Tháo gỡ vướng mắc quản lý, sử dụng đất - Bài cuối: Đề xuất giải pháp quản lý
Những bất cập trong thực thi Luật Đất đai được các ngành, địa phương đề xuất tháo gỡ và đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai ở đô thị.
Tin liên quan
|
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình làm việc với Sở TN&MT về thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai hồi cuối năm 2018. |
Siết chặt quản lý quy hoạch
Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - Hồng Quốc Cường cho rằng, với các danh mục, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, cần phê duyệt trước ngày 31.10 hằng năm để các địa phương có cơ sở đưa vào kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các cơ quan cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch. Điều quan trọng là phải công bố quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) để các cấp, các ngành và nhân dân tham gia quản lý, thực hiện tốt quy hoạch. “Ngay sau khi đồ án quy hoạch đô thị được phê duyệt, chủ đầu tư phải tổ chức công bố công khai nội dung đồ án, kế hoạch thực hiện, thứ tự các công trình ưu tiên cần được đầu tư xây dựng theo các giai đoạn ngắn hạn - dài hạn, theo kế hoạch lộ trình đã đặt ra; cách thức tổ chức thực hiện (phương án kêu gọi, huy động vốn, phương án tái định cư)… bằng cách thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng” - ông Cường đề nghị.
Theo Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình, thời gian qua có sự đổ lỗi trách nhiệm về thực hiện KHSDĐ hàng năm tỷ lệ thấp. Cấp huyện thì bảo, ngành chức năng của tỉnh phê duyệt quy hoạch, KHSDĐ chậm; trong khi tỉnh khẳng định, trở ngại nằm ở chính quyền cấp huyện. Để gỡ bất cập này, các cấp chính quyền phải thực hiện nghiêm túc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đúng luật định, đảm bảo quy hoạch. |
Theo các địa phương ven biển, sau khi công bố quy hoạch, KHSDĐ, cần tổ chức cắm mốc giới ngoài thực địa, cấm mọi hoạt động xây dựng trong vùng quy hoạch; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra và xử lý nghiêm khắc trường hợp vi phạm ngay từ khi mới bắt đầu có dấu hiệu vi phạm. Đối với các quy hoạch chậm triển khai hoặc không thể triển khai được, phải tổ chức rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ theo đúng quy định của pháp luật.
Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức cho rằng, khi tổ chức thực hiện quy hoạch, KHSDĐ cần thống nhất chặt chẽ từ cấp tỉnh đến cấp huyện và xác định cụ thể đến cấp xã. Mặt khác, phải có giải pháp cụ thể huy động vốn và các nguồn lực khác để thực hiện phương án điều chỉnh quy hoạch, KHSDĐ của tỉnh. “Giao đất cho nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu dự án, đấu giá quyền sử dụng đất để tránh thất thoát ngân sách. Xử lý nghiêm các trường hợp được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án, nhưng quá thời hạn cam kết vẫn chưa triển khai, không đưa đất vào sử dụng, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Kiên quyết thu hồi đất đối với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích” - ông Đức nêu giải pháp. Còn ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cho rằng, muốn KHSDĐ mang tính khả thi cao cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư không thực hiện dự án theo kế hoạch. Đồng thời bổ sung các quy định ràng buộc quan hệ giữa các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực và quy hoạch nông thôn mới với QHSDĐ nhằm tránh chồng chéo trong lập và triển khai.
Xác định giá đất sát với thị trường
Theo Sở TN&MT, cần phân loại danh mục thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất thành 2 nhóm. Nhóm cho mục đích công cộng (gồm đất xây dựng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, tái định cư…), cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư trung hạn, vốn năm kế hoạch được phân bổ phù hợp với QHSDĐ. Ở nhóm cho mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch, bất động sản… chỉ cho phép chuyển mục đích đất lúa những vùng được quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, vùng đất lúa sản xuất kém, phù hợp với QHSDĐ. Những danh mục đăng ký 3 năm mà không thực hiện thì công bố hủy bỏ. Giám đốc Sở TN&MT Trần Thanh Hà kiến nghị, HĐND các cấp tăng cường kiểm tra giám sát việc đăng ký danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và lập, phê duyệt, thực hiện quy hoạch, KHSDĐ đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả thi.
Theo nhiều địa phương, cơ quan chuyên môn phải xây dựng bộ công cụ, tiêu chí xác định giá đất cụ thể theo thị trường bởi đây là rào cản làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng thời gian qua. Việc xác định giá đất cụ thể tốn nhiều thời gian, công sức và cũng tạo ra nhiều tranh cãi. Bởi theo ông Lê Vũ Thương - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, giá đất cụ thể rất khó xác định, nhiều khu vực không có giao dịch đất đai hoặc có giao dịch về đất đai vẫn lấy giá đất hàng năm do UBND tỉnh quy định làm cơ sở giao dịch. Đây là bất hợp lý cần tháo gỡ.
Hồi cuối năm 2018, tại các cuộc giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với các địa phương và sở ngành liên quan về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi có Luật Đất đai năm 2013, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình cho biết, nhiều điểm vướng mắc trong thực hiện chính sách pháp luật đất đai sẽ được cập nhật, hệ thống và Quảng Nam cũng đề xuất với Quốc hội sắp đến sẽ sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn hơn.
TRẦN HỮU