Gập ghềnh quốc lộ 14H
Từ ngày “lên đời”, quốc lộ (QL) 14H chưa có chuyển biến, hiện trạng hạ tầng vẫn còn nhiều đoạn yếu kém, không ít điểm đen tiềm ẩn tai nạn giao thông.
QL14H qua xã Duy Trinh (Duy Xuyên) xuống cấp nghiêm trọng bên trái tuyến. Ảnh: K.K |
Cung đường chiến lược
Ngày 4.10.2017, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 2823/QĐ-BGTVT về việc thành lập QL14H. Đến ngày 12.12.2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1735/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung QL14H vào Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình, Sở GTVT - ông Trần Ngọc Thanh cho hay, tuyến đường này dài 73,5km bắt đầu từ cảng Cửa Đại (Hội An) theo ĐT603B, nhập ĐT608 qua cầu Phước Trạch, đến bến cá Thanh Hà qua sông đến xã Cẩm Kim, nhập ĐH3.DX thuộc xã Duy Phước (Duy Xuyên), lên thị trấn Nam Phước, rẽ phải ra ngã ba Nam Phước rồi rẽ trái hướng theo ĐT610 đến Nông Sơn, qua cầu Nông Sơn và nhập ĐH2.NS, giáp đường Trường Sơn Đông. Trục giao thông này mang tầm chiến lược, vừa phục vụ lưu thông vừa đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành du lịch - dịch vụ khi kết nối thông suốt 2 Di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn và các điểm du lịch nổi tiếng ở Nông Sơn.
Nhưng gần một năm rưỡi “lên đời”, tầm vóc QL14H hiện giờ chưa có sự đổi thay mang tính đột phá. Cầu Phước Trạch vẫn cũ, hiện trạng xuống cấp và bề rộng chỉ tầm 4m. Cây cầu kết nối phường Thanh Hà qua xã Cẩm Kim cũng chỉ đang nằm trong quy hoạch tuyến, chứ chưa hiện hữu trên thực địa. Mặt cắt cầu Nông Sơn nhỏ, hư hỏng và đang khống chế tải trọng 4 tấn trở xuống. Còn về đường, đoạn tuyến từ gần bờ biển Cửa Đại lên giáp ngã ba đường vào chùa An Lạc chật hẹp, ùn ứ vào giờ cao điểm và dịp lễ, tết; phần lớn tuyến ĐH3.DX (cũ) qua địa phận xã Duy Phước chưa đảm bảo về độ cứng hóa và quy mô mặt cắt. Còn theo ông Trần Ngọc Thanh, đoạn qua tuyến ĐH2.NS cũ nền mới chỉ rộng 5m và mặt rộng 3,5m chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Nông Sơn. Mùa mưa bão, khu vực qua đèo Phường Rạnh bị sạt lở gây ách tắc lưu thông; một trận lụt nhỏ nước đã băng qua đường, đoạn khu vực giáp giữa 2 xã Duy Trinh với Duy Sơn (Duy Xuyên).
Cần làm nhiều việc
Lãnh đạo Sở GTVT cho biết, ngành đã kiến nghị bổ sung danh mục đầu tư xây dựng cầu Cẩm Kim để nối phường Thanh Hà với xã Cẩm Kim và đường hai đầu cầu nhằm kết nối TP.Hội An với thị trấn Nam Phước, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng và xây dựng cầu Nông Sơn, mở rộng đoạn tuyến từ Nông Sơn đến giáp đường Đông Trường Sơn đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi. Và cuối tháng 12.2018, Bộ GTVT đã có quyết định đầu tư cầu Cẩm Kim thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT. Ngay sau đó, UBND tỉnh ủy quyền, giao nhiệm vụ cho UBND TP.Hội An làm chủ đầu tư tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng cầu Cẩm Kim bắt đầu năm 2019. Ngày 24.1 vừa qua, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Nông Sơn và đường nối từ cầu Nông Sơn đến đường Trường Sơn Đông, hạng mục cầu Nông Sơn và đường dẫn vào cầu (giai đoạn 1). Tổng cộng giá trị các gói thầu gần 122,95 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách tỉnh.
Nếu cầu Phước Trạch cũng được xây dựng, QL14H sẽ liên thông. Tuy nhiên, “điểm đen” thì chưa được xóa bỏ khi mặt cắt không ít đoạn tuyến còn nhỏ hẹp, xuống cấp. Bên cạnh hiện trạng các đoạn thuộc ĐH3.DX và ĐH2.NS cũ đã nêu, bề mặt đường qua các xã Duy Trinh, Duy Châu, Duy Hòa xuống cấp. Xe tải trọng lớn chở nguyên vật liệu nối đuôi di chuyển tấp nập làm hư hỏng nhiều điểm bên trái tuyến. Xe vận chuyển cát, đất rơi vãi không chỉ gây ô nhiễm mà còn khiến người điều khiển xe máy dễ mất thăng bằng mỗi lần di chuyển qua. Trong khi đó, lưu lượng người tham gia giao thông trên tuyến rất đông, nhất là giờ cao điểm của mỗi sáng, chiều. Ngoài xe tải, QL14H còn đón nhận khá nhiều ô tô chở khách du lịch, đặc biệt là xe máy của công nhân đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài huyện Duy Xuyên. Hạ tầng yếu kém lại gặp phương tiện lớn phóng nhanh vượt ẩu rất dễ xảy ra va chạm.
Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trên QL14H, trong đó không ít trường hợp tử vong. Thiết nghĩ, Bộ GTVT cần sớm nghiên cứu đầu tư mở rộng những đoạn còn chật hẹp, xuống cấp. Các lực lượng chức năng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát bằng việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng như cân tải trọng, máy bắn tốc độ… để điều chỉnh hành vi của người đi trên tuyến; góp phần xây dựng hình ảnh môi trường giao thông an toàn trong mắt du khách thập phương.
CÔNG TÚ