Điều chỉnh quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: Xem xét tác động đa chiều

TRẦN HỮU 18/09/2020 04:27

Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 khai mạc hôm qua (17.9) đã thảo luận về điều chỉnh bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Việc lựa chọn thay đổi địa điểm mỏ khoáng sản đã được xem xét, đánh giá cẩn trọng, tránh sự chồng lấn quy hoạch và tác động xấu đến môi trường.

Các mỏ khoáng sản phải đấu giá quyền khai thác theo luật định. Ảnh: H.P
Các mỏ khoáng sản phải đấu giá quyền khai thác theo luật định. Ảnh: H.P

Bắt buộc không chồng lấn với quy hoạch khác

Ven sông Trạm chảy qua địa bàn xã Trà Đông (Bắc Trà My) có trữ lượng cát sỏi dồi dào, là nguồn cung cấp nguyên liệu xây dựng cho địa bàn Bắc Trà My. Nơi đây, từ năm 2014, UBND tỉnh đã quy hoạch quy mô diện tích 5ha. Tuy nhiên, theo địa phương, qua thời gian dài, khu vực quy hoạch bị tác động bởi dòng chảy tự nhiên dẫn đến vị trí, diện tích thực tế mỏ khoáng sản đã thay đổi so với quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 2691 ngày 4.9.2014. 

Tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2021, ngoài đề nghị xem xét điều chỉnh tọa độ mỏ cát tại huyện Bắc Trà My, UBND tỉnh đã đề nghị HĐND tỉnh bổ sung 8 điểm mỏ vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có 3 điểm mỏ đất san lấp tại huyện Hiệp Đức, Đại Lộc; 4 điểm mỏ đất sét làm vật liệu sản xuất gạch, ngói trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Nam Giang; 1 điểm mỏ cát xây dựng trên địa bàn huyện Bắc Trà My.

Cũng theo UBND huyện Bắc Trà My, một số vị trí đã phê duyệt quy hoạch nhưng khi khảo sát, đề xuất thăm dò, khai thác chưa có giao thông kết nối, ảnh hưởng khu vực dân cư, môi trường, chưa đủ điều kiện thăm dò, khai thác. Do đó, địa phương đề xuất điều chỉnh ranh giới, tọa độ khu vực mỏ; đề xuất diện tích bổ sung hơn 6,6ha, với hiện trạng khu vực là bãi bồi, xen lẫn cây bụi.

Nhu cầu đất san lấp phục vụ các công trình trọng điểm lẫn dân sinh thực sự cấp bách ở nhiều nơi. Thời gian qua, việc cấp phép khai thác đất ồ ạt tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường dù chính quyền một số địa phương đã khảo sát, lấy ý kiến từ các nhà chuyên môn, quản lý, tham vấn cộng đồng dân cư trước khi cấp phép. Giám đốc Sở Xây dựng - ông Nguyễn Phú khẳng định, nguyên tắc nhất quán là khi điều chỉnh bổ sung quy hoạch mỏ khoáng sản bắt buộc không được chồng lấn với các loại quy hoạch khác.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - ông Hồ Ngọc Mẫn đề xuất bổ sung quy hoạch đất san lấp tại thôn An Lợi Tây (xã Đại Nghĩa) với diện tích 12ha, trữ lượng khai thác 700 nghìn mét khối. Theo ông Mẫn, khu vực này không chồng lấn các quy hoạch khác, vị trí khai thác nằm gần khu vực đã được cấp quyền khai thác khoáng sản đất san lấp thông thường, phần diện tích đã giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Vị trí đề xuất bổ sung tận thu được quy hoạch rừng sản xuất (gần 11ha) và nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (hơn 1,1ha).

Việc bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là cần thiết. TRONG ẢNH: Một mỏ đất tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc. Ảnh: H.P
Việc bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường là cần thiết. TRONG ẢNH: Một mỏ đất tại xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc. Ảnh: H.P

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Theo quy định của pháp luật hiện hành, các nhà máy sản xuất gạch nung lẫn gạch không nung bắt buộc phải có mỏ khoáng sản (đất sét, cát, mạt đá…) được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng - ông Nguyễn Phú cho rằng, khó khăn lớn nhất của đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung trên địa bàn các huyện miền núi là nguồn nguyên liệu (cát, mạt đá). Về cơ chế ưu đãi, tại Quyết định số 1469, ngày 22.8.2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, công nghệ sản xuất gạch tuynel bằng nguyên liệu đất đồi được khuyến khích để đáp ứng nguồn vật liệu tại chỗ cho địa phương trong thời gian kêu gọi các nhà đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung. Tại huyện Nam Giang, UBND tỉnh đã cấp phép khai thác mỏ đất sét phục vụ sản xuất gạch ngói tại thôn Pà Dấu 2 thuộc thị trấn Thạnh Mỹ quy mô diện tích 7ha và 2 điểm mỏ tại thôn Thạnh Mỹ 3 thuộc thị trấn Thạnh Mỹ.

Theo Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức, việc bổ sung các điểm mỏ vào quy hoạch khoáng sản là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng các công trình hạ tầng, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt khác, hiện trạng các điểm mỏ đề nghị bổ sung vào quy hoạch khoáng sản chủ yếu là đất trồng rừng sản xuất của nhân dân, phù hợp quy hoạch, quản lý sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng; không thuộc đất quốc phòng; không có các công trình văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh. 

HĐND tỉnh yêu cầu, khi đã thống nhất đưa vào quy hoạch, UBND tỉnh phải thực hiện nghiêm túc đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tổ chức lựa chọn đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến để thăm dò, khai thác; thực hiện việc ký quỹ phục hồi môi trường, cam kết hoàn thổ phục hồi môi trường theo đúng quy định pháp luật hiện hành trước khi cấp phép khai thác. “Đối với các điểm mỏ liên quan đến đất rừng, trước khi cấp phép khai thác, đề nghị lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng sản xuất sang mục đích khác, có phương án trồng rừng thay thế” - ông Đức nói.

TRẦN HỮU