Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2: Dừng thi công do vướng rớ
Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2 cho tàu công suất 20 nghìn tấn ra vào cảng Tam Hiệp không thể thi công được hơn 1 năm qua do ngư dân cản trở, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư bồi thường – hỗ trợ (BT - HT) rớ đánh bắt thủy sản.
Mặt bằng chưa “sạch”
Việc thi công dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2 phải tạm dừng từ tháng 3.2019 đến nay. Nguyên nhân chính do nhân dân thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải (Núi Thành) cản trở thi công, bởi trên phạm vi tuyến luồng sông chưa thể giải phóng được 67 rớ.
Dự án này khởi công vào ngày 8.11.2018 (dự kiến thời gian thi công 150 ngày) với mục tiêu nạo vét đoạn luồng từ bến số 3 đến bến Tam Hiệp đạt độ sâu -10,7m cho tàu 20.000DWT có thể ra vào cảng Tam Hiệp. Đây là dự án chiến lược, tạo điều kiện thúc đẩy giao thông đường thủy phát triển đồng bộ theo hướng giảm chi phí logictics, thúc đẩy các khu công nghiệp thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển mạnh hơn.
Tuy nhiên, cũng giống như giai đoạn 1, dự án đang triển khai những hạng mục tiếp theo của giai đoạn 2 thì gặp phải sự cản trở của ngư dân chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông.
Theo thiết kế toàn tuyến luồng từ cảng Kỳ Hà đến bến Tam Hiệp dài 6,2km, bề rộng đáy luồng 100m, cao trình đáy 10,7m để phục vụ cho tàu 20 nghìn tấn dễ dàng ra vào cảng Tam Hiệp. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư dự án. Tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, hiện nay, cao độ nạo vét tuyến luồng chưa đồng bộ và chưa đạt độ sâu thiết kế nên việc lưu thông của tàu thuyền ra vào khu bến Tam Hiệp rất khó khăn và nguy hiểm, làm giảm lượng hàng hóa bốc xếp qua cảng, không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của Khu kinh tế mở Chu Lai. Thêm vào đó, thời gian thực hiện kéo dài sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho các nhà thầu do máy móc thiết bị công suất lớn phải nằm chờ lâu và khối lượng sa bồi càng ngày càng lớn, làm tăng kinh phí cho dự án.
Nhiều người dân ở thôn Long Thạnh Tây, xã Tam Hải (Núi Thành) phân trần, nguồn sống của ngư dân chủ yếu phụ thuộc vào con tôm con cá ở sông, nhưng khi nhà đầu tư mang máy móc phương tiện đến thi công sát vị trí đặt rớ, gây ra tiếng động lớn, trực tiếp đe dọa sinh kế của họ, nên mong muốn được chủ đầu tư BT.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có khoảng 17 rớ của 15 hộ dân không có trong phương án BT - HT ở giai đoạn 1 nhưng nằm trong phạm vi mặt bằng thi công giai đoạn 2.
Trong một báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng để thi công dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà giai đoạn 2 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) vào tháng 3.2020, đã đưa ra 2 vướng mắc, khó khăn chính khi triển khai thi công. Đó là đối với đoạn luồng khoảng 1,7km dọc thôn Long Thạnh Tây (xã Tam Hải) nhân dân cản trở thi công và đề nghị xây kè cho thôn trước khi nạo vét và còn tồn tại 67 rớ trên tuyến luồng.
Trong số 67 rớ, chủ đầu tư phân loại 4 nhóm đối tượng. Cụ thể, nhóm 1 có 21 rớ các loại của 17 hộ dân đã được BT-HT ở giai đoạn 1 nhưng vẫn còn tồn tại trên mặt bằng thi công giai đoạn 2. Nhóm 2 có 14 rớ các loại của 10 hộ dân nằm ngoài phạm vi thi công giai đoạn 1 trước đây, bị ảnh hưởng môi trường do thi công nên chỉ được hỗ trợ nhưng hiện tại nằm trong phạm vi mặt bằng thi công giai đoạn 2. Nhóm 3 có 17 rớ của 15 hộ dân không có trong phương án hỗ trợ, bồi thường ở giai đoạn 1 nhưng nằm trong phạm vi mặt bằng thi công giai đoạn 2. Nhóm 4 có 15 rớ trên mặt bằng thi công giai đoạn 2 nhưng chưa xác định được tên chủ sở hữu.
Cần khẩn trương đối thoại
Về đề xuất xây kè cho thôn trước khi nạo vét của người dân, chủ đầu tư cho biết, tháng 10.2019, chính quyền huyện Núi Thành đã thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Sau đó, ngày 5.12.2019, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo triển khai thi công xây dựng hạng mục kè thôn Long Thạnh Tây. Ngày 18.12.2019, tổ công tác đã tổ chức họp bàn và chuẩn bị một số nội dung để tiến hành đối thoại, tuyên truyền, vận động nhân dân nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.
Chủ đầu tư tiếp tục kiến nghị UBND huyện Núi Thành quan tâm, khẩn trương sắp xếp thời gian đối thoại với nhân dân và chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp hoàn chỉnh kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ thi công.
Trước việc dự án trắc trở do người dân cản trở thi công, lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần tổ chức họp, có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tháo gỡ. Nhiều thông báo của UBND tỉnh truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn chưa giải quyết được các vướng mắc trên. Đáng nói, có nhiều rớ đến nay vẫn không tìm được… chủ sở hữu.
Chủ đầu tư cho biết, có 15 rớ trên mặt bằng thi công giai đoạn 2 nhưng chưa xác định được tên chủ sở hữu. Các trường hợp này, đơn vị đã nhiều lần mời đại diện UBND các xã và đại diện ban nhân dân thôn kiểm tra thực tế hiện trường nhưng vẫn chưa xác định được.
UBND huyện Núi Thành cho rằng, 67 rớ trên nằm trên hành lang tuyến luồng, chứ không nằm dưới đáy luồng và 67 rớ đã được BT rồi nhưng người dân chưa tháo dỡ. Huyện đang tiến hành xác định chủ sở hữu của 67 rớ để động viên người dân sớm tháo dỡ bàn giao mặt bằng đơn vị thi công. Đồng thời, tính đến phương án bảo vệ thi công như đã từng làm trong giai đoạn 1 của dự án vào năm 2010.