Thăng Bình đột phá đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

VIỆT NGUYỄN 04/09/2020 08:25

Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đặt ra.

Huyện Thăng Bình chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Huyện Thăng Bình chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nền tảng

Thăng Bình cần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, xây dựng các khu tái định cư. Theo đó, triển khai một số trục giao thông kết nối, góp phần đảm bảo liên kết vùng, mở rộng không gian, quỹ đất để đầu tư phát triển, như các tuyến đường giao thông kết nối đến QL 14H, cầu Cẩm Kim, kết nối giữa vùng đông và vùng tây, triển khai xây dựng các đô thị động lực như Bình Minh, Hà Lam để tạo sự phát triển lan tỏa”.

(Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng)

Nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng quan trọng đã được triển khai trên địa bàn huyện Thăng Bình trong thời gian qua như nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 1, hoàn thành, đưa vào sử dụng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, xây dựng đường Võ Chí Công, cầu Bình Triều - Bình Đào, đường nối từ đường Võ Chí Công đến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Thăng Bình cũng đã nâng cấp, bảo trì QL 14E từ xã Bình Minh đến Bình Lãnh, tuyến đường tỉnh (ĐT613) từ cầu Bình Dương đến khu tái định cư ven biển Bình Dương, cầu Bình Nam 1, cầu Bình Nam 2. Tổng nguồn vốn trung ương, tỉnh đầu tư trên địa bàn huyện trong 5 năm (2016 - 2020) hơn 1.509 tỷ đồng.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thăng Bình đánh giá, hạ tầng giao thông ở Thăng Bình đã được đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm. Vốn đầu tư hạ tầng giao thông chiếm hơn 50% tổng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 của huyện. Ngoài đầu tư xây dựng các tuyến đường huyện (ĐH), Thăng Bình còn kiên cố hóa 92,65km giao thông nông thôn với tổng kinh phí 68,24 tỷ đồng.

Đầu tư và đưa vào sử dụng các tuyến giao thông quan trọng đã tạo thuận lợi để Thăng Bình phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Các cụm công nghiệp đang hoạt động, nhất là Hà Lam - Chợ Được (xã Bình Phục), đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Huyện cũng đầu tư nâng cấp, xây mới một số trường học, phòng học, nhà văn hóa, các trạm y tế xã, thị trấn, nghĩa trang liệt sĩ... 

Kết quả đạt được là nền tảng để giai đoạn 2021 - 2025 Thăng Bình quyết tâm tiếp tục tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là mạng lưới giao thông, thủy lợi, hạ tầng các cụm công nghiệp, hạ tầng văn hóa - xã hội. Định hướng của địa phương là phát triển, khớp nối hạ tầng giao thông thông suốt, kết nối các tuyến giao thông chính của huyện với đường cao tốc, QL 1, QL 14E và tỉnh lộ. 

Cần thêm sự hỗ trợ

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời gian qua, ngoài huy động nguồn lực từ ngân sách tỉnh, trung ương, huyện đã tận dụng các nguồn lực tại địa phương như đấu giá quyền sử dụng đất, xã hội hóa từ doanh nghiệp, đóng góp của người dân. Hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng từ trung tâm huyện đến các xã, thôn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Thăng Bình có những cơ chế đột phá để ưu tiên xây dựng những công trình hạ tầng tại các xã, thôn nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân. Theo đó, đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, công trình phòng tránh thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo nước tưới, chống xói lở, nhiễm mặn.

Thăng Bình phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư hoàn thành 50km đường ĐH, nâng cấp, mở rộng các tuyến ĐH đảm bảo kỹ thuật theo tiêu chí giao thông của huyện nông thôn mới trong tương lai. Huyện chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đạt hiệu quả. Một trong những giải pháp căn cơ để đẩy mạnh xây dựng hạ tầng trên địa bàn là tạo nguồn thu ổn định, trước hết là thực hiện tốt các dự án khai thác quỹ đất tại các địa phương. Cùng với đó, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ để tạo nguồn thu ổn định. Ngoài ra, hằng năm huyện xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 mà HĐND huyện đã thông qua.

Theo lãnh đạo UBND huyện Thăng Bình, nhu cầu đầu tư hạ tầng trên địa bàn huyện rất lớn nhưng tiềm lực có giới hạn. Địa phương đề xuất UBND tỉnh, Trung ương đầu tư nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường Võ Chí Công, tuyến đường vành đai ven biển, tuyến ĐH 25 (Bình Trung đi Bình Phú), cầu qua sông Trường Giang trên tuyến ĐT 613, cầu Tây Giang (Bình Sa đi Bình Hải) cầu Bình Giang (Bình Giang đi Bình Dương). Huyện cũng kiến nghị UBND tỉnh quan tâm kiện toàn tuyến đường từ Khu công nghiệp nam Thăng Bình đến Khu công nghiệp đông Quế Sơn, đường tránh lũ vành đai bắc Thăng Bình, nạo vét sông Trường Giang, nâng cấp tuyến ĐT 612 (Bình Quý đi Tiên Sơn, Tiên Phước), kè sông Ly Ly, kè bàu Hà Kiều cũng như đầu tư xây dựng bến cá Tân An (Bình Minh), khu neo đậu tàu cá Bình Dương, và các hồ thủy lợi trên địa bàn.

VIỆT NGUYỄN