Đường nối ven biển lên cao tốc qua Thăng Bình: Gỡ “nút thắt” mặt bằng

CÔNG TÚ 22/10/2019 13:43

Thăng Bình đang tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm giải phóng mặt bằng (GPMB) bị ách tắc dai dẳng khiến việc thi công các dự án đường nối từ xã Bình Minh lên gần nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bế tắc.

Một căn nhà đang được xây dựng tại khu TĐC Bình Đào. Ảnh: C.T
Một căn nhà đang được xây dựng tại khu TĐC Bình Đào. Ảnh: C.T

Dai dẳng “nút thắt”

Để giảm tải cho quốc lộ (QL) 14E, đoạn từ xã Bình Minh lên ngã tư Hà Lam (Thăng Bình) và giải tỏa ách tắc phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông qua nội thị Hà Lam, các dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến QL1 (tại ngã ba Cây Cốc) và đường nối từ QL1 (tại ngã ba Cây Cốc) đến nút giao đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với QL14E có tổng chiều dài 12,13km do Sở GTVT làm chủ đầu tư chính thức triển khai năm 2017. Cung đường chiến lược này (riêng đoạn ven biển Bình Minh - ngã ba Cây Cốc theo tuyến mới hoàn toàn) hoàn thành sẽ thiết lập hệ thống giao thông liên hoàn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, QL14E, QL1 và đường 129, đồng thời nới rộng không gian đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đông Thăng Bình nói riêng. Chịu trách nhiệm GPMB, Thăng Bình bàn giao xong 11,51km. “Nút thắt” còn lại thuộc 0,17km qua xã Bình Minh; ách tắc dai dẳng nhất là 0,3km tại xã Bình Đào và 0,15km án ngữ ngã ba Cây Cốc của thị trấn Hà Lam. Đại diện chủ đầu tư (Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh) cho biết, xã Bình Minh còn vướng 4 hộ. Đáng chú ý, hộ Nguyễn Minh Thọ chưa nhận tiền vì cho rằng giá bồi thường thấp, yêu cầu bố trí tái định cư (TĐC) mặc dù không đủ điều kiện theo quy định.

Trên 0,3km qua xã Bình Đào, địa phương chưa khơi thông “điểm nghẽn” của 16 hộ và 1 nhà thờ. Đến thời điểm này, 4 hộ gồm bà Cẩm, ông Dĩnh, ông Hồng và ông Mai đã có phê duyệt phương án bồi thường và TĐC, tổ chức chi trả tiền. Trong đó, 3 hộ nhận tiền bồi thường và đất tại khu TĐC, hộ ông Mai chưa đến nhận do vợ qua đời. Phương án bồi thường của các hộ ông Trung, ông Xa cũng đã phê duyệt và dự kiến chi trả tiền trong tuần. Đại diện chủ đầu tư cho biết thêm, Bình Đào còn có 5 hộ đã bốc thăm để bố trí TĐC, ngược lại 5 hộ chưa thống nhất bốc thăm. Tại thị trấn Hà Lam, việc khai thông “nút thắt” của hộ bà Nuôi nằm vị trí nút giao Cây Cốc vẫn chưa có phương án cuối cùng. Ngày 2.8 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa giải quyết khiếu nại của hộ này. Theo bản án, tòa bác yêu cầu khởi kiện của hộ bà Nuôi đối với các quyết định về thu hồi đất, về bồi thường, hỗ trợ cho gia đình do UBND huyện Thăng Bình ban hành; hủy quyết định áp dụng khẩn cấp tạm thời mà tòa ban hành trước đây. Tòa án cũng kiến nghị huyện thu hồi, bồi thường bổ sung diện tích tăng thêm trong vệt GPMB dự án rộng 24,6m2.

Tiếp tục chờ

Vẫn thuộc dự án, tại Hà Lam, hộ ông Mua đang tranh chấp đất, trong khi đất này do địa phương quản lý nhưng chủ hộ cản trở không cho thi công. Đối với làn chuyển tốc, phía bên phải dọc tuyến QL1 ảnh hưởng 13 hộ đã phê duyệt phương án bồi thường về vật kiến trúc; song 12 hộ không đồng thuận mà đòi bồi thường đất hành lang dọc QL1. Phía bên trái tuyến QL1, làn chuyển tốc tại nút Cây Cốc ảnh hưởng 14 hộ thuộc Hà Lam và 21 hộ thuộc xã Bình Phục hiện chưa thực hiện.

Trao đổi về hộ bà Nuôi, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thăng Bình - ông Nguyễn Đình Chi cho biết, theo kết quả tại bản án của Tòa án nhân dân tỉnh, địa phương và nguyên đơn thống nhất diện tích tăng trong vệt GPMB của dự án là 24,6m2 sau khi tòa thẩm định trong quá trình thụ lý trước khi xét xử. Trong lúc, huyện đang xây dựng phương án để thực hiện bồi thường phần diện tích tăng thêm này, hộ bà Nuôi tiếp tục kháng án lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Lý do gia đình đưa ra rằng giá bồi thường thấp, không thống nhất hệ số giật lùi. Hiện nay, Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã nhận hồ sơ từ Tòa án nhân dân tỉnh. Vì vậy, các bên liên quan đành phải tiếp tục chờ đợi phán quyết của tòa. Trường hợp 4 hộ tại xã Bình Minh (Nguyễn Thị Bảy, Lê Thị Hồng, Nguyễn Quang Minh, Phạm Văn Bảy), ngày 16.10, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hương đã chủ trì họp với chính các hộ. Qua đó, huyện và xã thống nhất sẽ ký cam kết bố trí TĐC xen kẽ trong khu dân cư tại địa phương, đổi lại người dân cần bàn giao sớm mặt bằng cho chính quyền. Các hộ này xin cho thêm thời gian suy nghĩ và sẽ trả lời nội tháng 11 năm nay.

Qua quan sát khu TĐC Bình Đào, địa điểm thiết lập nhằm phục vụ GPMB dự án, chúng tôi nhận thấy có 2 căn nhà được xây dựng đang dần thành hình. Lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Thăng Bình xác nhận, đó là nhà của hộ Trần Thị Cẩm và Phan Văn Hồng. Ông Nguyễn Đình Chi cho biết, đến ngày 15.10, Bình Đào có 11/17 trường hợp tiến hành bốc thăm đất TĐC. Trong đó, 8 hộ bốc thăm nhưng chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ. Huyện đã và đang trình phương án phê duyệt theo quy định. Về trường hợp hộ ông Mai, ông đã bốc thăm và thống nhất số tiền được chi trả nhưng vì việc gia đình nên trung tâm phải chờ thêm thời gian mới tiếp tục giải quyết. Như vậy, Bình Đào còn 5 hộ và 1 nhà thờ chưa đồng ý bốc thăm nhận đất TĐC. UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất, các ban ngành, hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở tiếp tục tuyên truyền, vận động để các trường hợp trên đồng thuận với chủ trương chung. Địa phương khẳng định, không thỏa hiệp trước yêu sách đòi giải quyết đối với trường hợp tăng nhân khẩu do cơ học.

CÔNG TÚ