Hai dự án khu đô thị sinh thái vịnh An Hòa: Tuân thủ đánh giá tác động môi trường
Hồ sơ hai dự án xây dựng 2 khu đô thị sinh thái vịnh An Hòa cho thấy, đã tuân thủ nghiêm việc đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý theo quy định. Tuy nhiên các dự án này đang gặp ách tắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) và chưa được phê duyệt giá đất cụ thể.
Tham vấn cộng đồng dân cư
Công ty CP Đầu tư Chu Lai Hội An làm chủ đầu tư hai dự án khu đô thị An Hòa 1, An Hòa 2. Cả hai đự án đều được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã giao đất, cho thuê đất và cấp giấy phép xây dựng. Tuy vậy, thời điểm này cả hai dự án vẫn chưa thi công trở lại, nhiều khả năng sẽ chậm tiến độ.
Theo định hướng quy hoạch, việc đầu tư khu đô thị sinh thái cao cấp vịnh An Hòa 1 và vịnh An Hòa 2 sẽ hình thành khu thương mại dịch vụ, công viên cây xanh, đáp ứng nhu cầu đất ở, góp phần sớm đưa Núi Thành trở thành đô thị loại 3 trong tương lai. Bản đồ quy hoạch cho thấy, toàn bộ diện tích của 2 dự án khu đô thị nằm bên trong dự án xây dựng tuyến kè dọc sông Trường Giang và đường 129. Hiện trạng các dự án là đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản và một phần diện tích mặt nước sông Bến Ván.
Điểm đáng lưu ý là trong báo cáo ĐTM của hai dự án này đã đánh giá đầy đủ các tác động tiêu cực của dự án từ giai đoạn thi công xây dựng cho đến giai đoạn vận hành, bao gồm các nguồn gây ô nhiễm môi trường do khí thải giao thông, phương tiện thi công, nước thải sinh hoạt; chất thải rắn và các nguồn tác động không liên quan đến chất thải như cháy nổ, tai nạn lao động. Lo ngại nhất là quá trình thi công ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Bến Ván do quá trình đổ đất san nền, chứa bùn đất từ nạo vét luồng Kỳ Hà (giai đoạn 2).
Các bản ĐTM đều cho thấy chủ đầu tư đã nghiêm túc lấy ý kiến, tham vấn cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng bởi dự án; đồng thời, chính quyền cơ sở và người dân cũng đồng thuận với việc triển khai xây dựng các khu đô thị này.
Ách tắc mặt bằng
Thời gian qua, một số người dân ở thị trấn Núi Thành và xã Tam Hiệp cản trở hoạt động thi công dự án giao thông đường 129 qua vịnh An Hòa; yêu cầu được hỗ trợ (HT) việc di chuyển phương tiện đánh bắt đến nơi neo đậu tạm, HT chuyển đổi nghề nghiệp vì lo ngại bị mất vùng sinh kế ổn định. Trong khi đó, cả 2 dự án đô thị sinh thái vịnh An Hòa 1 và An Hòa 2 đều chưa thể thi công trở lại do chưa đạt được thỏa thuận bồi thường (BT), HT với các hộ bị ảnh hưởng thu hồi đất.
Tại dự án vịnh An Hòa 2, quy mô diện tích gần 54ha thuộc 2 xã Tam Hiệp và Tam Giang (Núi Thành) đã lập đầy đủ thủ tục hồ sơ pháp lý có liên quan trước khi triển khai thi công. Giai đoạn 2018 – 2019, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã ra 3 quyết định giao đất, cho thuê đất với chủ đầu tư. Năm 2019, chủ đầu tư được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hơn 48ha trong số diện tích dự án gần 54ha.
Hộ bà Trần Thị Hội và ông Nguyễn Tấn Vạn (cùng trú xã Tam Hiệp) có tài sản trên đất được xác định 1,6ha sẽ bị thu hồi khi xây dựng dự án đô thị vịnh An Hòa 2. Đây là diện tích đất trước đây các hộ dân xin UBND xã canh tác nuôi tôm và UBND huyện Núi Thành phê duyệt phương án BT – HT, nhưng 2 hộ chưa thống nhất nhận tiền và bàn giao cho chủ đầu tư thi công. Theo ông Nguyễn Tấn Vạn, đây là đất nuôi tôm ổn định của gia đình, không tranh chấp với ai nên khi thu hồi toàn bộ diện tích, chủ đầu tư phải có trách nhiệm BT.
