Gánh nặng của hạ tầng giao thông
Gần 8 giờ sáng ngày 4.10 (Chủ nhật), Sáu tôi nhận cuộc điện thoại lạ, người gọi cho biết đã liên lạc với đường dây nóng Báo Quảng Nam và được cho số điện thoại của Sáu Còi. Không “vòng vo tam quốc”, độc giả của báo lập tức phản ánh tình trạng tài xế xe tải chở nguyên vật liệu phóng nhanh, bóp còi inh ỏi tại khu vực ngã tư Ái Nghĩa, nơi giao nhau giữa tuyến đường ĐT609 và ĐT609B qua địa bàn thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc).
Được biết, phía bên trái tuyến đường ĐT609, đoạn từ khoảng gần km14+000 cho đến ngã tư Ái Nghĩa đã cấm lưu thông, do nhà thầu đang phải phân luồng đảm bảo giao thông để thi công dự án sửa chữa nền và mặt đường ĐT609. Các loại phương tiện từ dưới lên và ngược lại chỉ được lưu thông phần đường bên phải tuyến, đòi hỏi tốc độ phải chậm và di chuyển thận trọng. Tuy nhiên, người này bức xúc lên tiếng trước việc tài xế xe tải chạy rất nhanh, có trường hợp vượt đèn đỏ, liên tục bóp còi khiến ai nấy cũng phải giật mình, ảnh hưởng đến môi trường sống và an toàn giao thông. “Phóng viên nếu không tin, hãy một lần đến đây sẽ tận mắt chứng kiến” - vị độc giả quả quyết.
Qua tìm hiểu, ngã tư Ái Nghĩa là địa điểm “hội tụ” lưu thông của rất nhiều xe tải trọng nặng chuyên chở nguyên vật liệu đi các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đơn cử, xe tải chở xi măng từ Nhà máy xi măng Xuân Thành ở Nam Giang chạy trên quốc lộ 14B, xuống ĐT609, rồi lưu thông bằng quốc lộ 1 qua địa phận Điện Bàn, Duy Xuyên… Đông đảo nhất phải kể đến xe tải chở cát xuất phát từ các bãi tập kết bố trí ven quốc lộ 14B, ĐT609, ĐT609B cũng di chuyển qua ngã tư Ái Nghĩa. Việc vận chuyển nguyên vật liệu tuân thủ quy tắc an toàn khi tham gia lưu thông thì không có gì phải bàn cãi, vậy nhưng, ghi nhận thực tế và từ phản ánh của độc giả cho thấy, nhiều xe tải chở vật liệu xuất phát tại Đại Lộc “có ngọn”, đất, cát rơi xuống vương vãi khắp nơi làm ô nhiễm môi trường; cánh tài xế vì muốn kiếm nhiều chuyến không ngần ngại vượt ẩu gây nguy hiểm cho người đi đường.
Những gì diễn ra tại các tuyến đường tiếp cận các mỏ vật liệu, nhà máy sản xuất cho thấy, hạ tầng giao thông nhanh bị xuống cấp, hư hỏng hơn thường lệ. Chẳng hạn trên tuyến ĐT617 qua xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành), chủ đầu tư và nhà thầu dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa hoàn trả nguyên trạng sau khi hoàn tất thi công công trình, mặc dù đã không biết bao lần “hẹn lần hẹn lữa”. Đơn vị quản lý đường có duy tu, bảo dưỡng thường xuyên chủ yếu bằng cách “vá” bề mặt nhưng đã nhanh chóng bị bong tróc bởi xe tải chở đất từ mỏ nằm ven tuyến chạy qua. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị khác có liên quan cần ngồi lại thẳng thắn đánh giá toàn diện, xem xét thấu đáo và giải quyết triệt để tình trạng xe vận chuyển quá tải trọng cho phép, đặc biệt là vận chuyển vật liệu xây dựng để tránh gây gánh nặng lên hạ tầng giao thông.