Nâng tầm vóc dáng đô thị tỉnh lỵ
Hiếm có đô thị nào trên cả nước có bước phát triển nhanh như đô thị Tam Kỳ. Sau 20 năm từ một thị xã tỉnh lỵ khá khiêm tốn đã “lên đời” trở thành thành phố và đến nay hoàn thiện cơ bản đô thị loại II, đang hướng đến đô thị loại I trong tương lai gần.
Nhìn lại chặng đường phát triển của đô thị Tam Kỳ, có thể nói nếu như hơn 20 năm sau ngày giải phóng 1975 “chậm chân” bao nhiêu thì giai đoạn 20 năm tiếp theo lại có những bước đi nhanh bấy nhiêu.
Hành trình lên phố
Còn nhớ thời điểm năm 1997 khi trở thành tỉnh lỵ, Tam Kỳ vẫn là một thị xã nhỏ bé và lạc hậu, kết cấu hạ tầng đô thị khá yếu kém. Toàn thị xã chỉ có vài con đường như Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân, Huỳnh Thúc Kháng nhưng chẳng ra phố, gần như không có vỉa hè, đèn đường. Khó tin vùng đất từng có chặng đường lịch sử phát triển hơn 600 năm, từng là thủ phủ Hà Đông từ năm 1471 và là thị xã tỉnh lỵ tỉnh Quảng Nam vào năm 1951, rồi thêm hơn 20 năm kể từ ngày thống nhất đất nước lại có bộ mặt như vậy.
Trở lại vị trí tỉnh lỵ vào năm 1997, thị xã Tam Kỳ bắt đầu được quy hoạch, đầu tư xây dựng, chỉnh trang hạ tầng đô thị. Từ đây, đô thị này liên tục được khoác “áo mới” khiến những người con Tam Kỳ đi xa trở về ngạc nhiên.
Cuối năm 2005, thị xã Tam Kỳ được nâng tầm khi công nhận đạt chuẩn đô thị loại III (sau khi chia tách thành 2 đơn vị hành chính mới là thị xã Tam Kỳ và huyện Phú Ninh hồi đầu năm). Chỉ một năm sau Tam Kỳ tiếp tục “lên đời” trở thành thành phố trực thuộc tỉnh, mở ra bước ngoặt phát triển mới cho đô thị tỉnh lỵ. Không dừng lại ở đó, tròn 10 năm sau khi lên thành phố, Tam Kỳ được công nhận đô thị loại II vào năm 2016.
Gần 10 năm từ thị xã chuyển mình lên thành phố, và cũng chỉ cần chừng ấy thời gian nâng tầm trở thành đô thị loại II, rõ ràng đô thị Tam Kỳ đã có chặng đường phát triển khá nhanh chóng và đầy tự hào.
Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Nguyễn Minh Nam cho rằng, hành trình phát triển đô thị Tam Kỳ thời gian qua theo đúng kế hoạch, định hướng của thành phố và tỉnh. Bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, thành phố tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư để hoàn chỉnh các tiêu chí chưa đạt, nâng cấp các tiêu chí đã hoàn thành nhằm nâng cao chất lượng đô thị. Tất cả đã làm thay đổi diện mạo đô thị theo hướng khang trang, xanh sạch đẹp và hiện đại. Đến nay, đã hoàn thiện cơ bản các tiêu chí đô thị loại II với 56/59 tiêu chí đạt, 3 tiêu chí chưa đạt, gồm dân số, thu nhập bình quân đầu người và tỷ lệ hỏa táng.
Định hình đô thị loại I
Cuối tháng 6 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị chuyên đề về đề án Phát triển TP.Tam Kỳ thành đô thị loại I vào năm 2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, phát triển TP.Tam Kỳ trở thành đô thị loại I là định hướng đúng đắn để có tầm nhìn xa hơn trong quá trình xây dựng, phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương mở rộng không gian để đảm bảo các tiêu chí đô thị loại I trong tương lai; đồng thời sẽ có cơ chế đặc thù đối với đô thị Tam Kỳ để ưu tiên nguồn lực đầu tư, bởi đây là bộ mặt của tỉnh.
Theo ông Nguyễn Minh Nam, qua rà soát đánh giá các chỉ tiêu đô thị loại I, hiện Tam Kỳ đạt 46/59 tiêu chí. Vì vậy, chủ trương xây dựng Tam Kỳ cơ bản đạt đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2025 nhằm tạo điều kiện đầu tư phát triển thành phố, hướng đến xây dựng đô thị Tam Kỳ gắn với phát huy bản sắc văn hóa, hình thành đô thị xanh và thông minh. Điều này phù hợp với chiến lược phát triển đô thị chung của cả nước, tỉnh và quy hoạch chung thành phố. Dù vậy, thách thức trong quá trình phát triển đô thị loại I, theo các nhà chuyên môn, quản lý, là rất lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, đô thị Tam Kỳ đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là vị trí, chức năng, vai trò của đô thị, quy mô dân số và hạ tầng đô thị. Tam Kỳ hiện nay chưa phát huy vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội liên vùng, dân số 169.000 người trong khi quy định tối thiểu đô thị loại I là 500.000 người.
Ông Nguyễn Minh Nam cho rằng, để đạt đô thị loại I cần có các giải pháp đột phá nhằm tăng tốc phát triển kinh tế, xã hội, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù làm đòn bẩy nâng cấp đô thị. Từ đó sẽ tác động lan tỏa, nâng cao vai trò của đô thị; thu hút dân cư, phát triển hạ tầng và kinh tế đô thị. Ngoài ra, xây dựng hoàn thành dự án đô thị thông minh (nguồn viện trợ của Koica) trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng cách mạng số vào quản lý và quản trị đô thị, gắn với tiếp tục đầu tư chính quyền điện tử hiện đại để kết nối công dân, doanh nghiệp.