Giao thông thiệt hại do lũ lụt

SÁU CÒI 13/10/2020 04:57

Mưa to kéo dài liên tục mấy ngày qua gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống giao thông. Đất đá, cây cối tràn xuống đường, tình trạng sạt lở, đứt gãy nền đường xảy ra nhiều nơi. 

Lũ lụt làm ngập nhiều vị trí trên các tuyến đường khiến việc đi lại bị đình trệ. Theo dõi bản tin của Sở GTVT, báo cáo nhanh của ngành vào buổi trưa con đường này bị chia cắt tại một vị trí do nước ngập sâu, nội dung báo cáo nhanh cuối ngày cũng với tuyến giao thông đó dù nước đã rút nhưng vẫn tắc lưu thông do bị sạt lở lấp mặt đường ở nhiều vị trí khác. Có cung đoạn vừa khắc phục sạt lở thông xe bước một chỗ này, ngay lập tức nhiều chỗ khác “thay thế” ngay với hàng nghìn mét khối đất đá, cây cối “nằm vạ” dưới lòng đường.

Quốc lộ 14B, đoạn lý trình km68+500-68+700 (thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang) bị đất đá từ đồi núi cao phía bên phải tuyến “bám” dòng nước theo con suối chảy xuống “chui” cầu bản không lọt, nên “vượt” qua lan can cầu tràn lấp mặt đường lên tới 30.000m3 gây chia cắt lưu thông nhiều giờ liền.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở GTVT có mặt tại hiện trường sau sự cố, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý với tinh thần “4 tại chỗ” đã chủ động triển khai nhiệm vụ bất chấp thời tiết khắc nghiệt, cật lực làm việc đến tận 9, 10 giờ đêm mới nghỉ để phòng bất trắc có thể uy hiếp tính mạng con người. Thông xe bước một diễn ra nhanh chóng, việc khắc phục thông tuyến toàn bộ dự kiến chỉ một vài ngày sau. Tuy nhiên, mưa rất to vẫn kéo dài, thậm chí với mật độ dày hơn, lượng nước trút xuống lớn hơn trong 2 ngày 10 và 11.10 khiến cho mặt đường 14B tiếp tục bị vùi lấp.

Thiệt hại cho hạ tầng giao thông qua các trận mưa lũ vừa qua là rất lớn, tuy nhiên con số cụ thể bao nhiêu chưa thống kê được do nhiều tuyến đường còn ngập sâu, hoặc tiếp tục tái diễn tình trạng sạt lở taluy, cầu cống, mương thoát nước… Có địa điểm, đơn vị quản lý đường dù đã tập kết nhân lực, phương tiện máy móc chuyên dụng gần đó nhưng chưa thể tiếp cận vì đá từ taluy dương không ngừng đổ xuống. Nước chưa rút sâu, hậu quả lũ lụt gây ra cho đường thủy nội địa cũng chưa thể tính vào lúc này. Nhưng mới chỉ thống kê sơ bộ, các tuyến quốc lộ trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý và các tuyến tỉnh lộ (ĐT) bị sạt lở taluy dương hàng trăm mét khối đất đá; sạt lở taluy âm dài hàng nghìn mét.

Lướt báo cáo nhanh của một vài địa phương và theo ngành chức năng, hạ tầng giao thông do cấp huyện quản lý bị tổn thương rất nghiêm trọng qua các đợt lũ lụt liên hoàn. Con số thống kê cụ thể chắc chắn sẽ có, tất nhiên chưa phải vào lúc này. Nhưng theo ông Nguyễn Đức Huy - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang, sơ bộ đến trưa ngày 11.10, các tuyến đường do địa phương quản lý có tổng khối lượng đất đá sạt lở taluy dương là 16.565m3; sạt lở taluy âm 22.165m3. Sạt lở taluy dương có thể khắc phục nhanh tạm thời để thông xe; nhưng với sạt lở taluy âm, đơn cử như tuyến ĐH11.ĐG (xã Mà Cooih - xã Kà Dăng) đã gây đứt hoàn toàn nền, mặt đường sẽ khó mà “vá víu”, chưa kể nguồn lực thực hiện là không hề nhỏ.

SÁU CÒI