Khơi nguồn đầu tư đường huyện - Bài 1: “Cởi trói” cho ĐH

TRẦN CÔNG TÚ 03/10/2019 09:48

Đóng vai trò kết nối giữa mạng lưới giao thông nông thôn (GTNT) với tỉnh lộ và quốc lộ, hệ thống đường huyện (ĐH) thời gian dài làm nghẽn “mạch máu” lưu thông trong tỉnh. Đến khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 134/2014/NQ-HĐND về kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020 (Đề án 134) với một cơ chế đột phá ra đời đã “khơi nguồn” để ĐH có được diện mạo như hôm nay.    

Thi công kiên cố hóa mặt tuyến đường ĐH5.ĐG theo Đề án 134. Ảnh: CÔNG TÚ
Thi công kiên cố hóa mặt tuyến đường ĐH5.ĐG theo Đề án 134. Ảnh: CÔNG TÚ

BÀI 1: “CỞI TRÓI” CHO ĐH

Trước năm 2015, gần một nửa chiều dài ĐH theo quy hoạch chưa có mặt đường, hoặc xuống cấp trầm trọng, cấp huyện chẳng thể kham nổi kinh phí tu bổ. Đề án 134 khi đi vào thực tế đã “cởi trói” cho ĐH hàng loạt vấn đề.    

Nắng bụi, mưa bùn

Một buổi trưa tháng 12.2011, chúng tôi gặp em Nguyễn Minh Phúc cùng nhóm bạn mặc áo quần đồng phục học sinh đang đi về nhà ở xã Bình Định Nam (Thăng Bình). Quần xắn quá gối, dép nằm gọn trong giỏ xe, cứ thế các em cẩn thận dắt xe đạp lê từng bước chân trên con đường liên xã lầy lội bùn đất, trơn trợt. Chốc lát, lũ trẻ phải dừng, tấp sát vào lề cây cối mọc um tùm để nhường chỗ cho xe tải chạy qua và để lại phía sau bánh lốp to là hai rãnh sâu do nền đường bị nhão hằn lún. Dẫu đường sá quá xấu, nhưng con em Bình Định Nam đã tốt nghiệp tiểu học, muốn học lên đành chấp nhận “bươn” vì Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu đóng tại xã Bình Định Bắc lân cận. Nguyễn Minh Phúc vừa thở vừa kể, em xuất phát từ nhà lúc 5 giờ sáng, phòng khi trên đường đi học gặp sự cố gì thì đủ thời gian xoay xở. Ấy vậy mà, cậu học trò này vẫn trễ giờ, bởi xe đạp bị trượt bánh xuống rãnh sâu làm lấm lem, phải vào nhà dân gần trường xin nước rửa ráy. Nằm bờ tây quốc lộ 1, đường liên xã Bình An - Bình Nam từng một thời nham nhở do bề mặt chỉ toàn là đất, hoặc cấp phối, xe tải 2 cầu cũng không thể nào bám nỗi nên ngả nghiêng chổng bánh.

Một tuyến ĐH bị hư hỏng ở huyện Tiên Phước gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.
Một tuyến ĐH bị hư hỏng ở huyện Tiên Phước gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Cung đường Bình Trung - Bình Quế - Bình Phú trước những năm 2011 nát như tương bần, dù kết nối vào quốc lộ 1. Nhìn con đường “đau khổ” chạy qua trước nhà mình, bà Bùi Thị Tâm (trú xã Bình Quế) không khỏi ái ngại cho đứa con gái cắp sách vở đi học trường dưới tận quốc lộ 1. Bà Tâm trải lòng: “Sáng mặc áo dài trắng là thế, trưa về thì chúng đã chuyển màu vàng của bùn đất. Trẻ con vùng quê nghèo nhiều đứa bỏ học cũng vì giao thông cách trở”. Không riêng gì ở Thăng Bình, việc di chuyển giữa nội bộ các thôn trong xã diễn ra thuận lợi nhờ GTNT được kiên cố hóa bề mặt, nhưng thật nghịch lý lưu thông ra bên ngoài để tiếp cận trung tâm huyện và hệ thống quốc lộ, đường tỉnh thì cực kỳ khó khăn do ĐH quá tệ. Giữa trưa nắng gắt, dễ dàng nhìn thấy cảnh người dân tưới nước… cho đường nhằm hạn chế bụi bay mù mịt vào nhà. Ông Võ Công Phúc - Trưởng phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng (Sở GTVT) cho hay, theo Quyết định số 3520/QĐ-UBND ngày 6.11.2014, toàn tỉnh có 1.992km đường ĐH được UBND tỉnh công bố phân loại và đặt số hiệu, nhưng thực chất có đến 583km chiều dài bề mặt là cấp phối và đường đất. Các tuyến đã có mặt đường dài 1.409km, song đang bị hư hỏng 310km, quy mô thì chưa phù hợp cần phải sửa chữa nâng cấp.

Thí điểm cơ chế

Đề án 134 đặt mục tiêu từ năm 2015 đến năm 2020 kiên cố hóa 320km mặt đường các tuyến ĐH, ưu tiên các tuyến đường thiết yếu, nối đến trung tâm xã. Mặt đường được kiên cố hóa phải đảm bảo tiêu chuẩn theo các cấp đường: Đường GTNT loại A, nền đường rộng 5m, mặt đường rộng 3,5m; đường cấp VI, nền đường rộng 6,5m, mặt đường và lề gia cố rộng 5,5m (mặt đường rộng 3,5m, gia cố lề mỗi bên 1m, kết cấu gia cố lề giống kết cấu mặt đường); hoặc đường cấp V có nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m. Tải trọng xe 13 tấn, trục xe 10 tấn; kết cấu mặt đường bê tông xi măng M.300 dày 22 - 24cm hoặc bê tông nhựa. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.040 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó, đối với các huyện đồng bằng ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng), ngân sách huyện, xã 40%; đối với các huyện miền núi ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% (không bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng), ngân sách huyện, xã là 20%. Năm 2015 làm thí điểm 20km, các năm từ 2016 đến năm 2020 sẽ kiên cố hóa 60km/năm.

