Chuyển biến của vùng đông Thăng Bình
Các dự án trọng điểm đã và đang đầu tư ở vùng đông Thăng Bình mở ra cơ hội thay da đổi thịt cho vùng cát trắng. Đời sống của người dân cũng chuyển biến mạnh mẽ khi các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ ngày càng phát triển.
Khơi thông tiềm năng
Từ khi Vinpearl Nam Hội An đưa vào hoạt động, người dân xã Bình Dương và Bình Minh (Thăng Bình) dần quen với nếp sống đô thị khi đường sá khang trang, khách sạn mọc lên, homestay cũng manh nha hình thành... Khách trong và ngoài nước nườm nượp kéo đến tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng ở cả khu vực trung tâm lẫn vùng lân cận, các khu vực làng nghề. Ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho biết, cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng du lịch - dịch vụ - thương mại. Riêng ở Vinpearl Nam Hội An đã thu hút xấp xỉ 500 lao động địa phương vào làm việc với nguồn thu nhập hơn 10 triệu đồng/người/tháng. So với các nghề làm nông, đánh bắt hải sản ven bờ trước đây thì nguồn thu nhập đó là khá cao. Nhờ hạ tầng được đầu tư khang trang, các tiềm năng về du lịch ở xã Bình Dương như làng nghề sản xuất nước mắm Cửa Khe, biển Bình Dương, phát triển du lịch đường sông Trường Giang, du lịch sinh thái làng quê được đánh thức. Các dịch vụ nhà hàng ven biển, phục vụ nghỉ dưỡng cũng đã đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân...
Nhờ được nâng cấp, sửa chữa nên quốc lộ 14E nối trung tâm xã Bình Minh với thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) trở nên sôi động, phương tiện nối hàng nhộn nhịp lại qua. Ở thôn Hà Bình (Bình Minh), một số khách sạn đã mọc lên thay thế cho các nhà nghỉ quy mô nhỏ. Trước đây, khách du lịch đến với Bình Minh chủ yếu tham quan tự do thì nay đã có nhiều tour kết nối, các đơn vị lữ hành của TP.Đà Nẵng, TP.Hội An tổ chức đưa khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu nhiều địa điểm của xã. Khách đến Bình Minh trước đây phần lớn là nhỏ lẻ do thiếu sản phẩm, thiếu chỗ nghỉ dưỡng, điều kiện mua sắm còn thiếu thốn, tình trạng này đã dần được cải thiện. “Du lịch ở Bình Minh đã chuyển biến khi khách đến tham quan các bãi biển kết hợp với khám phá đời sống của ngư dân, chiêm ngưỡng loại hình văn hóa hát múa bả trạo và nghỉ ngơi ở khách sạn ưng ý. Bên cạnh các dãy hàng tạp hóa lớn, loại hình siêu thị mini đã được đầu tư ở Bình Minh, phục vụ mua sắm ngày càng nhộn nhịp” - ông Phan Phước Đồng, Chủ tịch UBND xã Bình Minh nói.
Gỡ vướng để phát triển
Theo ông Phan Phước Đồng, hiện nay nhiều dự án lớn đã có chủ trương đầu tư trên địa bàn, tiêu biểu như Khu phức hợp nghỉ dưỡng quốc tế An Thịnh - PPC, Làng biển nhiệt đới... Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển đô thị và chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng du lịch, dịch vụ, thương mại. Tuy nhiên, các dự án trên triển khai chậm do vướng mặt bằng, phương án giải tỏa, bồi thường chưa tạo được đồng thuận trong nhân dân. Quy hoạch chung đô thị Bình Minh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã có chủ trương thống nhất của UBND tỉnh nhưng chưa được phê duyệt, cần hoàn chỉnh thêm. Bởi vậy, một số khu vực như bãi tắm Bình Minh, các dự án du lịch nhỏ của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn chưa được cấp phép do yêu cầu phải khớp nối với quy hoạch chung phát triển đô thị Bình Minh. “Một mặt chúng tôi quản lý chặt hiện trạng, đất đai, không để người dân xây dựng, trồng trọt ở các khu vực dự án đã công bố quy hoạch. Mặt khác, mong các cơ quan nhà nước khẩn trương thông qua quy hoạch chung phát triển đô thị Bình Minh để người dân có thể đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ. Các doanh nghiệp có dự án lớn cần triển khai nhanh giúp địa phương có điều kiện phát triển tốt hơn trong thời gian đến” - ông Đồng nói.
“Các cơ quan, đơn vị cần nhanh chóng đốc thúc các nhà đầu tư sớm triển khai dự án đã quy hoạch chi tiết 1/500 ở vùng đông Thăng Bình. Các chủ đầu tư dự án cần hỗ trợ kinh phí để xây dựng các trường mẫu giáo, tiểu học, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi cho trẻ em tại các khu tái định cư theo cam kết. Các hạng mục hạ tầng thiết yếu cũng cần các nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện phục vụ người dân ở khu vực tái định cư”.(Bí thư Tỉnh ủy - Phan Việt Cường)
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại, khá nhiều hộ dân xin phép UBND xã Bình Dương đầu tư homestay để phục vụ du lịch, nhiều nhất là khu vực ven biển nhưng không được chấp thuận. Nguyên nhân là trên địa bàn hiện có rất nhiều dự án đã công bố quy hoạch nhưng chậm triển khai từ nhiều năm nay. Trong số đó, dự án khu tái định cư ven biển đã công bố quy hoạch, chậm triển khai rồi điều chỉnh quy hoạch, chưa cắm mốc thực địa khiến cho sinh hoạt của người dân trong vùng dự án rất khó khăn. Hiện tại, áp lực dồn lên người dân ở các khu vực dự án khi họ chưa được bố trí tái định cư hoặc khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương chưa hoàn thiện hạ tầng điện, nước. Ông Phan Thanh Vân cho biết, nhờ tác động của phát triển du lịch, người dân xin phép đầu tư nhà hàng, hàng quán, homestay ở khu vực ven biển để phục vụ du khách. Do dự án khu tái định cư ven biển bao quát hết phạm vi nên địa phương không thể. “Chúng tôi không để người dân xây dựng trái phép trong vùng dự án là đúng nhưng người dân chịu thiệt vì không có điều kiện tạo sinh kế, tăng thu nhập. Bởi vậy, mong các chủ đầu tư triển khai dự án, bố trí tái định cư để người dân có thể đầu tư cho hoạt động du lịch cũng như ổn định cuộc sống” - ông Vân nói.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy - Phan Việt Cường cho rằng, các địa phương ở vùng đông Thăng Bình có thêm động lực mới từ sự đầu tư của các dự án trọng điểm. Tỉnh đang tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, nối vùng đông Thăng Bình với sân bay Chu Lai (Núi Thành), tạo đà phát triển. Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai sớm điều chỉnh quy hoạch dự án khu tái định cư ven biển (228ha), công bố quy hoạch, cắm mốc thực địa, cung cấp hồ sơ pháp lý để xã Bình Dương quản lý tốt quy hoạch, đất đai, hiện trạng. Các đơn vị liên quan cần khẩn trương triển khai giai đoạn 2 dự án khu tái định cư trung tâm xã Bình Dương để ổn định đời sống người dân.