Chật chội đường lên biên giới
Đóng vai trò huyết mạch giao thông trên hành lang kinh tế Đông Tây, nhưng quốc lộ (QL) 14D lại sở hữu bề mặt chật chội, nhiều vị trí xuống cấp, taluy hư hỏng, cầu yếu nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Khẩn trương sửa chữa đột xuất sạt lở taluy âm tại km65+000 của QL 14D.Ảnh: C.T |
Nguy cơ khó lường
Kể từ ngày 1.10.1997, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quyết định tuyến ĐT606 chuyển thành QL14D và được ngân sách trung ương đầu tư vốn xây dựng, quản lý và sửa chữa. Giai đoạn 2000 - 2003, QL14D nằm trọn trên địa bàn huyện Nam Giang dài 74,38km mới được xây dựng xong có quy mô đường cấp V miền núi, nền đường rộng 6,5m (mặt đường rộng 3,5m); điểm đầu tại km1332+610 đường Hồ Chí Minh (Bến Giằng, xã Cà Dy) và điểm cuối tại cửa khẩu chính Nam Giang. Thời gian qua, các phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu, máy móc thiết bị thi công các công trình thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 2 và Xê Ka Man (nước bạn Lào), rồi xe chở gỗ đã chất quá tải trọng lưu thông gây hư hỏng nặng nhiều đoạn. Tai nạn giao thông xảy ra cũng chủ yếu nằm trên tuyến gập ghềnh này. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh nói: “Những năm gần đây, QL14D đã được sửa chữa, đảm bảo giao thông bằng nguồn vốn bảo trì đường bộ. Song hiện nay, trên tuyến còn một số đoạn từ km60-km72 mặt đường bị xuống cấp, đi lại khó khăn. Rồi do mưa lũ tháng 12.2017, sạt lở taluy âm diễn ra tại 6 vị trí làm nền đường hẹp lại, đặc biệt là lý trình km65+000 bị sạt lở 1/2 mặt đường”.
Ách tắc bởi sạt lở taluy âm dù đã nhanh chóng khắc phục để thông xe bước một và được rào chắn, cảnh báo cẩn thận nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công năng của tuyến đường mà trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý. Cộng thêm mặt đường quá hẹp, nhiều đoạn cong cua khiến lưu thông trên tuyến gặp nhiều trở ngại, kìm hãm quá trình phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng an sinh. Các loại xe tải qua lại trên QL14D phải tuân thủ quy định hạn chế tải trọng qua cầu do gặp 2 cây cầu yếu. Đó gồm cầu Giằng lý trình km0+250 cấm các loại xe có tổng tải trọng lớn hơn tải trọng quy định qua cầu với xe thân liền 18 tấn, xe đầu kéo sơ mi rơ moóc 19 tấn và xe thân liền kéo sơ mi rơ moóc 21 tấn; cầu Bà Giàng tại km6+845 quy định qua cầu với xe thân liền là 20 tấn, xe đầu kéo sơ mi rơ moóc 31 tấn và xe thân liền kéo sơ mi rơ moóc 40 tấn. Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT) - ông Trần Ngọc Thanh cho hay, 6 vị trí sạt lở taluy âm nguy hiểm đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho phép sửa chữa đột xuất, nhà thầu đang triển khai thi công và phấn đấu hoàn thành trước Tết Kỷ Hợi 2019 tạo điều kiện nhân dân đi lại thuận tiện, đảm bảo phục vụ hàng hóa, nhu yếu phẩm cho đồng bào vùng cao.
Cần thiết phải mở rộng
Được biết, UBND tỉnh đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ (tờ trình số 1550/TTr-UBND ngày 17.4.2015, tờ trình số 6800/TTr-UBND ngày 5.12.2017); nhiều văn bản gửi trung ương, hoặc làm việc trực tiếp kiến nghị đầu tư nâng cấp QL14D, thuộc hành lang Đông Tây thứ 2 trong chương trình dự án kết nối tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS). UBND TP.Đà Nẵng cũng đã gửi kiến nghị tương tự. Thông báo kết luận sau khi làm việc với UBND tỉnh vào ngày 3.8.2018, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể giao Vụ Kế hoạch đầu tư tiếp tục phối hợp với địa phương tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Trước mắt, lãnh đạo Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra Sở GTVT, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt tiếp tục tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm trên tuyến, đặc biệt là chở quá tải trọng cho phép vì an toàn giao thông và công trình. |
Ghi nhận trên QL14D, mặt đường láng nhựa đoạn lý trình km60+000 trở lên cửa khẩu Nam Giang bị vỡ ra tại nhiều vị trí, sỏi đá trồi lên gây xóc cho người tham gia giao thông. Quan sát cầu Bà Giàng, mố bờ tây có dấu hiệu bị nứt toác. Tại những vị trí sạt lở taluy âm, nhà thầu là Công ty TNHH Kỳ Trung chia làm nhiều mũi triển khai công tác sửa chữa. Tuần đường của đơn vị quản lý tuyến QL14D (Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam - PV) chia sẻ, đơn vị thi công hiện đã thực hiện xong tại 3 vị trí, trong đó có một điểm phát sinh sạt lở tường chắn hạ lưu cống km58+000. Chỉ huy trưởng Công ty TNHH Kỳ Trung - ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, nhà thầu lu lèn xong sẽ tiến hành láng nhựa mặt đường, làm rãnh thoát nước rộng 1,2m bên phía taluy dương, đắp lề rộng 1,2m bờ taluy âm và lắp đặt hộ lan mềm. Đơn vị thi công nỗ lực hoàn thành sửa chữa 4 điểm sạt lở còn lại trước Tết Kỷ Hợi này.
Trước hiện trạng của QL14D, ông Nguyễn Tuấn - một người dân cư trú tại thôn Đắc Ốc (xã Chà Vàl, Nam Giang) cho rằng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tải trọng của phương tiện lưu thông để đảm bảo an toàn rất cần thiết. Đặc biệt phải sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn tuyến nhằm đảm bảo giao thông, không bị chia cắt vào mùa mưa. Theo ông Trần Ngọc Thanh, nguyện vọng nêu trên là chính đáng, bởi đây là tuyến đường bộ độc đạo lên toàn bộ các xã vùng cao của huyện Nam Giang. Mặt đường cấp thấp khai thác quá lâu cần phải trùng tu, nâng cấp. Nếu xảy ra sự cố gây chia cắt, đồng bào sẽ bị cô lập, công tác cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an ninh - quốc phòng bị ảnh hưởng. “Quy hoạch phát triển GTVT vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 2054/QĐ-TTg ngày 23.11.2015, tuyến QL14D nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III đến cấp IV, quy mô 2 làn xe. Sở GTVT đã có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét đầu tư nâng cấp, mở rộng nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn vốn” - ông Lê Văn Sinh chia sẻ.
CÔNG TÚ