Chủ đầu tư cao tốc "nợ" địa phương nhiều hạng mục

CÔNG TÚ 20/08/2019 10:34

(QNO) - Ngày 15.8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, đại diện các sở ngành và địa phương liên quan đã làm việc với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cùng các cơ quan của bộ, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về giải quyết những tồn tại của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn Quảng Nam.

Hậu thi công cao tốc còn nhiều tồn tại chưa giải quyết xong. Ảnh: C.T
Hậu thi công cao tốc còn nhiều tồn tại chưa giải quyết xong. Ảnh: C.T

Tồn tại kéo dài

Công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đầu tư và thông xe từ tháng 8.2017 (đoạn tuyến vốn JICA) và toàn tuyến vào tháng 9.2018. Tuy nhiên, hiện nay dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua tỉnh Quảng Nam còn một số tồn tại, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Trong thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và UBND tỉnh đã rất nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT, VEC nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Tại cuộc làm việc, UBND tỉnh nêu rõ những tồn tại, vướng mắc chính của dự án. Đó là, các đoạn tuyến vuốt nối nút giao Hà Lam với quốc lộ (QL) 14E và nút giao Tam Kỳ với QL40B, có chiều dài mỗi đoạn tuyến khoảng 300m, chưa triển khai thi công theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, gây mất an toàn giao thông. Lý do, mỗi đoạn tuyến này còn vướng một vài hộ dân chưa đồng thuận, chưa bàn giao mặt bằng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo VEC giải quyết dứt điểm tồn tại của dự án cao tốc. Ảnh: C.T
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo VEC giải quyết dứt điểm tồn tại của dự án cao tốc. Ảnh: C.T

Kiến nghị liên quan đến hoàn trả đường địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, đoạn vốn JICA mới thực hiện xong 9/13 tuyến, 4 tuyến còn lại gồm tuyến ĐT611 đã hoàn chỉnh các thủ tục, thống nhất giải pháp và phạm vi xử lý với địa phương nhưng chưa triển khai thực hiện; 3 tuyến đường ĐH1.DX, ĐH8.DX và ĐH9.DX tại Duy Xuyên đang thi công dở dang và dừng triển khai hơn 1 năm rồi. Thuộc đoạn vốn WB, tuyến ĐT617 và 11 tuyến đường địa phương qua Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành chưa hoàn trả.

Theo báo cáo của VEC, chủ đầu tư và nhà thầu còn “nợ” khoảng 24 đoạn tuyến đường ngang, đường gom đang thi công dở dang hoặc chưa triển khai do vướng giải phóng mặt bằng, dân cản trở, địa phương đề nghị điều chỉnh kết cấu… Tuy nhiên, các địa phương báo cáo còn khoảng 50 đoạn tuyến làm dở dang hoặc chưa triển khai. Như vậy, con số của VEC và địa phương có độ vênh nhau.

Trong khi đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo và tỉnh đề nghị nhiều lần, song chủ đầu tư thực hiện chưa xong việc cắm mốc hành lang an toàn đường bộ của đường cao tốc để bàn giao cho địa phương quản lý. Các tuyến, đoạn tuyến đường gom, đường ngang qua đường cao tốc đã xây dựng hoàn thành, VEC cũng chưa bàn giao hồ sơ cho địa phương quản lý.

Bất ổn dân sinh

Tại cuộc họp, UBND tỉnh có ý kiến về dòng chảy lũ sông Thu Bồn và các phân lưu qua các cầu LRB06 (xã Điện Thọ) và đoạn mố A2 cầu Kỳ Lam (xã Điện Quang) thuộc thị xã Điện Bàn chảy xiết, nguy cơ xói lở và ảnh hưởng đến an toàn của nhân dân trong khu vực. Hiện nay, thị xã đang hoàn chỉnh các thủ tục bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ giải tỏa trắng để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công trong quý IV năm 2019 triển khai xây dựng các hạng mục gia cố, chống sạt lở đã được Bộ GTVT thống nhất chủ trương và có hồ sơ thiết kế được duyệt.

Không thuộc diện giải tỏa, 6 hộ dân nằm ở hạ lưu cầu LRB06 và 36 trường hợp hạ lưu mố A2 cầu Kỳ Lam lại chịu ảnh hưởng bởi dòng chảy lũ. UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư tổ chức kiểm tra, đánh giá tác động môi trường thực tế của dự án, khẳng định rõ phạm vi tác động, ảnh hưởng của dự án để địa phương có cơ sở trả lời kiến nghị của cử tri hoặc tổ chức lập phương án hỗ trợ gia cố tường rào chắn lũ cho nhân dân.  

