Xây dựng vệ tinh phát triển
Huyện Bắc Trà My và Đông Giang được xác định như vệ tinh phát triển đại diện cho vùng tây nam và tây bắc của tỉnh. Đồ án quy hoạch đã vạch sẵn, vấn đề là hai địa phương cần biến những thách thức thành cơ hội phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đồng đều hơn.
Xác định cụm kinh tế
Theo Sở Xây dựng, đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Bắc Trà My chia làm 3 tiểu vùng gắn với các định hướng phát triển trên cơ sở xác định nguồn lực, tiềm năng, động lực phát triển của từng vùng; đồng thời là cơ sở định hướng phát triển không gian, hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Tiểu vùng 1 gồm các xã Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka, Trà Bui và Trà Đốc, xác định lợi thế khai thác lâm nghiệp, các loại nguyên liệu gỗ, giấy. Tiểu vùng 2 gồm các xã Trà Nú, Trà Kót, Trà Đông, Trà Dương và Trà Giang phát triển nông - lâm nghiệp. Tiểu vùng 3 gồm các xã Trà Sơn, Trà Tân và thị trấn Trà My là vùng kinh tế tổng hợp xây dựng dự án phát triển về lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch.
Bắc Trà My có nguồn lực đất đai khá lớn cho phát triển nông lâm nghiệp, công nghiệp; lại nằm trên giao lộ các tuyến giao thông quan trọng như quốc lộ 40B, đường Đông Trường Sơn. Theo đồ án quy hoạch chung thì Bắc Trà My có thể phát triển thành điểm trung chuyển hàng hóa, nguyên liệu từ đồng bằng lên miền núi, từ các khu vực phát triển năng động (Chu Lai, Dung Quất) lên Tây Nguyên, sang Lào, Campuchia và ngược lại. Quy hoạch vùng huyện Bắc Trà My sẽ cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Trong khi đó, quy hoạch vùng huyện Đông Giang cụ thể thành 4 vùng. Vùng đông gồm xã Ba, xã Tư có tuyến quốc lộ 14G kết nối với Đà Nẵng, gần với khu du lịch Bà Nà Hill, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lào Chàm với định hướng chủ yếu là phát triển thương mại dịch vụ và công nghiệp. Vùng trung gồm các xã A Ting, Jơ Ngây, Sông Kôn với định hướng phát triển chủ yếu là nông, lâm nghiệp, thương mại dịch vụ.
Vùng tây gồm các xã Tà Lu, Za Hung, A Rooi và thị trấn Prao, định hướng phát triển chủ yếu là thương mại, dịch vụ và phát triển nông nghiệp. Và vùng đông nam gồm các xã Mà Cooih và Kà Dăng. Đây là khu vực có điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây ăn quả, có nhiều cảnh quan đẹp, các doanh nghiệp đang đầu tư khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang, khu du lịch sinh thái Trường Sơn - Sông Bung...
Cần liên kết không gian kinh tế
Sở Xây dựng cho rằng, quy hoạch vùng huyện là cơ sở để lập quy hoạch chung xây dựng đô thị và các khu chức năng đặc thù, quy hoạch xây dựng nông thôn và quy hoạch hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng. Bắc Trà My là hạt nhân của cụm động lực tây nam “Tiên Phước - Bắc Trà My - Nam Trà My” trong hành lang kinh tế Nam Quảng Nam.
Trong tiến trình phát triển Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp, Bắc Trà My đóng vai trò là một trong những huyện hậu cần công nghiệp của tỉnh, cung cấp nguồn nguyên vật liệu quan trọng cho ngành công nghiệp dựa trên tiềm năng phát triển vùng cây nguyên liệu khá lớn và tài nguyên khoáng sản đa dạng.
Còn đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đông Giang đến năm 2030 phân 4 vùng chức năng, động lực được xác định về hạ tầng giao thông có quốc lộ 14G tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi kết nối huyện Đông Giang với TP.Đà Nẵng, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ nông - lâm sản, phát triển du lịch và thu hút đầu tư. Tại đây, nhiều doanh nghiệp đầu tư ở các lĩnh vực trồng rừng gỗ lớn, dược liệu, du lịch với quy mô dự án lớn.
Theo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam, đồ án quy hoạch vùng cả huyện Đông Giang và Bắc Trà My đều xác định được vùng cấm là không xây dựng trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng theo quy định của luật quản lý bảo vệ rừng; không xây dựng trong các khu vực là khu bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa và khu vực cần bảo vệ khác trong khu vực quy hoạch.
Không những quy hoạch sắp xếp dân cư đến nơi an toàn mà cả quy hoạch nghĩa trang nhân dân. Ví như, khu vực thị trấn Trà My, khoanh vùng đóng cửa nghĩa trang nhân dân phía sau nghĩa trang liệt sĩ huyện; quy hoạch mới khu nghĩa trang nhân dân tại khối phố Minh Đông (khu vực từ đường Nam Quảng Nam đi vào khoảng 500m) với quy mô khoảng 10ha phục vụ mai táng cho khu vực thị trấn Trà My và vùng phụ cận. Đối với khu vực nông thôn, đầu tư xây dựng các nghĩa trang nhân dân theo quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt. Về quy hoạch không gian kinh tế nông - lâm nghiệp, hình thành vùng chuyên canh cây nguyên liệu, cây công nghiệp, cây ăn quả; phát triển vùng cây dược liệu.
Bất cập trong đồ án quy hoạch vùng của Bắc Trà My và Đông Giang rõ nhất là chưa có sự gắn kết, thống nhất về định hướng phát triển không gian giữa các vùng trong huyện, giữa các xã với nhau; giữa một số quy hoạch cấp tỉnh trên địa bàn và quy hoạch cấp huyện còn chưa thống nhất với nhau về định hướng phát triển, về niên độ quy hoạch. Một số dự án đầu tư chỉ căn cứ theo quy hoạch phát triển ngành, không phù hợp với các quy hoạch khác.
Đồ án quy hoạch vùng huyện Bắc Trà My còn khoảng trống về quy hoạch trồng cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai. Theo Sở Xây dựng, đồ án quy hoạch vùng huyện Đông Giang cần bổ sung quy hoạch nghĩa trang các xã; không gian sinh hoạt văn hóa phải gắn với nhà sinh hoạt truyền thống của đồng bào vùng cao...