Phác họa đô thị ven biển
(Xuân Canh Tý) - Thương hiệu nào cho đô thị ở Quảng Nam để tiếp tục tăng sức hấp dẫn của vùng đất hiện tên trên bản đồ thế giới với hai di sản Mỹ Sơn và Hội An? Trên nền tảng các thương hiệu gầy dựng suốt 20 năm qua với một Hội An đô thị cổ - đô thị sinh thái, văn hóa; một Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước; một đô thị Tam Kỳ - thủ phủ xanh; sẽ có thêm phác họa mới cho bức tranh đô thị xứ Quảng: đô thị ven biển.
CÁN CÂN GIỮA HAI VÙNG ĐÔNG - TÂY
Theo PGS-TS.Hoàng Vĩnh Hưng (Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng), để khắc phục những bất cập về chênh lệch trình độ phát triển và thu nhập giữa 2 vùng Đông - Tây, ngoài việc tập trung cao cho sự phát triển nội tại của vùng phía tây, rất cần thiết phải tăng cường kết nối giữa hai vùng để phát huy vai trò động lực phát triển. Vùng phía đông sẽ kéo vùng phía tây phát triển nhanh hơn, và ngược lại vùng phía tây cũng phát huy vai trò hỗ trợ cho vùng phía đông phát triển bền vững hơn. Từ đó, khai thông các nguồn lực để thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội vùng phía tây Quảng Nam. Ông Hưng nhấn mạnh, có thể thấy sự liên kết, hỗ trợ phát triển giữa hai vùng đông tây là một tất yếu trong tiến trình phát triển Quảng Nam. Tuy nhiên, mối liên kết này không thể nói chung chung mà cần được xác lập một cách hợp lý trên cơ sở các nghiên cứu chi tiết để đề ra các phân công cụ thể và cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị hành chính của hai vùng.
Theo Sở Xây dựng Quảng Nam, đối với vùng Đông trong quy hoạch phát triển là vùng động lực theo hình thức đa cụm, kết hợp với các trục kinh tế và vùng duyên hải Trung Nam Bộ với 3 cụm động lực chính. Vùng đông Quảng Nam đóng vai trò hạt nhân hướng tới một vùng phát triển ngang tầm với các vùng lân cận. Theo đó, định hướng xây dựng đô thị loại 1 ở phía đông nam tỉnh đảm bảo các chức năng đô thị cấp vùng duyên hải miền Trung dựa trên cụm động lực số 3 (gồm Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh) trong đó Tam Kỳ trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh làm trung tâm. Đối với vùng động lực số 2, hình thành 3 đô thị mới (Duy Hải - Duy Nghĩa, Bình Minh và Bình Hải) là đô thị loại 5 và từng bước kết nối, hình thành chuỗi đô thị Nam Hội An kết hợp với quy hoạch sắp xếp dân cư ven biển đạt các tiêu chí đô thị loại 4 theo hướng đô thị du lịch, dịch vụ cấp vùng. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 4 cho Nam Phước, Hà Lam. Đối với cụm động lực số 1, phát triển đô thị Hội An thành đô thị đặc thù tương đương tiêu chí đô thị loại 2, Điện Bàn đô thị loại 3. Hội An là đô thị trung tâm, đô thị di sản văn hóa, cảnh quan và môi trường, có vai trò động lực trong phát triển du lịch - dịch vụ của khu vực và của quốc gia. Các địa phương Điện Bàn, Đại Lộc sẽ là những đô thị vệ tinh xung quanh. Song hành, sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại 4 cho Ái Nghĩa.
Về phía tây của tỉnh, theo KTS.Ngô Ngọc Hùng (Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam), sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chí đối với các đô thị loại 5 (trung tâm hành chính huyện) theo Nghị quyết 210/2016/UBTVQH13. Và từng bước đầu tư các đô thị Thạnh Mỹ, Khâm Đức, Trà My trở thành trung tâm vùng, tạo động lực phát triển lan tỏa, kết nối với khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang và các cơ sở kinh tế - kỹ thuật trong vùng. Định hướng của Quảng Nam là tiếp tục triển khai đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 676/QĐ-TTg ngày 18.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ.
