Thực hiện Luật Đất đai 2013: Nhiều vướng mắc từ thực tiễn

TRẦN HỮU 10/11/2019 20:51

Bộ Tài nguyên và môi trường đang phối hợp với các ngành chức năng của Quảng Nam tháo gỡ những bất cập trong triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013, nhất là xác định lại đất ở với loại đất thổ cư.

Nhiều địa phương lúng túng xác định lại diện tích đất ở đối với đất thổ cư. TRONG ẢNH: Một khu khai thác quỹ đất ở thị trấn Núi Thành. Ảnh: T.H
Nhiều địa phương lúng túng xác định lại diện tích đất ở đối với đất thổ cư. TRONG ẢNH: Một khu khai thác quỹ đất ở thị trấn Núi Thành. Ảnh: T.H

Chờ sửa đổi

Luật Đất đai 2013 quy định, một trong các loại giấy tờ được làm căn cứ để xác định công nhận hạn mức đất ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) và không phải nộp tiền sử dụng đất là bìa đỏ tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước ngày 15.10.1993. Tuy nhiên, các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, TP.Tam Kỳ, TP.Hội An và nhiều địa phương khác, sổ địa chính được lập sau ngày 15.10.1993; sổ đăng ký ruộng đất được lập theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ không còn lưu trữ.

Theo các địa phương, việc áp dụng quy định trên ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người dân, gây khó khăn trong quá trình thực hiện bồi thường - hỗ trợ (BT-HT), tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 61, 62 của Luật Đất đai. Thực tế thửa đất của dân được hình thành và sử dụng ổn định từ trước ngày 18.12.1980. Việc chậm giải phóng mặt bằng có nguyên do từ lúng túng xác định nguồn gốc đất; hồ sơ đất đai thất lạc…

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Nam - ông Phan Thái Bình cho rằng, quá trình triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Quảng Nam gặp một số bất cập trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đất đai để giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến việc công nhận quyền sử dụng đất và thực hiện thu hồi đất, BT-HT, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế -  xã hội.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, Bộ Tài nguyên và môi trường đã giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của tỉnh liên quan tới vấn đề xác định lại diện tích đất ở đối với đất thổ cư; xác định giấy tờ về quyền sử dụng đất đối với trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất (có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính được lập theo Chỉ thị số 299 của Thủ tướng Chính phủ), nhưng bị mất hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn thực hiện thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư tại Khu Kinh tế mở Chu Lai.

Về kiến nghị của tỉnh liên quan đến việc thực hiện pháp luật về đất đai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Thanh tra Bộ Tài nguyên và môi trường cùng Vụ Pháp chế phối hợp, hướng dẫn Sở Tài nguyên và môi trường tham mưu UBND tỉnh các giải pháp để đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên và môi trường tại địa phương.

“Sắp tới, Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ rà soát để trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đất đai. Việc sửa đổi này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch nói chung, bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, khắc phục những bất cập trong thực hiện pháp luật đất đai thời gian qua” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết.

Pháp luật chồng chéo

Nhiều tỉnh, thành phố nêu bất cập, thời gian qua quá trình triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất gặp trở ngại do không thống nhất giữa các Luật Đầu tư, Luật Đất đai 2013, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Nhà ở. Nếu làm đúng luật này, thì vướng luật kia.

Đơn cử: Luật Đấu thầu và Nghị định số 30 năm 2015 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, quy định đối tượng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư bao gồm các dự án, công trình thương mại dịch vụ. Điều kiện để đấu thầu là các khu đất này phải thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất hoặc đất do Nhà nước sử dụng, không phải bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai 2013, các khu đất đầu tư dự án thương mại dịch vụ lại không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Điều gây lúng túng cho chính quyền địa phương khi thực hiện Luật Đất đai 2013 là các loại quy hoạch chồng chéo nhau. Tại TP.Tam Kỳ, trên địa bàn do có nhiều quy hoạch tồn tại chồng chéo nhau như quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai.

Luật Đất đai năm 2013 quy định, một trong các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất là dự án sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 không có nội dung quy định cụ thể miễn toàn bộ thời gian hay miễn một số năm thực hiện dự án. Trong khi đó, Luật Đầu tư và các nghị định hướng dẫn thi hành lại quy định việc miễn tiền thuê đất theo hình thức miễn có thời hạn một số năm hoặc miễn cho cả thời hạn thuê đất tùy theo lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Theo quan điểm của Bộ Tài nguyên và môi trường, các dự án đầu tư có sử dụng đất (trừ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại) thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đều được miễn tiền thuê đất, và theo quy định của Luật Đất đai 2013 thì thuộc trường hợp không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại cho rằng, các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện, nếu chỉ được miễn tiền thuê đất một số năm thì phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; chỉ các dự án đầu tư thuộc diện được miễn toàn bộ tiền thuê đất trong thời gian thuê đất thực hiện dự án mới không phải đấu giá quyền sử dụng đất.

TRẦN HỮU