Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020: Vướng mặt bằng, bất cập về thủ tục
Hôm qua (25.6), Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên họp giải trình chấp hành pháp luật về đầu tư công và tình hình triển khai thực hiện các dự án nhóm B, nhóm C trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường.
Dàn trải và lúng túng
Theo UBND tỉnh, việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư ở một số chủ đầu tư chậm trễ. Công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn phần ngân sách địa phương đối với các dự án giao cấp huyện làm chủ đầu tư chưa chặt chẽ. Một số dự án triển khai trên địa bàn huyện Thăng Bình, Tiên Phước, Tây Giang, Nam Giang, Tam Kỳ vượt quá khả năng cân đối thu, chi ngân sách hàng năm của địa phương dẫn đến tình trạng nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản.
Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 400 dự án khởi công mới, với tổng mức đầu tư khoảng 14.790 tỷ đồng. Trong đó có 79 dự án nhóm B và 10 dự án nhóm C trọng điểm, với tổng vốn đầu tư hơn 12.364 tỷ đồng. Hiện nợ xây dựng cơ bản cấp tỉnh gần 568 tỷ đồng, tập trung ở một số dự án hoàn thành nhưng chưa quyết toán; nợ đọng xây dựng cơ bản cấp huyện hơn 629 tỷ đồng.
Một số địa phương có nợ xây dựng cơ bản từ ngân sách cấp xã lớn như huyện Thăng Bình nợ ngân sách cấp xã 21,6 tỷ đồng; Phú Ninh nợ 14,8 tỷ đồng; Duy Xuyên nợ 12,6 tỷ đồng; Điện Bàn nợ 6,5 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, dẫn đến nguồn vốn không sử dụng hết. Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT thừa nhận, có tình trạng chậm ban hành kế hoạch đầu tư trung hạn và không ghi chi tiết danh mục đầu tư.
Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, nguồn vốn đầu tư công còn dàn trải, phân tán. Một số công trình bức xúc do tỉnh quản lý nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016 – 2020 nhưng chưa được đầu tư.
Các dự án như Phòng khám đa khoa khu vực Chà Vàl (Nam Giang), dự án đường Hùng Vương, đường bao Nguyễn Hoàng (Tam Kỳ), Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, đường và cầu ĐH7 qua sông Vĩnh Điện (Điện Bàn) điều chỉnh nhiều lần tổng mức đầu tư.
Một số dự án khởi công mới đưa vào kế hoạch đầu tư công năm 2018 và năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thi công như dự án cầu Tam Tiến (Núi Thành), dự án đường Tam Trà - Trà Kót (Bắc Trà My), Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn), dự án mua máy xạ trị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Hạn chế trong chuẩn bị đầu tư, cùng với ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư trong kế hoạch đạt thấp. Chẳng hạn, tỷ lệ giải ngân năm 2015 là 77% kế hoạch vốn, 2016 là 69% kế hoạch vốn, 2017 khoảng 66%, năm 2018 là 63% và năm 2019 xuống còn 41%.
Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nộng dân tỉnh nhìn nhận, có dự án kéo dài thời gian làm thủ tục hồ sơ 9 tháng, chưa làm thì đã đội vốn lên. Trách nhiệm thuộc về ai trong thẩm định cần làm rõ, một số công trình trường học, cơ sở y tế xây xong rồi đập cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cho rằng, việc phân bổ nguồn vốn và công trình dự án bức xúc liên quan đến lĩnh vực y tế - giáo dục chưa được quan tâm thỏa đáng.
Tháo gỡ bất cập
Ông Nguyễn Viết Dũng - Ủy viên Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh cho biết, hiện nay có một số dự án hoàn thành hơn 95% công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch nhưng vẫn “treo” vì khoảng 5% hộ dân còn lại thuộc diện bị thu hồi đất không chấp hành; trong khi thực hiện các thủ tục thu hồi đất còn nhiều phức tạp, kéo dài nhiều năm.
“Đầu tư công vướng về giải phóng mặt bằng, cá biệt có dự án đầu tư đường giao thông mất 3 năm vẫn không thể giải phóng mặt bằng được 1 mét vuông nào, dù khối lượng công trình đảm bảo 95%” - ông Dũng nói.
Sự chồng chéo giữa các quy hoạch phát triển ngành với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng, kéo theo hệ lụy khi triển khai thực hiện đầu tư công thì lại vướng vào quy hoạch của ngành khác, mất nhiều thời gian điều chỉnh, bổ sung hoặc xin chủ trương của các cấp có thẩm quyền.
Tại công trình Trường THPT Duy Tân (Tam Kỳ), phòng làm việc khu hiệu bộ nhỏ, không có hội trường, khu giáo dục thể chất phải cải tạo lại. Còn Trường THPT Trần Văn Dư (Phú Ninh) khu nhà lớp học 3 tầng không có phòng nghỉ giáo viên; hạng mục Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An), khu ký túc xá không tính đến hệ thống bếp ăn phải điều chỉnh, bổ sung...
Vì sao bản thiết kế các công trình trên thiếu một số hạng mục đáp ứng công năng sử dụng cần thiết? Theo HĐND tỉnh, một số cơ quan quản lý chuyên ngành (Sở Y tế, Sở GD-ĐT) chỉ được tham gia ở bước thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư; còn lại các thủ tục như thẩm định phê duyệt thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công, kế hoạch triển khai xây dựng… không được tham gia ý kiến.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng đánh giá, việc thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 còn bất cập. Nghị quyết 27 ngày 19.7.2017 của HĐND tỉnh chỉ thông qua mục tiêu, định hướng, nguyên tắc và tổng vốn đầu tư, chưa có danh mục dự án cụ thể, đến cuối năm 2018 mới cơ bản hoàn chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư dự án từ ngân sách tỉnh trong giai đoạn 2016 – 2020. Nhưng trong quá trình thực hiện, được tiếp tục điều chỉnh bổ sung nhiều lần kế hoạch đầu tư công trung hạn. Trong đó, một số danh mục dự án được bổ sung chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Theo quy định của Luật Đầu tư công thì dự án chưa đủ điều kiện để bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn.
Theo nhiều chủ đầu tư, vướng mắc trong đầu tư công trung hạn chủ yếu là giải phóng mặt bằng và thủ tục hồ sơ rườm rà, tốn kém thời gian. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, những tồn tại trong chấp hành pháp luật về đầu tư công có nguyên nhân từ những bất cập về thủ tục, nằm ngoài khả năng của địa phương, đặc biệt là thủ tục về đất đai, bao gồm giá đất và cơ chế giải phóng mặt bằng. Tiếp đó là tâm lý ngại vi phạm, dẫn đến không dám làm, đang diễn ra ở hầu hết các cấp, các ngành. Ngoài ra, đến nay chưa xây dựng bộ tiêu chí xác định thứ tự ưu tiên đối với các dự án đầu tư công.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường nhấn mạnh, đầu tư công chưa bao giờ được chú trọng như hiện nay, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế cần được tiếp sức để phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trên cơ sở các ý kiến chất vấn và giải trình, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các ngành và các địa phương có dự án vướng mắc phải thật sự có giải pháp cải thiện trong những tháng còn lại của năm 2020, làm cơ sở để đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 một cách hiệu quả hơn.