BÊN KIA SÔNG, LÀ PHỐ
Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy từng phác đồ ý tưởng một kiểu mẫu đô thị “làng trong phố, phố trong làng”. Tam Kỳ sau đó kiên trì đi theo hướng này. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Tam Kỳ đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 (do Công ty Niken Sekkei - Nhật Bản thực hiện) đạt giải tác phẩm xuất sắc tại Việt Nam của kiến trúc sư nước ngoài trong cuộc thi giải thưởng kiến trúc quốc gia Việt Nam năm 2014. Đây là công trình được đánh giá mang tính chiến lược, quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn theo hướng khai thác gắn liền với gìn giữ môi trường, cảnh quan tự nhiên, giải quyết tốt các bài toán xung đột trong phát triển vì các lợi ích trước mắt. Tổ chức định cư con người Liên hiệp quốc tại châu Á cũng đã tặng giải thưởng “phong cảnh thành phố châu Á năm 2015” cho Tam Kỳ nhằm đề cao và tôn vinh những nỗ lực phát triển và sáng tạo của một thành phố đẹp, an toàn và bền vững trong khi vẫn đề cao giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Nhưng, vẫn còn đó những băn khoăn: rằng cánh đồng lúa dọc sông Tam Kỳ, Bàn Thạch giữ được mãi sau những cơn biến động từ các khu dân cư với nhà cao tầng mọc lên ven sông? Nút thắt cổ chai ở khu vực này có hình thành, bít hết mọi ngả thoát lũ của nội ô, mà bài học nhãn tiền từ TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mỗi mùa mưa, mùa triều cường vẫn còn đó giá trị tham khảo?
Ông Hoàng Xuân Việt, nguyên Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ chia sẻ rằng, nếu không giữ lại được các dòng sông và đầm phá của thành phố ba sông này, nếu cứ gặm dần vào sông đầm bằng những ái ngữ nhân danh sự phát triển và văn minh thì sẽ không bao giờ có được một thành phố đáng sống với mỗi người dân, dù danh xưng trên truyền thông có lộng lẫy đến đâu.
Theo KTS.Hoàng Sừ (Chủ tịch Hội KTS Quảng Nam), với diện tích trải từ đông sang tây, Tam Kỳ không chỉ có sông Trường Giang mà còn có dòng Bàn Thạch, Tam Kỳ chảy song song từ bắc sang nam rồi cùng hòa chung dòng chảy ra vịnh Kỳ Hà. Hồ Phú Ninh và các hồ, sông đầm như hai lá phổi xanh tạo sự điều hòa nước và không khí cho thành phố. Không gian toàn đô thị tràn ra phía đông gặp bờ biển Tam Thanh, các dãy đồi An Hà, Quảng Phú, Trà Cai, địa đạo Kỳ Anh nằm trong lòng thành phố như chờ sẵn dịp cho ngày “hội nhập” không gian đô thị. Thành phố hiện tại với lợi thế này và điều kiện đô thị tỉnh lỵ sẽ là bàn đạp chắc chắn cho việc phát triển không gian đô thị hướng biển.
Ai đó từng mơ mộng phố dọc các bờ sông Tam Kỳ sẽ như sông Hương, sông Hàn hay thậm chí là cả sông... Danube. Chúng tôi cũng mơ mộng điều đó, từ những phác thảo mà các kiến trúc sư hàng đầu Việt Nam đã vẽ nên, trong một hội thảo về quy hoạch hồi cuối năm 2019.