Còn khoảng 6km hàng rào bảo vệ qua địa bàn tỉnh chưa lắp đặt. Ảnh: C.T
Còn khoảng 6km hàng rào bảo vệ qua địa bàn tỉnh chưa lắp đặt. Ảnh: C.T

Trên cao tốc đoạn qua Quảng Nam còn khoảng 6km hàng rào bảo vệ chưa lắp đặt, tiềm ẩn tai nạn giao thông. Nguyên nhân chưa lắp đặt, bên cạnh do một số hộ dân chưa đồng tình, còn đó một số yêu cầu của người dân chưa được chủ đầu tư và nhà thầu phối hợp giải quyết như làm thêm đường gom, phục vụ đi lại sản xuất do đường cao tốc ngăn cách, bồi thường đất sạt lở, bồi lấp ruộng, giải quyết hỗ trợ rung nứt nhà. Các địa phương cũng đề nghị dịch chuyển khoảng 3,3km hàng rào bảo vệ để có lối đi lại phục vụ sản xuất nhưng chưa được chủ đầu tư dự án giải quyết.

Ngoài ra, khoảng 15 cống chui dân sinh có cao độ thấp hơn đường vào cống nên thường xuyên gây ngập úng và bồi lấp đất trong lòng cống, ảnh hưởng đến việc đi lại và môi trường. Hệ thống kênh mương thủy lợi cũng gặp vấn đề, khi một số đoạn nằm trong hàng rào bảo vệ đường cao tốc không có lối vào để nhân dân tiếp cận, thực hiện nạo vét, duy trì hoạt động tưới tiêu thủy lợi; một số nội dung về hoàn trả, gia cố, bổ sung kênh mương thủy lợi, song chủ đầu tư chưa phối hợp với địa phương kiểm tra, giải quyết. Trong khi đó, nhiều vị trí bồi lấp đất ruộng, ảnh hưởng đất sản xuất của nhân dân ở các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành chưa được khắc phục.

Phải giải quyết dứt điểm

Quảng Nam đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, tổ chức họp với Bộ GTVT, UBND tỉnh và VEC để thống nhất phương án giải quyết và chỉ đạo chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, các nhà thầu thi công tập trung phối hợp với các địa phương kiểm tra, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc của dự án trong năm 2019. Có như vậy, vấn đề sinh hoạt, sản xuất của nhân dân mới được ổn định và đảm bảo an toàn cho người, phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc, tránh tình trạng người dân gửi đơn kiến nghị, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài. Duy Xuyên cảnh báo nếu không hoàn trả xong các tuyến đường đang thi công dở dang, người dân bị ảnh hưởng đang bức xúc kéo dài dẫn đến có hành động không tốt. 

Thứ trưởng Lê Đình Thọ quyết liệt chỉ đạo VEC tập trung tháo gỡ xong các vướng mắc. Ảnh: C.T
Thứ trưởng Lê Đình Thọ quyết liệt chỉ đạo VEC tập trung tháo gỡ xong các vướng mắc. Ảnh: C.T

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT, VEC và tỉnh đã thống nhất hướng giải quyết nhiều tồn tại, vướng mắc về thi công đoạn vuốt nối giữa cao tốc với QL40B và 14E. Với trường hợp 6 hộ dân nằm ở hạ lưu cầu LRB06 và 36 trường hợp hạ lưu mố A2 cầu Kỳ Lam lại chịu ảnh hưởng bởi dòng chảy lũ, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đồng ý tổ chức kiểm tra, đánh giá tác động môi trường thực tế của dự án, khẳng định rõ phạm vi tác động, ảnh hưởng của dự án nhằm có cơ sở trả lời kiến nghị của cử tri hoặc tổ chức lập phương án hỗ trợ liên quan.

Vấn đề “nóng” tại cuộc họp là việc xác định đối tượng hoàn trả đường địa phương liên quan chuyện thủ tục pháp lý, dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau giữa chủ đầu tư, nhà thầu (kể cả đổ lỗi địa phương). Để tháo gỡ thực trạng này, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị VEC phối hợp với địa phương rà soát, công bố đường nào do VEC chịu trách nhiệm, đường nào nhà thầu phải hoàn trả. Nếu đã đủ cơ sở pháp lý phải làm nhanh nhất có thể, chưa đủ thì củng cố cho đủ để thi công hoàn trả. VEC cũng cam kết sẽ đôn đốc nhà thầu làm nhanh và sẽ giữ tiền của nhà thầu cho đến lúc thực hiện xong cam kết…

CÔNG TÚ