“Điểm nghẽn” đường Điện Biên Phủ

CÔNG TÚ 06/11/2019 10:22

Gần một năm đưa vào khai thác, đường Điện Biên Phủ qua nội thị Tam Kỳ đang tồn tại nhiều “điểm nghẽn” khiến nguồn vốn đầu tư chưa phát huy hết hiệu quả, gây mất an toàn giao thông (ATGT).

Do không có đèn tín hiệu điều khiển giao thông, nút giao Điện Biên Phủ - Phan Châu Trinh rất dễ xảy ra va chạm giao thông. Ảnh: C.T
Do không có đèn tín hiệu điều khiển giao thông, nút giao Điện Biên Phủ - Phan Châu Trinh rất dễ xảy ra va chạm giao thông. Ảnh: C.T

Nút giao “bất ngờ”

Cách đây mấy ngày, lưu thông gặp lúc trời mưa to do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5, một người dân tên Hùng (trú phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) tỏ rõ sự thất vọng khi không thể điều khiển xe máy thoát cảnh ùn tắc trên đoạn đường đôi của đường Điện Biên Phủ (đoạn Hùng Vương đến Phan Châu Trinh), phía bên trái tuyến chạy qua Trường Tiểu học Kim Đồng. “Đường sá chật chội như thế này, ô tô mới chạy theo một chiều thôi cũng đủ kẹt xe” - ông Hùng nói. Cũng thuộc hạng mục đường Điện Biên Phủ, tài xế lưu thông từ phía đông hướng lên qua cầu Bàn Thạch bất ngờ khựng lại do trước mặt là nút giao đường Phan Châu Trinh với xe cộ qua lại, ngược xuôi. Để đảm bảo an toàn, tài xế phải di chuyển thật chậm tìm hướng rẽ trái nhập làn vào đường Phan Châu Trinh... Người tài xế đặt câu hỏi: “Tại sao không bố trí đèn xanh - đỏ ở các nút giao này để chỉ dẫn, điều tiết người tham gia giao thông an toàn. Chứ xe di chuyển rối rắm như vậy sẽ rất dễ gây tai nạn”. Thực tế đường Điện Biên Phủ đưa vào sử dụng, xe cộ lưu thông qua nút giao Phan Châu Trinh tăng đột biến. Va chạm từng xảy ra cũng bởi hạng mục phụ trợ đảm bảo ATGT chưa có, cụ thể là đèn tín hiệu điều khiển giao thông.      

Dự án đường Điện Biên Phủ thuộc Tiểu dự án phát triển TP.Tam Kỳ do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Công trình khởi công vào tháng 8.2016, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư dài 6,308km, bắt đầu từ đường Hùng Vương đến giáp đường 129. Bằng nguồn ngân sách, UBND tỉnh quyết định xây dựng thêm đường nối từ đường Điện Biên Phủ đến quốc lộ 40B dài hơn 2,3km, kết nối liên hoàn với đường Điện Biên Phủ tại nút giao Hùng Vương. Cung đường chiến lược này không chỉ tạo nên trục không gian kiến trúc quan trọng cho tỉnh lỵ Tam Kỳ mà còn mở ra hướng đi mới trong sắp xếp dân cư. Nhưng gần một năm khai thác, “điểm nghẽn” mất ATGT ở các nút giao với Hùng Vương, Lê Thánh Tông, 129 và Phan Châu Trinh vẫn chưa có sự cải thiện tích cực. Lòng đường của đoạn đường đôi từ Hùng Vương xuống Phan Châu Trinh nhanh chóng quá tải, do rộng có 7,5m.

Cần sớm đầu tư

Trong thông báo ký ngày 27.8.2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn kết luận, để đảm bảo cảnh quan, môi trường đô thị và ATGT khi đưa đường Điện Biên Phủ vào khai thác sử dụng, việc điều chỉnh, bổ sung đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao với các đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Lê Thánh Tông và 129; mở rộng lòng đường đoạn Hùng Vương - Phan Châu Trinh mỗi bên thêm 3,5m (từ 7,5m lên 10,5m)… rất cần thiết. UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh rà soát, chuẩn xác lại phần vốn ODA (ADB tài trợ) tiết kiệm được trong quản lý, điều hành dự án và vốn ODA còn lại chưa sử dụng hết của dự án gốc và phối hợp với Sở KH-ĐT tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị bộ ngành trung ương xem xét, thống nhất cho phép điều chỉnh, bổ sung các hạng mục nêu trên vào dự án gốc để tiếp tục đầu tư, hoàn thiện tuyến đường trước thời điểm kết thúc Hiệp định của dự án (ngày 31.7.2019).

Tuy nhiên, do thủ tục không dễ dàng, đồng thời cần nguồn kết dư để làm cầu Trường Giang (thuộc đoạn nối đường 129 xuống quảng trường biển Tam Thanh), vì vậy chuyện lắp đặt đèn tín hiệu và mở rộng đường đành gác lại. Ngày 6.3.2019, ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã ký tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở KH-ĐT xin thẩm định nguồn và khả năng cân đối vốn dự án xây dựng trục cảnh quan đường Điện Biên Phủ, lý trình km0+000 - km0+811.33 (đoạn Hùng Vương - Phan Châu Trinh) và các hạng mục ATGT. Theo đó, tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh để mở rộng mỗi bên mặt đoạn đường đôi từ 7,5m lên thành 10,5m; lắp đặt đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao… UBND tỉnh đã đề nghị Sở KH-ĐT tham mưu và sẽ trình HĐND tỉnh quyết định.

Muốn khai thác hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư xây dựng đường Điện Biên Phủ và đảm bảo ATGT, việc đầu tư tháo gỡ “điểm nghẽn” là rất cần thiết và phải khẩn trương thực hiện. Được biết, các hạng mục đèn tín hiệu giao thông không thuộc thiết kế của dự án, nhưng chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu thi công đường ngầm hóa các đường điện, hố kỹ thuật để sau này lắp đặt thì không phải đào đường lên gây mất mỹ quan. Đối với đoạn đường đôi, việc mở rộng làn đường sẽ mở vào dải phân cách, trong dải phân cách cũng chưa trồng cây tạo cảnh quan nên tránh chuyện lãng phí và không tốn chi phí giải phóng mặt bằng.

CÔNG TÚ