Muôn kiểu xâm phạm đường bộ
Xây dựng nhà ở, công trình trái phép; lấn chiếm để buôn bán, đậu đỗ phương tiện, phơi nông - lâm - thủy sản; mở đường vào khai thác nguyên liệu, kết nối vào nhà máy không phép; gây hư hỏng, làm mất tác dụng công trình đường bộ; tự ý đào, đắp, san lấp mặt bằng... là các kiểu vi phạm hành lang an toàn đường bộ diễn ra lâu nay. Thực trạng vừa đề cập khiến cảnh quang nhếch nhác, giảm khả năng khai thác và làm suy yếu tuổi thọ công trình, đặc biệt khiến trật tự an toàn giao thông luôn ở mức báo động cao.
Dạo khắp các tuyến đường trọng điểm, có thể dễ dàng nhận thấy chợ tự phát mọc trên quốc lộ (QL) 14G, 14D, 14H, 14B, 40B. Chợ chính quy tràn ra, biến lòng đường QL14E (chợ Bình Quý, Thăng Bình), ĐT611 (chợ Quế Trung, Nông Sơn) hay ĐT609B (chợ ngã tư Ái Nghĩa, Đại Lộc) thành nơi giao thương, phục vụ lợi ích của một nhóm đối tượng. Mặc dù lực lượng chức năng của tỉnh nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và xử lý, cơ quan báo chí thường xuyên lên tiếng cảnh báo, họp chợ tự phát vẫn tái diễn nhức nhối nơi lòng đường QL14B, đoạn qua xã Đại Hồng (Đại Lộc) dễ dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu chẳng may tài xế lạc tay lái.
Theo Thanh tra Sở GTVT, hiện trường vi phạm hành lang an toàn đường bộ là rõ ràng, nhưng việc xử lý chưa được giải quyết triệt để, còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, các đối tượng vi phạm còn trốn tránh, không hợp tác với lực lượng thanh tra. Để vận chuyển, khai thác gỗ keo, nhiều cá nhân, hộ gia đình đã tự ý mở đường ngang đấu nối trái phép từ các rẫy, vườn vào các tuyến QL do trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý. Vậy nhưng, xác định đối tượng có hành vi này để xử lý không hề đơn giản, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn các huyện miền núi (Nam Giang, Nam Trà My) có trình độ nhận thức thấp. Một khó khăn khác, nhiều trường hợp bị phát hiện và xử lý đã chây ỳ, không hợp tác, không ký biên bản vi phạm, không chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan chức năng. Trong khi đó, muốn cưỡng chế phải qua nhiều trình tự, thủ tục các bước, cần nhiều lực lượng mới thực hiện được.
Đang bước vào vụ thu hoạch đông xuân, chuyện nông dân đem sản phẩm nông sản sau thu hoạch như lúa, bắp, đậu… phơi trên lòng đường như thường lệ đã xuất hiện. Thậm chí, lối dành cho người đi bộ qua cầu Cửa Đại thuộc địa phận huyện Duy Xuyên cũng bị lấn chiếm để phơi cá, vừa gây mùi hôi vừa làm mất mỹ quan chung. Tuy nhiên, tình trạng biến nơi công cộng, công trình phục vụ dân sinh thành nơi mang lợi ích riêng của cá nhân, tổ chức không được cấp thẩm quyền xử lý rốt ráo, nếu có cũng theo kiểu “đến hẹn lại lên” và làm qua loa chiếu lệ. Vì lẽ đó, một bộ phận nhân dân sẽ “nhờn luật”, trong khi những hành động nêu trên tiềm ẩn nguy cơ gây tai họa giao thông cho biết bao nhiêu người.