Bàn giải pháp quy hoạch phát triển đô thị

VINH ANH 27/11/2019 10:52

Hội thảo khoa học “Quy hoạch phát triển đô thị ven sông, ven biển và quản lý môi trường các đô thị - khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam” được tổ chức tại TP.Tam Kỳ vào sáng qua 26.11 đã ghi nhận nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý... Hội thảo do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn và Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính chủ trì.

Các chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch đô thị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: V.ANH
Các chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch đô thị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: V.ANH

Nhiều hạn chế

Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, năm 1997, thời điểm tái lập tỉnh, Quảng Nam chỉ có 14 đô thị tương ứng với 14 đơn vị hành chính tương đương cấp huyện. Quy mô đô thị nhỏ, cấu trúc đơn giản. Đến nay, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đã đạt xấp xỉ 32,7%, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao và dần tiệm cận với chỉ tiêu phát triển đô thị toàn quốc.

Các đô thị có sự gắn kết, thông thương qua hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh; quy mô và chất lượng đô thị được cải thiện theo hướng hiện đại. Đặc biệt, các đô thị phía đông của tỉnh là đô thị ven biển, ven sông phát triển rõ nét, từng bước liên kết hình thành cụm đô thị, đóng vai trò là các trung tâm động lực phát triển vùng như Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành.

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, Quảng Nam có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển đô thị, nhưng đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế và thách thức mà Quảng Nam đang phải đối mặt.

Ngoài thực trạng tỷ lệ đô thị hóa thấp so với bình quân của cả nước; chưa khai thác hết thế mạnh và lợi thế về kinh tế biển, tiềm năng phát triển du lịch; tính liên kết vùng để cùng phát huy lợi thế cạnh tranh còn rất hạn chế…, ông Chính cho rằng, phát triển đô thị Quảng Nam còn trong tình trạng thiếu điều phối và gắn kết, nhất là trong phát triển kết cấu hạ tầng đô thị. Kết nối đô thị vùng yếu đang làm gia tăng khoảng cách phát triển kinh tế giữa vùng đông và tây của tỉnh. Xuất hiện nguy cơ tiềm ẩn cho các đô thị ven biển đó là việc quy hoạch chia lô ven biển làm hạn chế không gian giao lưu cộng đồng, xây đường giao thông sát biển có nguy cơ ngập lụt cao, phá vỡ các khu vực cây xanh phòng hộ. Đặc biệt, Quảng Nam cũng đang đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu. Sự mở rộng các đô thị, nạn phá rừng đầu nguồn, xây dựng các cơ sở hạ tầng dày đặc trong đó có công trình thủy điện nhỏ góp phần làm tăng ngập úng tại các đô thị…

Nhìn nhận những hướng đi

Phấn đấu đưa Tam Kỳ lên đô thị loại I vào năm 2023

Nhắc đến đô thị Tam Kỳ, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng Tam Kỳ là đô thị được quy hoạch tốt và quản lý bài bản, đặc biệt là có điều kiện thuận lợi khi nằm bên cạnh Khu kinh tế mở Chu Lai hết sức sôi động. Chính vì vậy, mong tỉnh Quảng Nam sẽ dành nhiều sự chỉ đạo, quan tâm nhằm đưa TP.Tam Kỳ lên thành phố loại I trong thời gian sớm hơn (vào năm 2023)  thay vì theo kế hoạch là năm 2025. Xây dựng Tam Kỳ không chỉ là đô thị gốc, đô thị quan trọng mà là đô thị hạt nhân, kéo theo sự phát triển chung của đô thị Quảng Nam cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, hội thảo khoa học “Quy hoạch phát triển đô thị ven sông, ven biển và quản lý môi trường các đô thị - khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam” là một trong 6 hội thảo khoa học quan trọng mà tỉnh chọn để bổ sung trong xây dựng văn kiện của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, dự kiến tổ chức vào tháng 10.2020.

Đồng chí Huỳnh Khánh Toàn cho rằng, cùng với những định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng đặt mục tiêu năm 2020 – kết thúc nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt 35%, thuộc tỉnh khá trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Chính vì vậy, những ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia tại hội thảo là cơ sở để tỉnh có những định hướng lớn trong vấn đề quy hoạch đô thị theo hướng ven sông, ven biển gắn với quản lý, bảo vệ môi trường.

Theo các chuyên gia, để Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp hóa vào năm 2020, đóng góp đáng kể cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trở thành vùng có tính chất động lực, lan tỏa, quá trình đô thị hóa cùng với quá trình công nghiệp hóa của Quảng Nam cần phát triển nhanh hơn nữa theo hướng phát triển bền vững. Các vùng kinh tế động lực của tỉnh như Khu kinh tế mở Chu Lai, khu vực Điện Bàn - Hội An, Tam Kỳ… phải trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước do vị trí địa lý và môi trường đầu tư hấp dẫn. Quảng Nam cần có chiến lược đô thị hóa hiệu quả mang đặc thù nhằm khai thác lợi thế so sánh của tỉnh trong thời gian đến.

Ông Nguyễn Phú cho rằng, thời gian đến, Quảng Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển đô thị theo các chỉ tiêu được xác định tại Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam đến năm 2030. Để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra đồng thời phải gắn với sự bền vững, phát triển đô thị Quảng Nam cần phải giải quyết vấn đề liên kết vùng theo hướng xây dựng các giải pháp nhằm tác động tích cực từ vùng và cụm động lực theo các hành lang đô thị hóa; tăng cường kết nối đông - tây. Nâng cao chất lượng đô thị, đảm bảo đô thị thực sự “khỏe mạnh”, có sức hấp dẫn, cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu… Một nhiệm vụ hết sức quan trọng nữa là bài toán phát triển đô thị khu vực hạ lưu các con sông và khu vực ven biển.

“Với vị trí địa lý, địa hình, cảnh quan được bao bọc bởi 125km đường biển và các hệ thống sông lớn, những giá trị truyền thống về văn hóa, lịch sử cùng với sự phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ chính là những cơ sở rất lớn và cơ bản để phát triển đô thị ở Quảng Nam đạt được các chỉ tiêu đề ra theo định hướng của tỉnh” - ông Phú nhìn nhận.

VINH ANH