Huyết mạch ở vùng tây
Theo dãy Trường Sơn, tuyến đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam đã và đang đánh thức nhiều vùng đất từng ngủ yên dưới đại ngàn. Từ đây hệ thống giao thông được kết nối liên vùng, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho các huyện miền núi.
Đường Hồ Chí Minh qua thị trấn Khâm Đức, Phước Sơn.Ảnh: Công Tú |
Đường Hồ Chí Minh qua địa phận Quảng Nam dài 175km, đưa vào khai thác đảm đương vai trò trục dọc chiến lược thứ hai của tỉnh sau quốc lộ (QL) 1. Từ đây, cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là sau khi một số hạng mục trên các tuyến QL14B, QL14E, QL14G, QL40B xây dựng bổ sung đã kết nối thông suốt QL1 với đường Hồ Chí Minh.
Đột phá hạ tầng
Tuyến Hồ Chí Minh đã mở cửa ngõ giữa Quảng Nam với các tỉnh Tây Nguyên và Thừa Thiên Huế, là tiền đề quan trọng phát triển kinh tế - xã hội về phía tây. “Giao thông đi trước một bước” đã đáp ứng nhu cầu lưu thông, giao thương kinh tế, văn hóa cho nhân dân 4 huyện Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang và Đông Giang. Qua huyện lỵ của Đông Giang, Nam Giang và Phước Sơn gồm các thị trấn P’rao, Thạnh Mỹ và Khâm Đức, cung đường đã “bắt nhịp” cho hạ tầng kết nối, cư dân tề tựu, khơi dậy tiềm năng kinh tế để phố núi trở nên nhộn nhịp. Dựa theo con đường mang tên Bác, 4 huyện đã vận dụng tốt vào quy hoạch, bố trí lại dân cư, tạo thế và lực mới cho tương lai.
Trên hành trình xây dựng Khâm Đức đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2020, Phước Sơn mở rộng các khu dân cư theo quy hoạch mà trước mắt đã làm đường bao phía đông dài gần 4 cây số, điểm đấu nối vào đường Hồ Chí Minh để xếp chỗ ở hợp lý cho hơn 6.700 nhân khẩu hiện hữu và đang tăng lên. Một bến xe loại 6 thành hình ven tuyến.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh cho rằng, P’rao tiến tới đô thị loại IV, lấy nền cảnh quan từ sông A Vương và đường Hồ Chí Minh. Dân cư sẽ bố trí dọc hai bên sông A Vương. Ngoài đô thị ven đường quốc gia, huyện xây dựng cụm tây A Vương, bằng việc hình thành các tuyến đường khung, công viên văn hóa, tượng đài chiến thắng, khu liên hợp thể thao… Đông Giang còn xin chỉnh tuyến đường Hồ Chí Minh qua P’rao, theo hướng mới từ thôn A Dinh 1 nối qua dốc Huyện đội (tuyến ĐH15.ĐG), đường đôi hiện trạng sẽ thành trục nội thị. “Rất ý nghĩa khi lý trình tuyến mới trùng với đường Hồ Chí Minh huyền thoại năm nào” - ông Hồ Quang Minh chia sẻ.
Nhìn qua Nam Giang, cung đường tạo thuận lợi bố trí trung tâm hành chính huyện, các cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh và trung ương tại Thạnh Mỹ. Các tuyến QL14B, 14D và Đông Trường Sơn kết nối vào là ưu thế mở đường nhánh về tận thôn, bản, mở rộng bố trí tái định cư.
Động lực phát triển
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - ông A Viết Sơn, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây, địa phương dự định triển khai nhiều kế hoạch cụ thể như quy hoạch vùng trồng cây dược liệu, cây ăn quả bản địa, rồi trồng cây công nghiệp... Tất nhiên, giao thông đối ngoại là điểm tựa quan trọng. Ngoài Cụm công nghiệp Thôn Hoa (Thạnh Mỹ), Nam Giang lập thủ tục xin xây dựng Cụm công nghiệp xã Ta Bhing để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân địa phương. Thương mại - dịch vụ ở huyện lỵ càng trở nên sôi động khi khu phố chợ Thạnh Mỹ sẽ đưa vào khai thác. Còn tại Phước Sơn, ngày 12.12.2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) khu phố chợ Khâm Đức. Trong tương lai gần, diện mạo phố núi Phước Sơn sẽ khởi sắc.
Đường Hồ Chí Minh qua Quảng Nam còn là trung gian kết nối phía bắc (Thừa Thiên Huế), phía đông (cảng Tiên Sa, QL1, QL14G, QL14B, QL14E, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đông Trường Sơn), phía tây (QL14D) đi các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, đến Lào, Campuchia, vùng đông bắc Thái Lan. Khách thập phương vì thế qua lại ngày càng đông trên hệ thống giao thông đã được kết nối này.
Nắm bắt thời cơ, Đông Giang xin chủ trương xã hội hóa xây dựng khu phức hợp đa năng gồm khách sạn, khu hội họp, nhà hàng… làm điểm dừng chân của du khách tại P’rao và là mắt xích của chuỗi dịch vụ du lịch làng nghề, sinh thái (cổng trời Đông Giang, suối khoáng nóng A Păng) đang dần định hình. Phác thảo về chiến lược thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - ông Nguyễn Quảng cho biết, địa phương xác định phát huy lợi thế tuyến giao thông đối ngoại này là tối quan trọng để hiện thực hóa các đề án du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở thôn Lao Đu (xã Phước Xuân), khu hồ Mùa Thu, lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4. Với huyện Nam Giang, du lịch văn hóa truyền thống, lịch sử (hát lý, cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đường mòn Hồ Chí Minh, làng Rô, Bến Giằng…), du lịch sinh thái (thác Grăng, khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh…) rồi sẽ được đánh thức.
Đường Hồ Chí Minh chính là động lực, điểm tựa phát triển kinh tế - xã hội vùng cao; là đòn bẩy rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng.
GIA KHẢI