Dự án du lịch ven biển Điện Bàn: Chậm do vướng mặt bằng

VĨNH LỘC 11/11/2019 13:51

Tính đến giữa năm 2019, thị xã Điện Bàn có nhiều dự án du lịch ven biển được cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết dự án triển khai chậm, thậm chí sang nhượng chủ đầu tư nhiều lần và vướng mặt bằng.

Nhiều dự án du lịch ven biển Điện Bàn chậm tiến độ. Ảnh: V.L
Nhiều dự án du lịch ven biển Điện Bàn chậm tiến độ. Ảnh: V.L

Chậm triển khai

Ngoài 5 dự án đã đi vào hoạt động là sân golf Montgomerie Link, The Nam Hải, Khu du lịch Sông Hàn, khách sạn Lebelhamy và Câu lạc bộ biển Blush, trên địa bàn thị xã Điện Bàn hiện có 12 dự án du lịch ven biển được cấp phép nhưng chưa triển khai, hoàn thành, trong đó không ít dự án đã được cấp phép đầu tư gần 10 năm nay.

Có thể kể đến dự án của Công ty CP MBLand Tonkin (diện tích 9,3ha), cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2012. Tháng 12.2014, dự án khởi công xây dựng một số hạng mục như khu nhà điều hành, hàng rào quanh khu đất, hệ thống cấp điện, cấp nước, kè chắn sóng, tường vây khu biệt thự… Tuy nhiên, đến tháng 8.2018, dự án dừng thi công; một năm sau (cuối tháng 8.2019), dự án được nhượng lại cho Ngân hàng Quốc dân (NCB) với tên gọi mới là Le Meridien Resort & Spa.

Gần đây nhất, dự án của Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xuân Phú Hải (7,73ha), được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng các hạng mục công trình hạ tầng cùng giấy phép xây dựng 10 căn biệt thự. Theo đó, một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật san nền đã được triển khai thi công, nhưng mới đây chủ đầu tư đã tạm dừng thi công.

Ngoài ra, có 6 dự án khác, dù được cấp giấy Chứng nhận đầu tư từ nhiều năm trước nhưng hiện vẫn chưa triển khai thi công. Cụ thể, dự án Trung Kỳ - Viêm Đông, Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Cyan, Malibu, Phước Minh, Thiên đường Cổ Cò (hầu hết trên địa bàn phường Điện Dương).

Theo ông Nguyễn Minh Hiếu – Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, có nhiều nguyên nhân khiến các dự án chậm triển khai, nhưng nguyên nhân chủ yếu là chuyển đổi chủ đầu tư, chậm xúc tiến thủ tục và vướng giải phóng mặt bằng. Đơn cử, dự án Thiên đường Cổ Cò (32,18ha), hoàn thành thủ tục đăng lý đầu tư từ tháng 12.2015 và cũng đã tập kết trang thiết bị, máy móc thi công, nhưng từ tháng 10.2016 đến nay, phải tạm dừng thi công do vướng giải phóng mặt bằng 34 hộ dân (khu phía tây) và 328 hộ (khu phía đông). Để giải quyết mặt bằng cho chủ đầu tư, ngày 8.12.2017, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 6911/UBND-KTTH điều chỉnh giảm diện tích dự án còn khoảng 29ha. Đồng thời, chủ đầu tư (Tập đoàn Tuần Châu) cũng ứng khoảng 57 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nhằm nhanh chóng triển khai dự án… Tuy vậy, đến nay vẫn chưa thể giải phóng mặt bằng được.

Khó giải quyết

Mới đây, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng biển VinaCapital - Hội An (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn), diện tích 8,6ha với các khu chức năng bao gồm khách sạn 13 tầng (12 tầng nổi và 1 tầng hầm), quy mô 180 phòng cùng khu căn hộ du lịch, khu biệt thự… Quyết định phê duyện ĐTM là điều kiện quan trọng để chủ đầu tư triển khai dự án. Đây cũng là bước tiến đáng chú ý bởi thực tế dự án đã nằm bất động suốt 12 năm qua.

Ông Đinh Hùng Liên – Chủ tịch UBND phường Điện Dương thừa nhận, rất nhiều dự án trên địa bàn phường hiện nay chậm tiến độ do vướng mặt bằng vì chính sách tái định cư và mức giá bồi thường theo quy định của Nhà nước không sát thực tế, mặc dù địa phương thường xuyên tuyên truyền vận động giải thích cho người dân. Thậm chí, một số trường hợp thu hồi đất nông nghiệp cũng được người dân yêu cầu xem xét bố trí tái định cư. Hiện Điện Dương có 5 dự án vướng giải phóng mặt bằng, trong đó nóng nhất là dự án mở rộng Khu du lịch Lebelhamy với khoảng 10 hộ dân chưa chịu bàn giao mặt bằng nhưng vẫn chưa thương lượng giải quyết được.

Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, thời gian qua, địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Tuy vậy, do giá bồi thường hiện nay thấp so với giá đất trên thị trường nên tạo ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp. Chưa kể, một số dự án giải phóng mặt bằng hiện phải áp dụng mức giá bồi thường từ nhiều năm trước, không đáp ứng được yêu cầu của người dân khiến tiến độ triển khai dự án kéo dài dai dẳng.

VĨNH LỘC