Ngổn ngang hậu cao tốc
Hậu thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, địa bàn huyện Núi Thành còn ngổn ngang với rất nhiều hạng mục gây ảnh hưởng đến sản xuất, đi lại và đời sống dân sinh nhưng không được quan tâm giải quyết dứt điểm.
“Nợ” đường sá, cống chui
Theo đại diện UBND xã Tam Xuân 2 (Núi Thành), ở hầu hết cống chui trên toàn tuyến qua địa bàn, mặt đường trong cống thấp hơn mặt đường bê tông xi măng hiện hữu khớp nối, dẫn đến tình trạng ứ đọng nước, lầy lội, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Địa phương đã đề nghị nhiều lần nhưng chủ đầu tư chưa khắc phục. Không riêng gì Tam Xuân 2, nhiều cống chui dân sinh tại các xã Tam Xuân 1, Tam Anh Nam, Tam Nghĩa mỗi khi mưa là ngập nước gây ô nhiễm môi trường, khiến lưu thông của người dân gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Sau khi xây dựng đường gom trên địa bàn xã Tam Nghĩa, vị trí các cống qua đường gom nối với các cống qua đường cao tốc có kích thước, đường kính rất nhỏ so với cống qua đường cao tốc, lãnh đạo địa phương khẳng định chắc chắn vào mùa mưa sẽ làm ngập vùng thượng lưu và bồi lấp vùng hạ lưu. Với xã Tam Hiệp, cống qua đường dân sinh cách nhà ông Điềm về phía Bắc khoảng 150m có khẩu độ nhỏ, không đảm bảo tiêu nước. Tại xã Tam Mỹ Tây, cửa cống thoát nước bên phải tuyến thuộc vị trí trại ông Sơn, do không có mương dẫn thoát khiến nước chảy thẳng ra ruộng.
Thời gian qua, Quảng Nam liên tục kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) yêu cầu nhà thầu khẩn trương hoàn trả các tuyến đường địa phương được đơn vị thi công mượn làm đường công vụ vận chuyển máy móc thiết bị, nguyên vật liệu vào công trường. Tuy nhiên, nhà thầu cứ hẹn lần hẹn lữa mà chưa thực hiện hoàn trả các trục giao thông qua Núi Thành (đơn cử như tuyến ĐT617, ĐH7.NT). Cộng thêm đó, nhiều đường gom vẫn chờ thi công. Có tuyến, nhà thầu làm không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, chưa phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, bề mặt đường gom đoạn km78+450-km79+700 (xã Tam Anh Nam) nằm bên phải tuyến cao tốc rộng chỉ 2m, không đủ để xe ô tô vào khai thác, vận chuyển lâm sản tại khu vực phía tây dự án.
Tại xã Tam Nghĩa, đường gom lý trình km92+042 chưa được lu lèn, nền đường gồ ghề, cấp phối không đầy đủ. Do vậy, địa phương đề nghị kiểm tra việc xây dựng theo bản vẽ thiết kế và chất lượng đối với công trình này. Cạnh đó, giữa đường gom nêu trên với giao thông nội đồng vẫn còn khoảng 30m cần được thi công để khớp nối. UBND xã đã phối hợp cùng đại diện VEC (Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) và nhà thầu tiến hành khảo sát, có biên bản thống nhất bổ sung nhưng đến nay chưa thực hiện.
Ngổn ngang nhiều hạng mục
Điều đáng lo ngại đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là hàng rào bảo vệ công trình lắp đặt chưa xong. Nếu có gia súc, gia cầm “thâm nhập” làn đường chính, phương tiện đang chạy với tốc độ tối đa lên tới 120km/giờ sẽ gặp nguy hiểm. Thực trạng vừa nêu đang tồn tại qua địa bàn huyện Núi Thành, khi nhiều vị trí còn trống hàng rào bảo vệ. Bên cạnh đường giao thông, nhiều hạng mục tại Núi Thành chưa được VEC, nhà thầu quan tâm giải quyết đúng mức và hết trách nhiệm khiến nhân dân bức xúc. Thông xe toàn tuyến gần một năm, song chuyện hoàn trả một số tuyến kênh mương phục vụ sản xuất ở xã Tam Mỹ Đông còn dang sở. Mặc dù đã hết hạn hợp đồng, nhưng các nhà thầu thuê đất để thi công dự án qua địa bàn xã Tam Anh Bắc vẫn chưa thu dọn tài sản, hoàn trả mặt bằng khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng mỹ quan chung. Các địa phương cũng đang đau đầu với việc quản lý hành lang tuyến, do VEC chưa cắm mốc hành lang an toàn và bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Một điểm trừ khác của hậu cao tốc, đó chính là khâu bồi thường, hỗ trợ rung nứt nhà; giải quyết đất bồi lấp ruộng, đất màu, sân vườn chậm triển khai, hoặc chây ỳ thực hiện. Đơn cử, nhà thầu hứa hỗ trợ một số hộ dân của xã Tam Xuân 1 có diện tích đất bị bồi lấp trong quá trình thi công tại cầu giáp ranh với xã Tam Ngọc (Tam Kỳ) nhưng không giữ lời. Nhiều chân ruộng, đất hoa màu, sân vườn bị đất, đá, cát tràn vào khiến người dân không sản xuất được, thậm chí khó có thể khắc phục nguyên trạng song chưa được hỗ trợ mùa vụ, sửa sang hoặc có phương án thu hồi.
Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Trương Văn Trung đề nghị Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sớm bố trí nguồn kinh phí để thực hiện bồi thường một số đoạn tuyến đường gom phát sinh với số tiền khoảng hơn 4,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sau khi xây dựng hàng rào bảo vệ hành lang tuyến, lối đi vào các khu nghĩa địa tộc họ bị bịt kín. Chính vì vậy, cần mở lối đi an toàn để tạo điều kiện cho nhân dân thăm viếng mồ mả. Nhà thầu cần khẩn trương gia cố hạ lưu, cắm mốc hành lang tuyến và bàn giao mốc cho UBND cấp xã biết để quản lý. Ngoài ra, đọng nước trong cống chui dân sinh và nhiều tồn tại khác cần phải sớm được VEC, nhà thầu giải quyết thấu đáo nhằm ổn định đời sống, đi lại và sản xuất của người dân.