Thi công đường nối từ ven biển lên cao tốc: Vẫn vướng mặt bằng

CÔNG TÚ 26/03/2019 07:23

Qua Thăng Bình, ách tắc mặt bằng xây dựng các dự án đường nối từ ven biển xã Bình Minh lên gần nút giao cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (xã Bình Quý) vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhà thầu thi công đoạn nối đường dẫn cầu Trường Giang nhờ mặt bằng hanh thông từ trước. Ảnh: C.TÚ
Nhà thầu thi công đoạn nối đường dẫn cầu Trường Giang nhờ mặt bằng hanh thông từ trước. Ảnh: C.TÚ

Nghẽn dai dẳng

Hiện nay thời tiết rất thuận lợi để thi công công trình, nhưng nhiều vị trí thi công thuộc các dự án đường liên hoàn từ ven biển xã Bình Minh, hướng lên các xã Bình Đào, Bình Triều, Bình Phục, thị trấn Hà Lam và xã Bình Quý vẫn chưa rục rịch. Ven biển xã Bình Minh, sau khi công nhân lái xe ủi qua một đoạn tuyến thuộc dự án rừng trồng phòng hộ ven biển đành phải dừng lại do bị “nghẽn” 8 hộ chưa đồng thuận nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Vướng mắc này khiến dự án bổ sung, thuộc đoạn nối từ ven biển xã Bình Minh lên giáp đường 129 (dài 1,63km) chưa thể thi công đoạn 500m còn lại.

Ở phía trên, dự án đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến quốc lộ (QL) 1 tại ngã ba Cây Cốc dài 6,7km bị “nghẽn” mặt bằng dai dẳng tại các xã Bình Đào, Bình Phục và thị trấn Hà Lam. Kỹ sư Nguyễn Đình Phong - Phó Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (đại diện chủ đầu tư) cho hay, dự án hiện chưa thể khai thông tổng cộng 550m chiều dài công địa. Đó là đoạn 300m qua xã Bình Đào phải tái định cư cho 16 hộ và 1 nhà thờ tộc, 100m thuộc vị trí nhà ông Đoàn Thế Mỹ (xã Bình Phục) án ngữ một phần lòng đường, 150m không thể thi công khu vực nút giao với QL1 do một số hộ dân chưa đồng thuận bàn giao.     

Tiếp tục hướng tây, đường nối QL1 tại ngã ba Cây Cốc đến nút giao đường cao tốc với QL14E dài 3,8km cũng thi công dở dang phần mặt đường. Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh - ông Nguyễn Hữu Hòa lý giải, thống kê trên toàn đoạn tuyến có 159 hộ bị ảnh hưởng nứt nhà trong quá trình thực hiện công trình. Tuy nhiên, 25 hộ đang cư trú tại Hà Lam và Bình Quý không chịu nhận tiền bồi thường vì cho rằng giá thấp và cản trở nhà thầu thảm bê tông nhựa lớp 2 qua trước mặt nhà mình. Vì vậy trên thực địa, cung đường bị nham nhở tại một số vị trí do chưa được thảm bê tông nhựa lớp 2.  

Cần nỗ lực lớn hơn

Vấn đề đặt ra cần có lời giải đáp thỏa đáng là 134 hộ dân nhận tiền bồi thường nứt nhà, tại sao 25 hộ còn lại chưa chịu và cản trở không cho làm dù chỉ là thảm bê tông nhựa lớp 2? Đối với đoạn từ ven biển Bình Minh lên giáp đường 129, một hộ dân đòi hỏi phải hỗ trợ đời sống bằng với mức của hộ dân khác không thuộc dự án. Trong khi đó, diện tích rừng sản xuất của hộ này chỉ bị ảnh hưởng hơn 18%, chưa kể cây trồng bị ảnh hưởng đã được bồi thường. Theo ông Nguyễn Đình Chi - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Thăng Bình, trong tuần này lãnh đạo đơn vị sẽ làm việc trực tiếp với 8 hộ dân Bình Minh để họ ký cam kết về việc nhận tiền và bàn giao mặt bằng, người có trách nhiệm mới nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang đi chỉnh lý.     

Ách tắc mặt bằng thực hiện đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn đến QL1 tại ngã ba Cây Cốc đã kéo dài hàng năm trời, chủ yếu nằm tại hộ bà Nuôi ngay khu vực nút giao, thuộc vị trí liên thông các dự án. Ông Nguyễn Đình Chi cho hay, đơn vị đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh, Công an huyện và Phòng TN-MT huyện Thăng Bình. Phòng TN-MT sẽ giám định lại hồ sơ, trình Chủ tịch UBND huyện ký ban hành quyết định cưỡng chế. Địa phương cũng đang tiếp tục lập phương án bố trí tái định cư cho các gia đình bị giải tỏa trắng tại Bình Đào. Về hướng tháo gỡ hộ ông Đoàn Thế Mỹ, ông Nguyễn Đình Chi cho biết đang chờ UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện, trên cơ sở đó mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu của gia đình tại lô tái định cư mới bố trí (thu  tiền 100%).

Vào năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh ra hạn định trước ngày 30.4.2018 phải hoàn thành, đưa công trình đường nối đường 129 với QL1 vào khai thác. Vậy nhưng, ách tắc mặt bằng kéo dài triền miên, kể cả dự án nối tiếp từ ngã ba Cây Cốc hướng tây khiến thiết bị thi công của nhà thầu thường xuyên rơi vào cảnh “đắp chiếu”. Ông Nguyễn Hữu Hòa kiến nghị huyện Thăng Bình cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để tháo gỡ. Bởi đây là cung đường rất quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời còn chia sẻ lưu lượng phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông trên QL14E, đoạn từ ven biển xã Bình Minh lên ngã tư Hà Lam hiện trạng quá chật hẹp, xuống cấp. Cũng vì tính cấp thiết đó, UBND tỉnh mới quyết định đầu tư bằng nguồn vượt thu và cải cách tiền lương.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