CHỜ ĐỢI CHUỖI ĐÔ THỊ
Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam: "Hướng quy hoạch đô thị dọc biển"
Quảng Nam là một tỉnh mà chúng tôi ví là Việt Nam thu nhỏ, có hệ thống sông suối hết sức phong phú. Hệ thống sông Thu Bồn - Vu Gia, Bàn Thạch, Trường Giang, Cổ Cò… là điều kiện thuận lợi để xây dựng đô thị dọc biển. Quan trọng là cần khai thác được giá trị của hệ thống sông về cảnh quan, văn hóa, lịch sử. Trong quy hoạch phát triển phải ngăn chặn hoặc giảm bớt ảnh hưởng của lũ lụt, của biến đổi khí hậu để bảo vệ tốt nhất những đô thị cổ, đô thị du lịch, đô thị lớn.
Quy hoạch đã rõ nhưng vấn đề là quản lý và phát triển quy hoạch như thế nào để phù hợp với phát triển. Ví dụ như những đô thị phía tây, từ khu vực Giằng kết nối với Kon Tum đi về Tây Nguyên thì đô thị Khâm Đức cũng là đô thị hết sức đặc biệt. Quy hoạch ở đấy phải nói lên được yếu tố về khai thác địa hình cảnh quan, về tài nguyên rừng… và phải liên kết được với nhau bằng hệ thống giao thông.
Phải chú ý những điểm này để Quảng Nam trở thành mô hình mẫu trong phát triển hệ thống đô thị, đặc biệt là phát triển đô thị thông minh. Đó là, xây dựng và hình thành một số đô thị trọng điểm (Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành, Hà Lam, Hương An, Bình Minh, Duy Nghĩa, Thạnh Mỹ, cửa khẩu Nam Giang; tập trung phát triển đô thị ở dải ven biển, một số cụm động lực và các trục đô thị; phát triển du lịch bền vững bằng cách thúc đẩy liên kết đô thị - nông thôn và liên kết vùng; định hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; lồng ghép quản lý môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tất cả điều đó song hành với việc quản lý nhà nước một cách bài bản và minh bạch.
GS-TS-KTS.Hoàng Đạo Kính: "Chọn cấu trúc đô thị ven biển"
Tuy bờ biển Quảng Nam dài, thuận lợi, song cảnh quan có phần nghèo nàn, cho nên nếu có thể, cùng việc xây dựng các công trình nghỉ dưỡng phải coi trọng nhiệm vụ nâng cấp và đặc sắc hóa cảnh sắc thiên nhiên. Với bờ biển này cần tạo ra chuỗi đô thị đặc thù nhưng phải hạn chế mở đường sát biển, dành đất cho tương lai.
Hội An cần có chiến lược phát triển để trở thành đô thị đặc biệt ở Việt Nam thể hiện sự kết nối giữa lịch sử và sinh thái tự nhiên – là thành phố của quá khứ và tương lai. Hội An có điều kiện để hình thành đô thị bền vững trong sự kết nối liền mạch giữa lịch sử và ổn định sinh thái tự nhiên. Thứ hai là các không gian làng, bản sắc nông nghiệp, không gian sống tự nhiên trong một thể thống nhất… Một lý do nữa là vì Hội An không phải đô thị trung tâm hành chính, không chịu tác động của những yếu tố gây ra sự phát triển đột biến.
Chúng tôi nghĩ dù đô thị Hội An có thể là đô thị loại 2, song Hội An cứ giữ những cái gì đang có, đã có, Hội An nên phát triển theo phương diện hình thái học có cấu trúc không gian như đô thị thị trấn. Một đô thị như vậy có thể được xây dựng theo hướng chuyển hóa mềm về mặt không gian, cảnh quan như Hội An đã có. Cùng với đó là kết hợp cấu trúc đô thị hiện có với các vùng nông thôn, sông nước và biển. Cấu trúc này gợi mở không gian uyển chuyển, mềm mại; tránh được xây dựng nén, không xây dựng nhà cao tầng, không chịu sức ép về giao thông. Với mô hình như vậy có thể tạo ra được đô thị thư thả, hiền hòa, hướng vào nội tâm hơn là đô thị gây ra nhiều bức xúc, mâu thuẫn, không thể tháo gỡ được. Ở đô thị này con người phải là thước đo cho kiến trúc, đô thị, mô hình sống.
GS.Đặng Hùng Võ: "Chuỗi đô thị dọc biển của Quảng Nam là chuỗi đô thị quý"
Với câu chuyện đô thị ở Quảng Nam thì tôi cho rằng vùng tạo sức sống mạnh nhất cho đô thị là vùng phía nam từ Tam Kỳ - Chu Lai. Sân bay Chu Lai như hiện nay nếu kiện toàn thì tôi cho rằng có thể trở thành điểm nút hàng không, ít nhất là trong nước. Điều quan trọng của hình thành đô thị là việc dự báo mật độ kinh tế của nó sẽ như thế nào. Đó mới là sức sống của đô thị. Đô thị có sức sống càng mạnh thì khả năng tạo việc làm ở đây càng lớn. Và, phải chăng chúng ta nên tạo ra chuỗi đô thị dọc bờ, dọc sông và biển Quảng Nam vì đây là chuỗi đô thị quý. Chuỗi đô thị này được mô tả như dòng lịch sử. Tôi cho rằng bất kỳ đều gắn với triết lý nào đấy, nó tạo ra sự sinh động nhiều hơn. Dòng đô thị này mô tả được dòng lịch sử sao cho những cái gì gắn với lịch sử nằm ở phía bắc, còn những gì hiện đại nhất nằm ở Khu kinh tế mở Chu Lai gắn với công nghiệp, vui chơi giải trí.
TS-KTS.Ngô Trung Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam: Nghiên cứu mô hình "đô thị nước"
Các dòng sông, mặt nước ở Quảng Nam cần phải được nghiên cứu dưới góc độ một mô hình đã khá phổ biến, đó là mô hình “đô thị nước” – lấy nước làm chủ đạo để phát triển. Nếu chọn điểm nhìn này thì chúng ta sẽ đi đúng con đường vừa bảo vệ môi trường vừa phát huy được vẻ đẹp, tiềm năng của thiên nhiên.
Để đô thị chúng ta bám vào sông, vào biển nhưng không bị ngập lụt như các cụ ngày xưa xây dựng Hội An có thể “sống chung với lũ”, chúng tôi chia ra 3 loại không gian gắn với nước ở phía đông. Thứ nhất là không gian vùng đệm, phải tôn trọng đường đi của nước từ trên núi đổ xuống biển. Nếu chặn lại đường đi của nước thì sẽ phải trả giá rất đắt. Chỗ nào đã bịt thì phải khơi thông, chỗ nào hẹp phải mở rộng ra… Vùng này phải hạn chế tối đa việc xây dựng. Thứ hai, bám theo các dòng sông là các vùng cây xanh ngăn nước biển tấn công vào và kết hợp với nông nghiệp phát triển. Nông nghiệp không chỉ thuần nuôi trồng thủy sản mà phải kết hợp với du lịch và phát triển mô hình người dân tham gia du lịch gắn với thủy sản. Thứ ba gắn với các dòng sông vẫn phải có vùng xanh kết hợp với các đô thị mới, phải có các công viên ven sông, quảng trường, những công trình, dịch vụ đô thị.
Vấn đề nữa là không gian đô thị nên tính như thế nào? Nếu muốn tính toán đến một đô thị Tam Kỳ ôm được trong mình một sân bay, cảng, chuỗi ven biển du lịch để có một đô thị cấp vùng đủ sức cạnh tranh với các đô thị khác không chỉ trong nước mà cả khu vực thì nên nghĩ đến việc hợp nhất không gian giữa Tam Kỳ và Chu Lai.