Đóng vai trò kết nối trung tâm hành chính huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc nối các trung tâm hành chính của các huyện lân cận với nhau, tuy nhiên chất lượng bề mặt các tuyến ĐH toàn tỉnh lúc bấy giờ lại chưa tương xứng với số lượng đang quản lý. Giao thông được ví như “mạch máu” trong cơ thể, bao gồm cả ĐH. Vậy nhưng, “tiểu mạch” ĐH bị nghẽn kéo theo bao hệ lụy. Đường sá hư hỏng khiến xe cứu thương không thể tiếp cận đưa nạn nhân đi cấp cứu cho kịp thời. Nhà nông làm ra củ khoai, hạt thóc, trồng cây keo, nuôi được con heo, con gà… rất khó tiêu thụ, hoặc bị tư thương ép giá một cách hợp lý. Trước năm 2013, huyện Thăng Bình sở hữu 17 tuyến ĐH với tổng chiều dài 178,5km; tuy nhiên chỉ có 96km mặt đường được thâm nhập nhựa hoặc bê tông xi măng, còn 82,5km là cấp phối đá dăm hư hỏng, thậm chí là đất sình lầy. Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Thăng Bình - ông Phạm Phú Hòe kể: “Gần tết rồi mà xe chở gạo cứu trợ không tài nào di chuyển được. Thấy vậy, một người dân ở Quán Gò bức xúc kêu lên “chúng tôi cần đường chứ không cần gạo”! Huyện thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân song lực bất tòng tâm vì không có kinh phí đầu tư nâng cấp, làm mới”.

Trước năm 2014, tỉnh đã đầu tư cho ĐH bằng nhiều nguồn lực, chủ yếu tập trung cho các tuyến đường ở miền núi (đường đến trung tâm xã). Riêng tại các huyện đồng bằng và trung du còn nhiều tuyến bị hư hỏng, mặt đường xuống cấp chưa được sửa chữa, nâng cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Tháng 3.2012, lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan đã ngồi lại, lắng nghe và cùng bàn bạc với Thăng Bình để tìm các giải pháp gỡ khó về hạ tầng giao thông ở địa phương này. Tỉnh thống nhất chủ trương cho huyện làm chủ đầu tư tuyến Bình An - Bình Quế; khuyến khích làm theo quy mô tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng (nền đường rộng 7,5m, mặt 5,5m), mặt đường bê tông xi măng. Đồng thời, giao cho Thăng Bình bê tông hóa một số tuyến ĐH thật sự bức xúc với cơ chế tự xây dựng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách huyện bố trí 50%. Với cơ chế “đặc biệt” này, chỉ sau 3 năm (2012 - 2014), huyện bê tông hóa 53,018km đường ĐH. Kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 46 tỷ đồng, ngân sách huyện bố trí hơn 45,8 tỷ đồng, huy động xã và nhân dân đóng góp hơn 8,1 tỷ đồng. Trên cơ sở hiện trạng, nhu cầu và kết quả thí điểm tại Thăng Bình, UBND tỉnh giao cho Sở GTVT lập Đề án kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH giai đoạn 2015 - 2020, tham mưu để trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 12 (khóa VIII) năm 2014. Và ngày 11.12.2014, HĐND tỉnh đã quyết nghị thông qua Đề án 134 để thật sự “cởi trói” cho ĐH.

Dành nguồn lực lớn để đầu tư đường huyện

Nhớ lại trước năm 2000, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng kể rằng, những người hoạch định chính sách của tỉnh đã bàn bạc về một cơ chế tài chính cho kiên cố hóa giao thông nông thôn (GTNT). Ngày 13.4.2001, UBND tỉnh có Quyết định số 19 (còn gọi Cơ chế 19) ban hành quy chế về quản lý tài chính đối với kiên cố hóa kênh mương và GTNT. Cơ chế 19 đã tạo nên “cuộc cách mạng” về bê tông hóa GTNT với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào bao phủ cả tỉnh. Do giai đoạn 2001 - 2008 phát triển “quá nóng”, lúc đó tỉnh còn hưởng trợ cấp từ ngân sách Trung ương 60 - 65%/năm nên vượt mức chi trả đối ứng. Một số địa phương địa bàn rộng, nhiều khu vực nhà thưa thớt, mức sống còn thấp, địa hình khó khăn...  đã không thể làm được. Sau này, ngân sách tỉnh khá dần lên, việc đầu tư dễ dàng hơn nên các đề án phát triển GTNT theo Nghị quyết số 143 (giai đoạn 2010 - 2015) và Nghị quyết số 159 (giai đoạn 2016 - 2020) lần lượt ra đời. Ngoài quốc lộ do Trung ương đầu tư, tỉnh quyết định nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường tỉnh (ĐT) huyết mạch; tuyến nào chưa có điều kiện mở rộng được thì thảm nhựa mặt đường nhằm tạo hệ thống giao thông liên hoàn. Tuy nhiên, ĐH lại là điểm yếu trong bức tranh chung. Chính vì vậy, tỉnh đã quyết định dành nguồn lực hỗ trợ cấp huyện “khơi mở” và thực tế nhận được sự đồng thuận rất cao từ nhân dân và cán bộ địa phương. 

TRẦN CÔNG TÚ