Nâng cấp đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc

VĂN SANH 07/10/2019 10:44

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, hạ tầng khu đô thị mới (ĐTM) Điện Nam - Điện Ngọc được định hướng nâng cấp đồng bộ, hiện đại, gắn kết với TP.Đà Nẵng và Hội An, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị của thị xã Điện Bàn. Đó cũng là yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam đặt ra trong điều chỉnh Quy hoạch chung ĐTM này, ban hành theo Quyết định số 1253/QĐ-UBND ngày 26.4.2019.

Homeland Paradise Village - khu đô thị thông minh 4.0 đầu tiên tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đang được xây dựng hoàn thiện. Ảnh: N.T.B
Homeland Paradise Village - khu đô thị thông minh 4.0 đầu tiên tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đang được xây dựng hoàn thiện. Ảnh: N.T.B

Từ khu đô thị thông minh

Hiện nay, khi quỹ đất đô thị cho các dự án bất động sản (BĐS) lớn  khá khan hiếm thì việc phân lô bán nền dần trở nên lạc hậu, không còn phù hợp. Nhiều khách hàng có điều kiện kinh tế khá giả hơn cũng bắt đầu quan tâm, đặt nhu cầu với các dự án BĐS cao cấp, có môi trường sống trong lành, tiện ích, an toàn. Nắm bắt xu thế đó, cuối năm 2018 Công ty CP Đầu tư và phát triển Đô thị Dana Home land (Dana Homeland Group) đã trình làng dự án Homeland Paradise Village - một khu đô thị (KĐT) thông minh đầu tiên của Việt Nam tại ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc.

“Homeland Paradise Vilage tự hào là KĐT lọt vào tốp 10 dự án quốc gia với sự hiện đại cũng như thân thiện với môi trường. Cùng những tiện ích vượt trội, đẳng cấp như bến du thuyền, sân golf, khu nhạc nước, phố đi bộ, xe điện miễn phí, nước sạch, điện mặt trời... đem đến cuộc sống lý tưởng cho cư dân trong tương lai. Chúng tôi cũng không ngờ khi trình làng dự án này tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh lại nhận được sự quan tâm, đặt hàng rất lớn từ các đối tác, khách hàng cao cấp” - ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Tập đoàn kiêm Tổng Giám đốc Dana Homeland Group thổ lộ.

Vào 10 năm trước, nơi đây nổi tiếng với hàng chục căn biệt thự đầu tiên ra mắt, trị giá mỗi căn cả triệu đô la, trên diện tích 31ha rồi để… hoang hóa. Đầu năm 2019, Dana Homland Group làm chủ đầu tư dự án KĐT số 6, sau khi công ty đã bỏ gần một nghìn tỷ đồng mua nợ, đầu tư hơn 4 nghìn tỷ đồng tạo “Vườn địa đàng mới” hút khách… Dự án đắc địa khi “kề giang, cận hải”: cách bãi tắm Viêm Đông chỉ 500m;  sở hữu 1,5km mặt tiền dòng sông Cổ Cò (sẽ thông tuyến trong tháng 9.2020) và liền kề hai sân golf DRG và Montgomerie Links. Tại đây, chỉ cần 2 phút đi xe bạn sẽ tiếp cận biển trong xanh, 15 phút tới phố cổ Hội An và 20 phút tới Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Hiện  tổng thầu dự án Vinaconex 25 với đội ngũ chuyên gia, cán bộ, kỹ sư lành nghề đang khẩn trương xây dựng các sản phẩm biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, shophouse villa, nhà phố. Nhằm thu hút khách hàng, Homeland Group đã hợp tác cùng Pvcom Bank hỗ trợ cho vay 70% khi đầu tư dự án Homeland Paradise Village.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Qua 20 năm thực hiện Quyết định số 124/1999/QĐ-TTg ngày 18.5.1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc, tỉnh Quảng Nam, đến nay đã có 82 đồ án quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quy định quản lý quy hoạch (kèm theo Quyết định số 1253/QĐ-UBND ngày 26.4.2019) giao cho UBND thị xã Điện Bàn trực tiếp quản lý quy hoạch, xây dựng theo hồ sơ khớp nối, bổ sung và điều chỉnh Quy hoạch phân khu (tỷ lệ  1/2000) các giai đoạn I, II, III tại ĐTM. Tổng diện tích quy hoạch là 2.537ha; thuộc địa giới nghiên cứu quy hoạch của 5 phường: Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông và Điện Dương. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2030 là 200.000 người tại khu ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc và hơn 358.000 người tại thị xã Điện Bàn.

Trao đổi với Báo Quảng Nam về các giải pháp phát triển ĐTM trong giai đoạn mới, ngày 3.10, ông Nguyễn Đạt  - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, qua rà soát các quy hoạch chi tiết 1/500 tại ĐTM, nổi lên một số vấn đề lớn cần phải giải quyết cấp bách và đồng bộ.

