Vướng mắc từ cơ chế, chính sách: Nhiều dự án đầu tư ách tắc

VĨNH LỘC 29/11/2019 13:53

Với những quy định mới về hình thức lựa chọn nhà đầu tư và quy hoạch phân khu xây dựng, Nghị định 30 (30/2015/NĐ - CP) của Chính phủ đã khiến nhiều dự án du lịch tại thị xã Điện Bàn gặp khó khăn do không đáp ứng được yêu cầu.

Các dự án đầu tư tại cồn nổi Điện Phương bị “chôn chân” do vướng các quy định của pháp luật. Ảnh: V.L
Các dự án đầu tư tại cồn nổi Điện Phương bị “chôn chân” do vướng các quy định của pháp luật. Ảnh: V.L

Gần 4 năm nay, dự án Khu du lịch Đảo xanh (thôn Triêm Tây, xã Điện Phương) vẫn dậm chân tại chỗ, kể từ khi Nghị định 30 của Chính phủ ra đời. Với những quy định bắt buộc như dự án phải áp dụng hình thức đấu thầu; quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500… khiến dự án không đủ điều kiện để cấp phép triển khai, mặc dù trước đó đã được UBND Điện Bàn thỏa thuận điểm và thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu đầu tư.

Theo thiết kế, dự án Khu du lịch Đảo xanh có tổng diện tích 24,7ha, kinh phí đầu tư trên 400 tỷ đồng, sau khi hoàn thành đây sẽ là khu phức hợp bao gồm nhà hàng ăn uống, khách sạn, chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp… Ông Mai Bá Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ du lịch FELASKAN FIELD (đơn vị đầu tư dự án) chia sẻ, nếu được cấp phép đầu tư, sau 3 năm dự án sẽ hoàn thành giai đoạn 1, mở cửa khai trương, còn hiện tại doanh nghiệp chỉ biết chờ đợi.

Tương tự, dự án “Trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe” (thôn Triêm Tây, xã Điện Phương) cũng “đứng bánh” gần 2 năm qua do vướng các quy định của Nghị định 30.

Theo ông Võ Nhật Cường - Giám đốc Công ty CP Sông Xanh Hội An, tính đến nay, chi phí bỏ ra cho đơn vị tư vấn, khảo sát, thiết kế khá nhiều. Tuy vậy, khó nhất của doanh nghiệp chính là không thể tính toán được thời gian, thời hạn đầu tư. “Nếu dự án suôn sẻ sau khi hoàn tất các thủ tục sẽ bắt tay ngay vào triển khai, nhưng bây giờ chưa tới đâu nên không thể tính được lộ trình, kể cả điều chuyển nguồn tiền về đầu tư”, ông Cường nói.

Trên địa bàn xã Điện Phương hiện có khoảng 10 dự án vướng quy định của Nghị định 30. Ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Điện Phương cho rằng, việc quy định đấu thầu dự án trên địa bàn xã sẽ dẫn đến nhiều bất cập. Thứ nhất, ý tưởng dự án ban đầu của doanh nghiệp nếu đấu thầu người khác trúng thì xem như ý tưởng bị đánh cắp. Thứ hai, đấu thầu phải có mặt bằng sạch, nhưng với điều kiện của xã thì chưa thể làm được.

Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, Nghị định 30 đã khiến nhiều dự án trên địa bàn thị xã không triển khai được, bởi khu vực Điện Bàn hiện chỉ mới quy hoạch phân khu 1/5.000 (trong khi điều kiện quy định để tổ chức đấu thầu, đấu giá dự án là phải có quy hoạch 1/2.000 hoặc 1/500). Trong khi đó, thị xã đang điều chỉnh quy hoạch chung nên muốn quy hoạch 1/2000 hay 1/500 cũng không được.

“Giả sử bây giờ Nhà nước đứng ra quy hoạch 1/2.000, 1/500 cho khu vực nào đó làm du lịch, tôi tin rằng 80% quy hoạch này sẽ bị điều chỉnh do khó phù hợp với kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp đăng ký quy hoạch trước để có cơ sở lựa chọn nhà đầu tư thì ai đảm bảo rằng doanh nghiệp này sẽ trúng thầu. Điều này sẽ dẫn đến câu chuyện, nếu Nhà nước đầu tư chắc chắn không tránh khỏi lãng phí, chưa kể cái vướng hiện nay là Điện Bàn đang điều chỉnh quy hoạch chung cho phân khu đô thị Phương - An (Điện Phương, Điện An) thì không thể cắt riêng một phần nào đó ra để triển khai dự án nên phải chờ quy hoạch chung, sau đó xem có phù hợp mới triển khai được” - ông Hà phân tích.

Theo Phòng Quản lý đô thị thị xã Điện Bàn, việc lập quy hoạch phân khu 1/2.000 hoặc quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí, do đó các sở, ngành liên quan, UBND tỉnh nên xem xét, hướng dẫn thị xã lựa chọn nhà đầu tư hoặc thỏa thuận nghiên cứu đầu tư cho phù hợp với quy định pháp luật, sớm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có cơ sở triển khai thực hiện dự án vì các nhà đầu tư đã vào nghiên cứu, khảo sát, làm việc với địa phương từ vài năm trước; đặc biệt đã lập đầy đủ thủ tục trình các cấp có thẩm quyền nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai; nếu kéo dài sẽ khó khăn cho thị xã kêu gọi nhà đầu tư trong tương lai.

Ông Nguyễn Xuân Hà khẳng định, nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng về nguồn nhân lực, vốn liếng, ý tưởng… chỉ chờ tháo được nút thắt về thủ tục sẽ tiến hành triển khai, qua đó tạo điều kiện để Điện Bàn tăng tốc trong phát triển du lịch.

VĨNH LỘC