Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Chưa triển khai rộng rãi
Để chống thất thoát tài nguyên thiên nhiên, từ năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 22 quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản (KTKS) nhưng nhiều địa phương trong cả nước (trong đó có Quảng Nam) vẫn chậm thực hiện so với kế hoạch được duyệt.
Cần công khai, minh bạch
Đầu năm 2019, Hội đồng bán đấu giá quyền khai thác khoáng sản huyện Hiệp Đức tổ chức bán đấu giá quyền KTKS cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại bãi Bến Phà cũ, thôn 1 (xã Quế Bình), với tổng diện tích đưa ra đấu giá hơn 5,6ha.
Theo Phòng TN&MT huyện Hiệp Đức, khu vực này chưa thăm dò khoáng sản nên giá khởi điểm phiên đấu giá được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền KTKS quy định tại Phụ lục II, Nghị định số 158, năm 2016 của Chính phủ.
Tuy các quy trình đấu giá như thông báo địa điểm, thời gian đấu giá, tổ chức bán hồ sơ triển khai công bố... nhưng không phải tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào cũng được tạo điều kiện tham gia đấu giá. Tuy nhiên, cũng có nhiều khu vực khoáng sản đã được đem ra đấu giá thành công, làm lợi cho ngân sách một khoản thu không nhỏ.
Mới đây, Hội đồng đấu giá quyền KTKS tỉnh phối hợp với Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh tổ chức đấu giá thành công quyền KTKS đối với khu vực khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng tại thôn 5, xã Ba (Đông Giang).
Nhiều địa điểm đấu giá quyền KTKS nhỏ lẻ, được chính quyền tỉnh ủy quyền cho các huyện miền núi. Sau khi được UBND tỉnh ủy quyền, số lượng các điểm tổ chức đấu giá thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đơn cử, đến nay chỉ có huyện Phước Sơn đấu giá thành công 1 khu vực đá, Nam Trà My 1 khu vực đá và Thăng Bình 1 khu vực đất san lấp. Trong khi đó, Quảng Nam có hàng trăm mỏ khoáng sản các loại phân bố tập trung và nằm rải rác.
Theo thống kê của Sở TN&MT, đến nay UBND tỉnh ban hành 265 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền KTKS (phần lớn đều không thông qua hình thức đấu giá) với tổng số tiền phê duyệt hơn 283 tỷ đồng. Giai đoạn 2014 - 2018 chỉ thu hơn 185 tỷ đồng tiền KTKS.
Đấu giá quyền KTKS ở một số huyện miền núi không thành công do trong quá trình đấu giá đã không thu hút đủ số hồ sơ tham gia đấu giá; doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính theo quy định (vốn chủ sở hữu lớn hơn hoặc bằng 50 tỷ đồng)…
Theo quy định hiện hành, chỉ có các kế hoạch đấu giá là được công bố, còn các quyết định đưa vào khu vực không đấu giá thì không bắt buộc phải công bố. Điều này khiến nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không tiếp cận được hồ sơ, thông tin đấu giá quyền KTKS.
Cục Kinh tế địa chất khoáng sản (Bộ TN&MT) thống kê, trong số hàng chục nghìn mỏ khoáng sản của cả nước, đến nay chỉ có khoảng 300 mỏ khoáng sản (tổng giá trị 585 tỷ đồng) đã được đấu giá thành công.
Còn nhiều bất cập
Tại hội nghị đánh giá thực hiện Nghị định số 22 của Chính phủ về công tác đấu giá quyền KTKS do Bộ TN&MT tổ chức vừa qua, ông Ngô Văn Minh - Cục trưởng Cục Kinh tế địa chất khoáng sản cho biết, thông qua hình thức đấu giá quyền KTKS, các tổ chức, cá nhân có năng lực về tài chính, công nghệ cũng như có kinh nghiệm trong hoạt động khoáng sản đã được lựa chọn, góp phần phát triển bền vững nền công nghiệp khai khoáng. Mức thu tiền cấp quyền KTKS tăng từ 10 - 135% so với giá khởi điểm, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập về quản lý nhà nước trong việc triển khai Luật Khoáng sản 2010. Cụ thể, kết quả đấu giá quyền KTKS đạt chưa tương xứng với tiềm năng, quy định của pháp luật về đấu giá chưa phù hợp với thực tiễn.
Cục Kinh tế địa chất khoáng sản cho biết, 5 năm qua, số lượng khu vực khoáng sản đưa ra đấu giá chỉ đạt 52,23% kế hoạch phê duyệt. Chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (đạt 31,7%) tổ chức đấu giá quyền KTKS thành công. Một số địa phương mới chỉ dừng ở mức thí điểm như Hà Nội, Hà Nam, An Giang, Quảng Ninh, Ninh Thuận.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ TN&MT) cho rằng, một số điều khoản về đấu giá quyền KTKS tại Nghị định số 22 cần được sửa đổi cho phù hợp với Luật Đấu giá tài sản năm 2016 theo hướng những nội dung được quy định trong Luật Đấu giá sẽ không quy định tại nghị định sửa đổi, bổ sung. Thêm nữa, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh một số khoản quy định tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 nhằm có cơ chế thu hồi đất đối với các dự án KTKS đấu giá thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh…