Kiên cố hóa mặt đường huyện (ĐH): Cần thêm cơ chế

CÔNG TÚ 17/12/2019 10:47

Hiệu quả thực hiện đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH được chứng minh; tuy nhiên, cần tính thêm cơ chế của chương trình này để khắc phục tồn tại đã nhận diện.

Hệ thống cầu trên nhiều tuyến ĐH hiện là “nút thắt cổ chai”, không đồng bộ với nền, mặt đường nên tiềm ẩn tai nạn giao thông. Ảnh: C.T
Hệ thống cầu trên nhiều tuyến ĐH hiện là “nút thắt cổ chai”, không đồng bộ với nền, mặt đường nên tiềm ẩn tai nạn giao thông. Ảnh: C.T

Hiệu quả cao

Triển khai đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH giai đoạn 2015 - 2020 theo Nghị quyết số 134/2014/NQ-HĐND ngày 11.12.2014 của HĐND tỉnh, các địa phương cấp huyện thực hiện hoàn thành 377,86km. Như vậy, trong phạm vi nguồn vốn đã bố trí cho đề án có chiều dài 320,7km, cả tỉnh làm vượt 57,85km đường và cầu dân sinh Cẩm Kim (Hội An). So sánh với năm 2014, tổng chiều dài ĐH hiện nay là 2.038,7km, tỷ lệ có mặt đường nhựa, hoặc bê tông xi măng đạt 88% với 1.801,16km. Theo ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở GTVT, nhờ có đề án mà hạ tầng giao thông ở cấp huyện được cải thiện rõ rệt, những điểm nghẽn về giao thông trên hệ thống ĐH đã được khắc phục, giải quyết kịp thời đoạn tuyến bị hư hỏng để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại. Ghi nhận tại cơ sở, các công trình tuân thủ theo cơ chế của đề án mang lại hiệu quả cao. Điển hình là xác định rõ ràng, cụ thể kế hoạch xây dựng hàng năm bảo đảm công khai, minh bạch; tạo chủ động cho địa phương trong tiến hành các thủ tục đầu tư.

Thêm một điểm cộng khác, công trình đầu tư theo đề án đã kéo giảm chi phí từ 30 - 40% so với hình thức đầu tư truyền thống. Công tác lựa chọn nhà thầu được các chủ đầu tư làm đúng quy trình, thủ tục; các đơn vị thi công hầu hết là doanh nghiệp địa phương, qua đó tạo công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn. Việc tiến hành bám thiết kế mẫu bảo đảm tính thống nhất, tiết kiệm chi phí thiết kế và rút ngắn thời gian. Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng (Sở GTVT) - ông Võ Công Phúc cho hay, qua kiểm tra thực tế ở cơ sở có thể thấy nhiều cung đường có tính thẩm mỹ cao. Sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện, giám sát đầu tư rất sâu sát và toàn diện thông qua thành lập Tổ giám sát cộng đồng, tổ vận động giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nền đường. Đối tượng xây dựng là các tuyến đường ĐH đang sử dụng, đã được UBND tỉnh công bố nên khi đầu tư xong sẽ phát huy ngay hiệu quả. Chính vì vậy, chương trình rất được nhân dân ủng hộ và hoan nghênh.

Cần tiếp tục đầu tư

Theo số liệu khảo sát năm 2019, trên hệ thống đường ĐH có 216 công trình cầu cần được xây dựng mới, sửa chữa với tổng mức đầu tư 923,7 tỷ đồng. Ông Lê Văn Sinh cho rằng, sửa chữa, nâng cấp các cầu này là rất cần thiết nhằm từng bước đồng bộ tải trọng khai thác trên toàn hệ thống đường bộ của tỉnh. Còn bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, đề nghị phải làm cầu cho đồng bộ và mang tính tầm nhìn xa, bởi lẽ một khi đã xây dựng cầu thì khó mà sửa chữa mở rộng về sau này.

Tuy nhiên, việc triển khai đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH thực tế vẫn phát sinh khó khăn, tồn tại liên quan đến cơ chế, lập kế hoạch, quản lý chất lượng và quản lý chi phí. Đơn cử về cơ chế, việc lấy đơn giá xây dựng lập ở huyện Phước Sơn làm cơ sở tính chi phí hỗ trợ các công trình thuộc các huyện miền núi cao có lúc chưa phù hợp. Đó là do nằm ở khu vực xa xôi, biên giới chi phí đầu tư rất lớn, dẫn đến nguồn đối ứng của địa phương tăng cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện. Vẫn liên quan đến cơ chế, đề án chỉ xây dựng mặt đường 3,5m và 5,5m, nên chưa đáp ứng nhu cầu mở rộng mặt đường từ 3,5 lên 5,5m hoặc cao hơn tại một số tuyến. Lập kế hoạch chưa sát, có trường hợp cấp huyện thiếu kinh phí đối ứng, phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Đáng chú ý, địa phương gặp khó về nguồn lực đối ứng vì vậy các tuyến miền núi cao chưa có lề, rãnh khiến đường xây dựng xong thiếu tính bền vững. Ngoài ra, còn đó một số tuyến có dấu hiệu bong tróc lớp mặt đường, bề mặt hoàn thiện kém. Lựa chọn quy mô đầu tư chưa phù hợp, một số tuyến đường xây dựng với bề mặt rộng 3,5m chẳng thể đáp ứng nhu cầu lưu thông cao của người dân.

Theo thống kê, ngoài 234,5km mặt đường ĐH chưa được kiên cố hóa, toàn tỉnh vẫn còn 572,5km chiều dài bề mặt cải tạo trước đây nay đã hư hỏng, xuống cấp. Nhiều tuyến đường thiếu rãnh thoát nước dọc, mặt đường chỉ rộng 3,5m nhưng thiếu lề nên phương tiện không thể tránh nhau, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Cùng với đó, hệ thống cầu trên ĐH còn chắp vá, chưa đồng bộ ảnh hưởng đến khả năng khai thác, trở thành “nút thắt cổ chai” mất an toàn lưu thông… Với vai trò của hệ thống đường ĐH và chất lượng hiện trạng, đầu tư giai đoạn 2021 - 2025, đi kèm bổ sung thêm vào cơ chế để gỡ vướng mắc được nhận diện cần được tiếp tục. Tuy nhiên, ngân sách cấp huyện vốn khó khăn, cho nên ngân sách tỉnh cần trợ lực thông qua các chương trình, dự án đầu tư công.

Vì lẽ đó, ngành chức năng, các địa phương kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục kiên cố hóa hệ thống đường ĐH (tức không chỉ kiên cố mặt đường) theo hướng xây dựng, mở rộng mặt đường tuyến chưa có mặt đường, mặt đường hẹp hoặc đã xuống cấp, hư hỏng. Bảo vệ công trình đã có, đồng thời phát huy công năng sử dụng bằng các giải pháp bổ sung gia cố lề đường, rãnh dọc. Ngoài ra, sửa chữa, thay thế cầu yếu bằng các công trình quy mô vĩnh cửu, bảo đảm tải trọng khai thác. Một loạt các giải pháp thực hiện, cơ chế tài chính cũng được tham mưu để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thống nhất cho chủ trương thời gian đến.

CÔNG TÚ