Dự án đầu tư xây dựng sửa chữa tuyến ĐT609: Chưa kiểm đếm, bồi thường đã thi công
Dự án đầu tư xây dựng công trình sửa chữa hoàn trả đoạn Km0 - Km1 + 700 tuyến ĐT609 (cũ) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư được xem là công trình góp phần hoàn chỉnh kết nối các tuyến giao thông nội thị Điện Bàn. Tuy nhiên, do nhà thầu tổ chức thi công khi chưa có kết quả kiểm đếm, bồi thường hỗ trợ, giải tỏa mặt bằng khiến nhiều hộ dân không đồng tình.
Chưa bàn giao mặt bằng
Công trình sửa chữa hoàn trả đoạn Km0 - Km1 + 700 tuyến ĐT609 (cũ) có tổng chiều dài 1,7km qua địa phận 2 phường Vĩnh Điện và Điện An, thị xã Điện Bàn. Theo thiết kế phê duyệt, mặt đường rộng 11m (bao gồm bó vỉa 2x0,25m), ống cống bê tông đặt ngầm, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 9,2 tỷ đồng (ngân sách thị xã Điện Bàn bố trí 30%). Liên danh nhà thầu thi công gồm Công ty TNHH MTV Duy Dũng và Công ty TNHH Đầu tư và xây lắp Nam Trung, tiến độ thi công 500 ngày.
Ngày 28.6.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2102 QĐ/UBND giao nhiệm vụ chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cho UBND thị xã Điện Bàn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án theo đúng quy định pháp luật.
Ngày 16.7.2019, UBND thị xã Điện Bàn ban hành văn bản giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã làm đại diện chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngày 7.2.2020 Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn họp dân thông báo dự án. Tuy nhiên, trước đó, ngày 6.12.2019, nhà thầu đã chính thức triển khai thi công.
Ông Nguyễn Quốc Dân - Đội trưởng Đội thi công (Công ty TNHH MTV Duy Dũng) cho biết, dù chưa bàn giao mặt bằng nhưng đơn vị vẫn chủ động làm việc với các hộ dân để xin thi công trước tuyến đường cho kịp tiến độ. Tuy nhiên, hiện tại đơn vị cũng mới chỉ thi công phần ngoài lòng đường, phía lề (2m) vẫn chưa làm vì phải chờ áp giá bồi thường.
“Chủ trương của đơn vị là phải thi công xong trước mùa mưa, vì vậy đơn vị phải khẩn trương làm. Thời gian qua chúng tôi phải đi xin dân tạo điều kiện để thi công, đoạn nào ảnh hưởng đến vật kiến trúc của dân nếu giá trị bồi thường ít, chúng tôi hỗ trợ luôn, đoạn nào nhiều tiền hoặc dân không cho thì chúng tôi không làm” - ông Dân thông tin.
Ông Nguyễn Văn Côi - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn thừa nhận, đến thời điểm này đơn vị mới triển khai thông báo về dự án, các bước tiếp theo như thiết lập bản đồ quy hoạch, thông báo thu hồi đất, kiểm đếm, áp giá bồi thường… vẫn chưa thực hiện.
“Hiện nay bên nhà thầu nôn nóng tự đi thương lượng trước với dân để làm chứ chúng tôi chưa bàn giao mặt bằng, cái này là việc giữa bên thi công với người dân, đơn vị không biết” - ông Côi nói.
Đẩy nhanh tiến độ
Hậu quả của việc “nôn nóng” là một vài nơi ngổn ngang vật liệu ống cống do phải chờ người dân kế bên đồng ý cho thi công khiến bụi bặm và nguy cơ tai nạn giao thông rình rập. Theo ông Nguyễn Quốc Dân, vì thời gian thi công hoàn thành tuyến đường chỉ kéo dài 500 ngày trong khi mùa mưa đang đến gần do đó đơn vị phải linh động. Đơn vị mong muốn bên giải phóng mặt bằng triển khai sớm việc kiểm đếm, áp giá bồi thường hỗ trợ cho người dân để có mặt bằng thi công.
Ông Nguyễn Văn Côi cho rằng, việc triển khai giải phóng mặt bằng tuyến đường phải đúng quy trình các bước, bao gồm thông báo về dự án đến người dân; đề nghị người dân phối hợp để đo đạc, ký xác nhận vào hồ sơ đo đạc, sau đó đưa ra UBND phường đối chiếu xem xét hoàn chỉnh bản đồ gửi Sở TN-MT thẩm định, sau đó trình UBND thị xã ra quyết định thông báo thu hồi đất, căn cứ thông báo thu hồi đất đơn vị sẽ đề nghị thành lập tổ kiểm đếm và công khai kiểm đếm, cuối cùng là Hội đồng thẩm định thị xã thẩm định trước khi trình UBND thị xã phê duyệt và chi tiền.
“Theo quy định của tỉnh đối với đất phi nông nghiệp, thời gian bàn giao mặt bằng là 180 ngày từ khi có thông báo thu hồi đất. Vì vậy, đơn vị sẽ cố gắng làm nhanh, phấn đấu đến tháng 9 sẽ dứt điểm phần giải tỏa mặt bằng” - ông Côi cho hay.
Vì vậy, hiện tại đơn vị thi công có thể thương lượng làm trên phần đất 4,5m tính từ tâm đường vào hành lang giao thông. Trong mốc quy định này nếu gặp vật kiến trúc người dân sẽ được hỗ trợ mức giá tối đa 80% theo quy định. Tuy nhiên những trường hợp nào đã từng bị xử phạt thì không được hỗ trợ mà phải tự tháo dỡ.
“Tôi nghĩ việc thương lượng giữa nhà thầu và người dân là hay và nhanh chóng, tuy vậy nếu đoạn đường nào nhà thầu đã thỏa thuận với dân và thi công xong khi thẩm định chúng tôi sẽ ghi là 0, nghĩa là đất trống mặt bằng sạch, đồng nghĩa nếu có cây trồng, vật kiến trúc trên hành lang giao thông sẽ không được bồi thường...” - ông Côi giải thích.