Chủ đầu tư dự án đô thị vịnh An Hòa 2 cho biết, có 43 hộ bị ảnh hưởng về đất nhưng không phải tái định cư do thu hồi đất nông nghiệp và ao tôm. Ngoài ra, trong phạm vi đất mặt nước sông thuộc quản lý của địa phương tại thôn Nam Sơn và thôn Vân Thạch (xã Tam Hiệp) có 19 hộ hành nghề đánh bắt thủy sản bằng ghe thuyền công suất nhỏ (dưới 20CV) bị ảnh hưởng phải di dời chỗ neo đậu. Đến nay, UBND huyện Núi Thành đã phê duyệt được 5 phương án BT, GPMB và 46 quyết định thu hồi đất của các cá nhân, tổ chức, với tổng kinh phí BT – HT đã phê duyệt và chi trả xong hơn 22 tỷ đồng.
Nhóm hộ ông Trần Văn Minh (trú thị trấn Núi Thành) cũng chưa thống nhất với phương án BT của địa phương khi triển khai dự án khu đô thị vịnh An Hòa 1 do phần diện tích đã đo đạc kiểm kê nhỏ hơn so với số liệu nhóm hộ mua đấu giá vào năm 1994. Cũng tại dự án khu đô thị vịnh An Hòa 1, một số hộ dân dọc đường Quang Trung và phía sau đường Nguyễn Văn Linh (thị trấn Núi Thành) có đất bị ảnh hưởng chưa thống nhất với phương án BT vì cho rằng đơn giá thấp.
Trong khi đó, tổng diện tích dự án vịnh An Hòa 1 hơn 45,6ha, nhưng Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai chỉ mới cấp giấy phép xây dựng hơn 24,4ha. Đến nay, UBND huyện Núi Thành đã phê duyệt được 3 phương án BT, GPMB và 9 quyết định thu hồi đất của các cá nhân, tổ chức với kinh phí BT – HT đã phê duyệt hơn 6,2 tỷ đồng, nhưng chỉ mới chi trả hơn 4,5 tỷ đồng.
Chưa giao dịch thương mại
Dự án khu đô thị sinh thái vịnh An Hòa 1, vịnh An Hòa 2 và dự án đường trục chính từ Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai (dự án đường 129) đoạn qua vịnh An Hòa, trong phạm vi đất đã được thu hồi, giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án có tổng cộng 57 hộ dân thuộc địa bàn xã Tam Hiệp (19 hộ thuộc thôn Vân Thạch, xã Tam Hiệp) và thị trấn Núi Thành (38 hộ thuộc khối 1, khối 2, khối 3). Đến nay, có 26/57 hộ thống nhất nhận tiền BT, còn lại 31 hộ (11 hộ thuộc thôn Vân Thạch và 20 hộ thuộc khối 1 thị trấn Núi Thành) không thống nhất nhận tiền và liên tục cản trở thi công hai dự án đô thị vịnh An Hòa và dự án đường 129.
Ông Vũ Cao Giang, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Chu Lai Hội An cho biết, đối với phần bị ảnh hưởng bởi các hộ dân có ghe thuyền, dự án khu đô thị sinh thái cao cấp vịnh An Hòa 1 và vịnh An Hòa 2 đã dừng thi công hơn một năm nay, đồng thời chủ đầu tư khẳng định thời điểm này chưa thực hiện bất cứ hoạt động mua bán hay giao dịch thương mại nào đối với đất dự án. Cũng theo chủ đầu tư, ngày 5.11.2018, công ty có tờ trình về việc thẩm định giá đất dự án khu đô thị sinh thái vịnh An Hòa 1 và vịnh An Hòa 2, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác xác định giá đất để chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và triển khai thực hiện dự án.