Đến thời điểm này, khu ĐTM đã có 7 dự án cơ bản hoàn thành và chuẩn bị bàn giao là KĐT 1A quy mô 26,2ha (Công ty CP XDCT 545); KĐT 1B 21,5ha (Công ty CP ĐT&XD 501); KĐT số 3 quy mô 34,5ha (Công ty CP Vinaconex 25); KĐT An Phú Quý 6,09ha (Công ty CP Bách Đạt); KDC Thái Dương 1 quy mô 0,7ha (Công ty CP ĐT&XD Thái Dương); KĐT Đất Quảng Green City 15,5 ha và Ngân Câu - Ngân Giang 10ha (Tập đoàn Đất Quảng); với tổng diện tích xây dựng gần 115ha, chiếm xấp xỉ 14% diện tích quy hoạch phân khu ĐTM.

Ngoài ra, có 7 dự án điều chỉnh từ loại đất khai thác hỗn hợp (theo quy hoạch phân khu được duyệt) thành các loại đất ở khai thác và đất thương mại dịch vụ như KĐT Đất Quảng Riverside, KĐT số 6, 7B, Bách Đạt 6, An Phú, KĐT Phú Thịnh. Còn có nhóm các dự án điều chỉnh ranh giới quy hoạch, nhất là mở rộng ranh giới đến các khu dân cư hiện trạng để đầu tư chỉnh trang, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Nhóm này hầu như bao gồm phần lớn các dự án tại ĐTM. Việc điều chỉnh này nhằm mở rộng ranh giới đến các khu dân cư giáp dự án (cụ thể là đất chỉnh trang theo quy hoạch điều chỉnh) để cho chủ đầu tư có nghĩa vụ đầu tư chỉnh trang, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật của dự án theo Quy hoạch chi tiết 1/500 được giao với các khu dân cư tiếp giáp. Qua rà soát, các chủ đầu tư đều thống nhất và ủng hộ đưa đầu tư đồng bộ cùng dự án.

Bên cạnh đó, có khá nhiều dự án ảnh hưởng bởi cơ cấu sử dụng đất được duyệt tại quy hoạch phân khu điều chỉnh. Có một số vị trí đất ở khai thác đang nằm trên đất công cộng, đất cây xanh và đất hạ tầng kỹ thuật như KĐT Bách Đạt , dự án  7B mở rộng, KĐT Mỹ Gia, KĐT Viêm Minh - Hà Dừa giai đoạn 2 . Đơn cử, KĐT số 4 quy mô 44,41ha của Công ty CP Giao thông vận tải Quảng Nam, theo quy hoạch phân khu 1/2000 ĐTM giai đoạn 1 thì vệt đất phía bắc dự án giáp TP.Đà Nẵng bao gồm đất nghĩa trang và một đoạn Cống Tiềm. Theo quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án thì vệt trên được quy định là đất ở khai thác và đoạn Cống Tiềm với khẩu độ cống là 5m (ranh giới tỉnh Quảng Nam). Tuy nhiên, theo Biên bản làm việc giữa Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng và  tỉnh Quảng Nam, toàn tuyến Cống Tiềm được quy hoạch có khẩu độ dự kiến mở rộng từ 9 - 13m tùy vị trí, từ đó ảnh hưởng đến vệt đất khai thác ở phía bắc của KĐT số 4. Đồng thời đoạn cống đi ngang KĐT số 4 và KĐT PPT (của TP.Đà Nẵng) vẫn chưa được thống nhất về ranh giới. Từ đó, UBND tỉnh Quảng Nam cần làm việc với UBND TP.Đà Nẵng để thống nhất ranh giới hành chính, mới có cơ sở giải quyết việc chồng lấn đất ở trên đất hạ tầng kỹ thuật tại dự án này.

Vướng mắc nhiều nhất là quy hoạch hạ tầng kỹ thuật. Như về cao độ san nền, cao độ giao thông, nhất là khẩu độ cống thoát nước tại 15 dự án vẫn chưa đảm bảo thoát nước cho toàn khu vực. Đặc biệt, đến nay mới có 6 dự án có hai hệ thống thoát nước và thoát nước bẩn riêng biệt, còn lại là đi chung. Theo quy hoạch phân khu 1/2000 điều chỉnh thì hai hệ thống này phải đi riêng thành hai hệ thống thoát riêng biệt.

Tương tự, toàn ĐTM có 41 dự án có quy hoạch chi tiết 1/500 tồn tại lòng đường có độ rộng 5,5m (tỷ lệ 50%), cần điều chỉnh nâng cấp lòng đường thành 7,5m. Bên cạnh đó, nhằm từng bước xây dựng khu ĐTM trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, Điện Bàn chủ trương thiết kế “ngầm hóa” toàn bộ các hệ thống cấp điện, chiếu sáng, thông tin - viễn thông, trong khi quy hoạch phân khu chỉ “ngầm hóa” các hệ thống trên trục đường chính, các tuyến đường nội bộ đều phê duyệt là “đi nổi”.

“Nguồn vốn thực hiện đề xuất lấy từ các nguồn tiền sử dụng đất của ĐTM Điện Nam - Điện Ngọc để lại cho địa phương đầu tư hạ tầng kỹ thuật” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Đạt chia sẻ.

VĂN SANH