Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 40B: Có mặt bằng sạch là thi công

TRẦN HỮU 05/05/2020 15:28

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 40B, đoạn nối quốc lộ 1 đến đường cao tốc  Đà Nẵng –  Quảng Ngãi và đường ven biển đang bước vào những ngày thi công tăng tốc, gấp rút di dời các công trình bị ảnh hưởng.

Hạng mục đường dây điện hiện vẫn chưa di dời. Ảnh: H.P
Hạng mục đường dây điện hiện vẫn chưa di dời. Ảnh: H.P

Vừa thi công vừa bồi thường

Với phương châm “có mặt bằng sạch là thi công”, hơn hai tháng nay, công trình quốc lộ 40B qua địa bàn phường Hòa Hương và xã Tam Phú (Tam Kỳ), các nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc cả ngày lẫn đêm thực hiện việc nâng cao cốt nền, thảm nhựa. Thời gian qua do triển khai các quy định giãn cách xã hội, hạn chế ra đường nên các công đoạn xây dựng, nâng cấp mặt đường trở nên thuận lợi hơn.

Quốc lộ 40B qua phường Hòa Hương chỉ kéo dài hơn 1km, hiện còn ngổn ngang vật kiến trúc, công trình, cây trồng chưa di dời. Loay hoay nhất của chính quyền TP.Tam Kỳ trong giải phóng mặt bằng là di dời đoạn tuyến ống nước thải D500 và ống cấp nước D90 của dự án nhà máy xử lý nước thải Hòa Hương đang được Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam quản lý, vận hành. Bên cạnh đó, việc nâng cấp đường khiến nền nhà của một số hộ ven đường thấp hơn so với cao trình nên Nhà nước mất thời gian xem xét hỗ trợ theo quy định. Trên tuyến quốc lộ 40B có nhiều đơn vị chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật như điện trung - hạ thế, điện chiếu sáng, cấp nước, cáp viễn thông, nước thải sinh hoạt…

Quốc lộ 40B đoạn qua xã Tam Phú đang tiếp tục thảm nhựa phần đường còn lại.
Quốc lộ 40B đoạn qua xã Tam Phú đang tiếp tục thảm nhựa phần đường còn lại.

Không chỉ lúng túng trong di dời các công trình hiện hữu phục vụ phát triển hạ tầng đô thị, cả huyện Phú Ninh và TP.Tam Kỳ còn chật vật với việc thu hồi đất. Theo trung tâm phát triển quỹ đất của 2 địa phương này, hiện còn khoảng 51 trường hợp ở xã Tam Ngọc (Tam Kỳ) và 8 trường hợp ở xã Tam Thái (Phú Ninh) chưa thể giải phóng mặt bằng. Trong số này có nhiều trường hợp chính quyền địa phương chưa làm xong quy trình xác nhận nguồn gốc sử dụng đất làm căn cứ để niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. 

Giao thời hạn giải quyết

Phê bình cơ quan tham mưu giá đất tái định cư

Tại cuộc họp liên quan đến tình hình thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng đất giai đoạn 2014 – 2018 của tỉnh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng yêu cầu Sở TN-MT và Sở Tài chính rà soát tất cả dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh do 2 cơ quan chủ trì trình UBND tỉnh phê duyệt tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay, xác định lại và tách riêng tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước và các chỉ đạo của UBND tỉnh. Đáng chú ý, các dự án có tiền quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thì Sở TN-MT chịu trách nhiệm xác định tiền quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội chỉ tính trên 20% tiền sử dụng đất phải nộp theo đề xuất của Sở Tài chính. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cũng phê bình Sở TN-MT thời gian qua khi tham mưu phê duyệt giá đất tái định cư nhưng không tham mưu giá đất có hiệu lực trong vòng 1 năm trong khi chưa có quyết định mới của UBND tỉnh hủy bỏ quy định trước đây về thời hạn của hiệu lực giá đất.

Trước kiến nghị của TP.Tam Kỳ, huyện Phú Ninh về tháo gỡ những ách tắc mặt bằng vượt thẩm quyền, Sở Xây dựng cùng với Sở TN-MT và Ban Quản lý dự án 5 (chủ đầu tư) kiểm tra thực địa, đề xuất phương án hỗ trợ nâng cao trình nhà của một số hộ ở phường Hòa Hương bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong khi đó, chủ đầu tư đôn đốc đơn vị tư vấn gấp rút cắm mốc bổ sung xác định phạm vi giải phóng mặt bằng tại nút giao quốc lộ 40B với đường giao thông nông thôn tại xã Tam Thái để địa phương có cơ sở kiểm kê, lập phương án bồi thường đối với các hộ bị ảnh hưởng.

Tại cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn yêu cầu Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính khẩn trương thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt giá đất cụ thể bồi thường, giải phóng mặt bằng đoạn qua huyện Phú Ninh trước ngày 30.4.2020 để địa phương kịp thực hiện.

“Đối với các trường hợp diện tích đất ở còn lại sau thu hồi lớn hơn 40m2 nhưng hình thể xéo, khó khăn trong việc xây dựng lại nhà ở, yêu cầu UBND huyện Phú Ninh làm việc cụ thể với các hộ để thống nhất hướng giải quyết, chủ động mời Sở TN-MT và Sở Xây dựng phối hợp kiểm tra, báo cáo đề xuất UBND tỉnh quyết định” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn lưu ý.

Về việc thu hồi đất các hộ dân bị ảnh hưởng, chính quyền tỉnh yêu cầu UBND TP.Tam Kỳ và huyện Phú Ninh sớm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ theo các phương án đã duyệt, bàn giao mặt bằng trước ngày 15.5.2020. Còn hạng mục di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật khẩn trương lập hồ sơ thỏa thuận vị trí di dời công trình trong hành lang đường bộ quốc lộ 40B, gửi Sở GTVT trước ngày 30.4.2020 để tổng hợp, đề nghị Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) thỏa thuận, cấp giấy phép thi công công trình. Về phương án hỗ trợ di dời tuyến ống nước thải và cấp nước của dự án nhà máy xử lý nước thải Hòa Hương theo đề xuất của UBND TP.Tam Kỳ, quan điểm của tỉnh là thống nhất bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho địa phương.

TRẦN HỮU