Kiểm soát vận tải khách
Để chấn chỉnh tồn tại của hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, một tổ kiểm tra liên ngành đã được thành lập và đang tiến hành biện pháp nghiệp vụ tại tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh.
Nhận diện vi phạm
“Nói không” với đăng ký kinh doanh là thực tế đang tồn tại ở nhiều địa chỉ liên quan đến vận tải khách đường bộ bằng ô tô. Nếu có đăng ký, người đứng đầu chưa tuân thủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật. Thực trạng chủ phương tiện vận chuyển khách theo hợp đồng không có hoặc không mang theo danh sách hành khách theo quy định, chưa kể chở người không có trong danh sách hành khách xuất hiện tràn lan. Vẫn hình thức kinh doanh này, họ không có hoặc không mang theo hợp đồng vận chuyển, nếu có hợp đồng cũng sai quy định liên quan. Khi di chuyển trên đường, chủ xe còn có hành vi bán vé thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho khách bằng nhiều cách khác nhau; dừng đón, trả khách không đúng địa điểm ghi trong hợp đồng. Nhiều xe tuyến cố định (nội tỉnh, liên tỉnh liền kề, liên tỉnh) hoạt động vận chuyển hành khách “3 không”, gồm không đúng hành trình, lịch trình, không niêm yết giá vé trên xe, không niêm yết tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải...
Để kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trên địa bàn, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 183/QĐ-UBND thành lập Tổ kiểm tra liên ngành đường bộ. Lãnh đạo Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) được giao trách nhiệm làm tổ trưởng, tổ phó là lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh, các thành viên còn có cảnh sát trật tự hay quản lý thị trường, thuế tại địa phương. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh chia sẻ, mục tiêu đặt ra của cơ quan chức năng nhằm lập lại trật tự, tạo môi trường kinh doanh vận tải công bằng và lành mạnh; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo trật tự ATGT và giảm thiểu tai nạn giao thông. Ngoài xe hợp đồng, xe tuyến cố định, các thành viên sẽ kết hợp kiểm tra cả về điều kiện hoạt động và hành vi kinh doanh trái phép, trốn thuế tại các điểm bán vé xe; kết hợp kiểm tra phương tiện, thiết bị giám sát hành trình; việc chấp hành pháp luật về thuế và lĩnh vực thương mại có liên quan.
Cao điểm xử lý
Những ngày này, Tổ kiểm tra liên ngành đường bộ tiến hành kiểm tra ô tô vận chuyển khách đang hoạt động tại các bến xe, điểm tham quan du lịch, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm đỗ khách sạn, điểm bán vé xe và trên các tuyến đường bộ; lực lượng chức năng sử dụng biện pháp nghiệp vụ nhằm xác định đối tượng cố tình trốn tránh, tìm cách hợp thức hóa hành vi vi phạm. Thành viên tổ liên ngành, Đội trưởng Đội Thanh tra hành chính (Thanh tra Sở GTVT) - ông Thái Minh Hoàng cho hay, sau khi kiểm tra 5 điểm bán vé xe trên đường Nguyễn Hoàng (TP.Tam Kỳ) và xử lý 1 xe khách đậu đỗ không đúng nơi quy định, các thành viên đã vào Núi Thành để phối hợp với an ninh Cảng hàng không Chu Lai kiểm tra tình hình vận chuyển khách. Qua đây, lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt 3 phương tiện đón khách không có phù hiệu, 1 xe chở khách theo hợp đồng nhưng không có hợp đồng vận chuyển. Tại thị trấn Hà Lam (Thăng Bình), tổ vừa kiểm tra 4 điểm bán vé xe và lập biên bản làm việc.
Có mặt trên tuyến quốc lộ 14H, đoạn qua Trà Kiệu (xã Duy Sơn, Duy Xuyên), tổ kiểm tra làm việc với 2 đại lý bán vé xe cho nhà xe Thảo Quyên và 1 cho nhà xe Đình Nhân chạy tuyến Quảng Nam - TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cả 3 địa chỉ đều không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, chưa xuất trình được hợp đồng đại lý bán vé với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định có liên quan đến nhà xe. Trước vi phạm nêu trên, ông Thái Minh Hoàng đề nghị cần liên hệ cơ quan chức năng tiến hành đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế theo quy định của pháp luật. Ban đầu đại diện đại lý bán vé cho nhà xe Đình Nhân tỏ thái độ không hợp tác và biện minh mình bán vé ngày được ngày không. Sau đó, thành viên tổ kiểm tra kiên trì giải thích và hướng dẫn cách thức liên quan, đại diện đại lý mới chịu ký vào biên bản làm việc.
Với sai phạm vừa nêu, tổ kiểm tra yêu cầu các đại lý khi đã có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới được ký hợp đồng làm đại lý bán vé xe với đơn vị kinh doanh vận tải; đồng thời đề nghị tạm dừng hoạt động kinh doanh cho đến khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Quyền đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường - ông Huỳnh Văn Cường cho biết, theo Điều 23, Thông tư số 24/2010/TT-BGTVT ngày 31.8.2010 của Bộ GTVT quy định, đại lý bán vé xe phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; hợp đồng bán vé với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định. Trong đó có các quy định cụ thể về nghĩa vụ, quyền hạn của các bên, tiền công bán vé; hướng dẫn hành khách đến bến xe để đi xe; tổ chức, cá nhân kinh doanh đại lý bán vé chịu sự quản lý chuyên ngành của Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.