Nói lại cho rõ về Grab
Cần phải giải thích cho rõ trước nhiều luồng thông tin cho rằng, xe Grab (vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng điện tử) bị “đì” hoặc rơi vào cảnh “quản không được thì cấm” tại địa bàn Quảng Nam.
Ngày 19.10.2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Văn bản số 1850/TTg-KTN chỉ đạo về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Thủ tướng đồng ý giao cho Bộ GTVT thí điểm, trong đó có việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Thời gian thí điểm 2 năm. Ngày 7.1.2016, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại 5 địa phương được Chính phủ cho phép. Tiếp theo đó, ngày 23.2.2018, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1755/VPCP-CN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc đồng ý kéo dài thời gian thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1850/TTg-KTN cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực thi hành.
Đến thời điểm này, dự thảo nghị định đang quá trình sửa đổi, bổ sung. Như vậy, Grab phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và quyết định của Bộ GTVT. Phạm vi thí điểm nằm trên địa bàn của 5 địa phương vừa nêu. Tuy nhiên, qua phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, xe buýt hay hợp đồng khác, tài xế chạy xe Grab cố tình đón khách tại Quảng Nam. Thậm chí, họ còn ngang nhiên đậu đỗ tại Hội An, sân bay Chu Lai để đón, mồi chài, tranh giành khách, kể cả với taxi, trong khi bản thân chỉ được đón khách qua phần mềm. Rõ ràng, tài xế ô tô Grab đã cố tình hoạt động tại Quảng Nam, chứ không phải là đón khách chạy từ Đà Nẵng nhưng vào địa phận Quảng Nam thì bị “tuýt còi” như từng bao biện. Hành động đó vi phạm quy định của pháp luật, vì vậy bị cấm là đương nhiên chứ không phải “quản không được thì cấm”.
Ngày 4.9, Bộ GTVT đã có Văn bản số 8356/BGTVT-VT yêu cầu Công ty TNHH Grab phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định của pháp luật hiện hành; không được triển khai thực hiện hợp đồng điện tử tại Quảng Nam. Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh thì cho biết, việc quản lý, xử lý dịch vụ này đang gặp nhiều rào cản, đặc biệt là khung pháp lý. Còn một người bạn của Sáu Còi kể rằng, anh có đứa cháu chạy Grab tại Đà Nẵng. Nó chỉ “ấn nút” với trường hợp chạy cự ly xa cho đỡ phải tốn công, lại có nhiều tiền. Có thể nói, tiện ích của Grab dành cho khách hàng là không thể chối bỏ. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, lành mạnh trong môi trường kinh doanh, đồng thời phát huy hiệu quả tiện ích trên thì rất cần có một khung pháp lý căn cơ. Cho nên, hãy cùng chờ cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) ra đời.