ lực ngày đêm khắc phục thông xe bước một. Nhưng ngay sau đó, bắt buộc phải cấm người và phương tiện qua lại vì tại lý trình km68+100 (xã Trà Tân, Bắc Trà My) đất đá nằm trên cung trượt phía taluy dương lăn xuống rất nguy hiểm.
Một kỹ sư cầu đường nhận xét, taluy dương lý trình km68+100 dựng đứng, phía trên có nhiều tảng đá “mồ côi”, dưới sự tác động của nước mưa thấm vào đất bão hòa nên sẽ dễ dàng trượt nếu dòng chảy trên cao đổ xuống khi có mưa. “Lẽ ra lúc làm đường, mái taluy dương phải bạt rộng, làm nhiều tầng và kè rọ đá sẽ giải quyết được vấn đề” - kỹ sư này nói.
Từ chia sẻ trên, điểm yếu của QL40B tiếp tục được nhận diện với thiết kế thi công ban đầu chưa đến nơi đến chốn, nguyên nhân là do ngân sách tỉnh trước đây quá hạn hẹp nên đầu tư cho tuyến ĐT616 (nay là QL40B) bị hạn chế. Còn kể từ khi lên QL40B (ngày 16.9.2013) cho đến nay, Bộ Giao thông - Vận tải hầu như chưa bố trí nguồn lực nào đáng kể để cải tạo, nhất là đoạn qua các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Ngoài sạt lở, ách tắc lưu thông trên QL40B còn hiển hiện ở ngầm Sông Trường (km62+00) và ngầm Nước Oa (km63+100). Do thấp xa so với cao độ nền đường, chỉ cần vài trận mưa to, nước lũ lập tức băng ngập sâu 2 ngầm này làm tắc đường. Tính riêng trong tháng 10, ngập sâu đã diễn ra hàng chục lần tại hai ngầm tràn này.
Nhiều bất ổn
QL40B đóng vai trò tuyến huyết mạch phục vụ lưu thông cho các huyện phía tây bắc của tỉnh. Đáng chú ý, đoạn tuyến xây dựng mới từ Tắc Pỏ (huyện Nam Trà My) lên giáp huyện Tu Ma Rông (Kon Tum) đã “mở nút thắt” nối thông với tỉnh bạn, kết nối đường Hồ Chí Minh và thông tới cửa khẩu Bờ Y. Đường sá liên hoàn, mật độ phương tiện đi lại trên tuyến ngày càng đông đúc, tuy nhiên thực trạng “bình mới rượu cũ”, nhất là đoạn từ Tiên Phước lên Nam Trà My tái diễn suốt hơn 7 năm qua, khiến tuyến đường này luôn ở trạng thái bất ổn.
Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Bắc Trà My - ông Nguyễn Hữu Sự chia sẻ, mặt cắt đường quá nhỏ không đáp ứng kịp với tốc độ gia tăng của lưu lượng phương tiện, trên tuyến xuất hiện các điểm cong cua liên tục và độ dốc lớn nên tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Theo báo cáo của Ban ATGT huyện Bắc Trà My, 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thì trên QL40B chiếm đến 2 vụ.
Không chỉ ảnh hưởng đến dân sinh, kết cấu hạ tầng giao thông QL40B yếu kém là “điểm nghẽn” phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tuyến đường này đi qua. Thâm nhập thực tế mới thấy, mặt đường QL mà nhiều vị trí còn nhỏ hơn giao thông nông thôn. Vậy nên, xe container hoặc xe tải cỡ lớn lưu thông gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể quay đầu. “Bảo sao, doanh nghiệp lên tìm hiểu đầu tư mở nhà máy “một đi không trở lại” cho được. Rõ ràng, đường sá như thế không thể chở nguyên liệu lên để sản xuất, rồi chở hàng hóa làm ra ngược trở xuống” - một cán bộ địa phương bộc bạch.
Tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, cử tri đều bày tỏ bức xúc trước thực trạng của QL40B, đồng thời kiến nghị Trung ương xem xét sớm có giải pháp tháo gỡ. Nếu diện mạo tuyến đường không thay đổi, những bất ổn đang tồn tại và tiếp diễn ngày càng phức tạp như thế, nhân dân địa phương và người tham gia giao thông trên tuyến sẽ còn khổ dài dài.