Củng cố đường nông thôn

SÁU CÒI 10/12/2019 10:41

Hết năm 2020, đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh sẽ có 5.031km/6.411km được kiên cố hóa, kết nối liên thông với hệ thống giao thông đường bộ khác. “Nắng bụi, mưa lầy” được đẩy lùi; các nhu cầu giao thông thiết yếu của nhân dân cơ bản đã được đáp ứng. Kết quả này là nhờ gần 20 năm tỉnh rất chú trọng đầu tư cho GTNT, bằng 3 đề án cho các giai đoạn 2001 - 2008, 2010 - 2015 và 2015 - 2020. 

Cơ chế “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong tổ chức thực hiện đề án tiếp tục được phát huy và nhân rộng sang một số lĩnh vực khác khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, giai đoạn 2015 - 2020, việc triển khai gặp khó khăn, do nền đường không có sẵn nên phải cần nhiều kinh phí để xây dựng; hầu hết qua khu vực thưa dân cư nên huy động đóng góp gặp khó. Cạnh đó, việc thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản dẫn đến nhân dân không tự khai thác được vật liệu địa phương để xây dựng các công trình. Có thời điểm, nhân công khan hiếm, vật liệu xây dựng và nguồn nước cấp cho công trình không đáp ứng.

Chủ trương kéo dài chương trình phát triển GTNT cho giai đoạn tiếp theo là cần thiết và hợp lòng dân, khi còn 21,5% bề mặt hệ thống GTNT chưa được bê tông xi măng. Ngoài ra, yếu kém khác được nhận diện là các tuyến đường làm giai đoạn 2001 - 2008 đang xuống cấp, mặt đường bong tróc, gãy vỡ; không ít nơi có mặt đường hẹp, chưa có nền đường. Một số công trình cầu tạm, cầu treo không bảo đảm tiêu chuẩn khai thác, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ, gây tai nạn; nhiều điểm dân cư ở khu vực miền núi cao chưa có đường kết nối đến các trục đường chính. Chính vì vậy, Sở GTVT chỉ rõ, nếu tiếp tục thực hiện hình thức phát triển GTNT như giai đoạn vừa qua sẽ không khắc phục được các yếu kém. Lý do, mặt đường do nhân dân tự xây dựng không bảo đảm 100% yêu cầu kỹ thuật, xuống cấp nhanh, đặc biệt bề mặt rất dễ bị bong, tróc. Phương thức làm thủ công dẫn đến nền đường không được xử lý triệt để, nhiều đoạn nền đường không bảo đảm, bị sụt lún dẫn đến gãy, vỡ tấm bê tông. Do chưa ràng buộc chặt chẽ về tiêu chuẩn kỹ thuật bề rộng nền đường, mặt đường nên các tuyến xây dựng xong không có lề đường, mặt đường hẹp.

Về giai đoạn tiếp theo, ngành chức năng cho rằng cần nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để áp dụng do việc mở rộng, tăng cường lớp mặt đường bê tông xi măng hiện có nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường và bảo đảm sử dụng lâu dài. Đặc biệt, khi kiên cố hóa các tuyến GTNT, phải tận dụng tối đa kết cấu đường hiện trạng, nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để mở rộng, tăng cường nhằm đưa các tuyến đường vào tiêu chuẩn kỹ thuật. Lựa chọn nhà thầu có năng lực để thi công các hạng mục kỹ thuật cao, nhân dân chỉ tham gia thực hiện hạng mục đơn giản. Kiên cố hóa mặt đường gắn liền với công trình cầu, cống. Từng bước thay thế các công trình cầu treo bằng cầu cứng khi có điều kiện, ưu tiên cầu treo đã sử dụng lâu ngày, công trình có lưu lượng giao thông lớn. Được như vậy, GTNT mới tiếp tục phát triển theo hướng bền vững, kiên cố, làm đến đâu chắc đến đó; gắn liền với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.

SÁU CÒI