Tháo gỡ vướng mắc quản lý, sử dụng đất - Bài 3: Lúng túng thu hồi đất

TRẦN HỮU 11/01/2019 01:52

Những vướng mắc trong bồi thường - hỗ trợ (BT-HT), giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC); cơ chế, chính sách pháp luật thay đổi liên tục; chưa tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ)... khiến nhiều địa phương khá vất vả trong việc thu hồi đất.

Tin liên quan

  • Tháo gỡ vướng mắc quản lý, sử dụng đất - Bài 2: Vỡ kế hoạch sử dụng đất
  • Tháo gỡ vướng mắc quản lý, sử dụng đất - Bài 1: Chồng lấn quy hoạch
Do không thỏa thuận được với người dân thu hồi đất, nên nhiều dự án đô thị giải phóng mặt bằng kiểu da beo như thế này.  TRONG ẢNH: Khu dân cư phố chợ Điện Ngọc nhiều đoạn ách tắc mặt bằng.
Do không thỏa thuận được với người dân thu hồi đất, nên nhiều dự án đô thị giải phóng mặt bằng kiểu da beo như thế này. TRONG ẢNH: Khu dân cư phố chợ Điện Ngọc nhiều đoạn ách tắc mặt bằng.

Chậm giải tỏa mặt bằng

Tồn tại chủ yếu ở các dự án vùng đông nam của tỉnh là công tác GPMB  chậm tiến độ. Các đơn vị thực hiện BT-GPMB như Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh (thuộc Sở TN-MT), Trung tâm Phát triển hạ tầng thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai hay các Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Duy Xuyên, Thăng Bình đều cho rằng, GPMB khu vực vùng đông là chướng ngại vật lớn nhất khi kêu gọi đầu tư. Người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng vì cho rằng đơn giá BT thấp, so bì về giá đất BT; các cơ quan chức năng thì lúng túng trong xét duyệt nguồn gốc, HT đất khai hoang, chuyển đổi nghề…  Riêng dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, phạm vi giai đoạn 1 của dự án có diện tích 183ha, hiện còn 15ha chưa GPMB, trong đó tại khu D vẫn còn 43 trường hợp xây dựng trái phép chưa được xử lý nên chưa lập được phương án BT-HT, GPMB. Đáng lưu ý, dự án khu TĐC Nồi Rang (xã Duy Hải, Duy Xuyên) sau hơn 2 năm, chỉ mới chi trả tiền BT hơn 2 tỷ đồng. Trong số 81,2ha của dự án, đến nay mới GPMB được hơn 8ha.

Theo ông Huỳnh Bửu – Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam, từ đầu năm đến nay, đơn vị  chỉ GPMB được 49ha. Tại xã Duy Hải, Hội đồng tư vấn xã không thể xác nhận nguồn gốc đất để thực hiện BT, dẫn đến việc đơn vị không thể lập được phương án BT-HT. Có thời điểm nhiều tháng phải chờ phê duyệt KHSDĐ năm 2018.  Nhiều nơi trước đây do không ban hành quyết định thu hồi đất, để dự án kéo dài nhiều năm nên người dân không thống nhất với phương án BT-HT, TĐC. Đơn cử, dự án khu đô thị số 9 tại phường Điện Ngọc (Điện Bàn) do Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam làm chủ đầu tư giai đoạn 1, hiện còn lại 14 hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng với diện tích 2,4ha. Mặc dù nhà đầu tư đồng ý hỗ trợ thêm 100% giá trị BT về nhà ở, vật kiến trúc nhưng 14 hộ dân vẫn không thống nhất nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Các hộ này thuộc diện BT theo Luật Đất đai 1993, nhưng tại thời điểm phê duyệt phương án BT năm 2004, chính quyền địa phương không ban hành quyết định thu hồi đất; đồng thời tại thời điểm phê duyệt thì Luật Đất đai 2003 đã có hiệu  lực thi hành…

Luật Đất đai 2013 quy định, một trong các loại giấy tờ được căn cứ để xác định công nhận hạn mức đất ở, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước ngày 15.10.1993. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Thăng Bình, cũng như nhiều địa phương khác, sổ địa chính được lập sau ngày 15.10.1993, sổ đăng ký ruộng đất được lập theo Chỉ thị 299 của Thủ tướng Chính phủ không còn lưu trữ. Theo ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, việc áp dụng quy định nêu trên ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi người dân, đặc biệt gây khó khăn trong quá trình thực hiện  BT-HT, TĐC khi Nhà nước thu hồi đất.  Việc chậm GPMB có nguyên do là lúng túng xác định nguồn gốc đất; hồ sơ đất đai thất lạc…

Bất cập giá đất

Từ đầu năm 2014 đến hết tháng 3.2018, Quảng Nam đã ban hành 970 quyết định liên quan đến thu hồi đất; tổng diện tích cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là hơn 610 héc ta. Đáng chú ý, đất giao đầu tư các khu đô thị, khu dân cư, chung cư, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh với diện tích 223,7ha.

Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai làm chủ đầu tư hạ tầng  khu dân cư An Hà - Quảng Phú; dự án xây dựng nhà ở khu dân cư Tam Quang giai đoạn 4; khu dân cư thị trấn Núi Thành giai đoạn 2; dự án hoàn thiện hạ tầng khu dân cư thị trấn Núi Thành giai đoạn 1. Theo cơ quan này, việc giao đất cho đơn vị không rõ ràng về thành phần hồ sơ, Sở TN-MT là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh giao đất và xem đơn vị như một nhà đầu tư xin giao đất nên yêu cầu về thành phần hồ sơ rất khó. Phê duyệt KHSDĐ cấp huyện chậm so với quy định dẫn đến giao đất cho Khu kinh tế mở Chu Lai không thực hiện được hoặc chậm cho nhà đầu tư. Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai Lê Vũ Thương cho biết, bất cập nằm ở xác định giá đất cụ thể theo thị trường, bởi nhiều khu vực không có giao dịch đất đai hoặc có giao dịch về đất đai vẫn lấy giá đất hàng năm do UBND tỉnh quy định để làm căn cứ giao dịch.
Theo UBND TP.Hội An, việc BT-HT khi thu hồi đất nông nghiệp hiện nay gặp khó khăn, phần lớn dân không đồng tình với chính sách hiện hành mà đề nghị được BT-HT đất nông nghiệp như quy định tại Nghị định 69/CP và Quyết định số 23/2010/QĐ-UBND ngày 30.9.2010  của UBND tỉnh. Người dân cho rằng, đơn giá BT đất nông nghiệp (được xác định theo giá đất cụ thể) còn thấp. Việc xác định giá đất cụ thể, thẩm định và phê duyệt để BT đối với đất nông nghiệp chủ yếu căn cứ vào đơn giá quy định tại Quyết định số 48/2014/QĐ-UBND ngày 25.12.2014 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định về giá đất, bảng giá đất thời kỳ 5 năm (2015 - 2019) trên địa bàn tỉnh không có lợi cho người bị thu hồi đất như theo các quy định cũ trước đây của UBND tỉnh. Mặt khác, trên địa bàn TP.Hội An chưa xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai vì đến nay tỉnh chỉ thực hiện thí điểm dự án tại TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành, vùng đông sông Trường Giang thuộc huyện Thăng Bình và huyện Duy Xuyên. Cơ quan bồi thường rất vất vả trong giải quyết hồ sơ về nguồn gốc đất.

Công ty CP Đầu tư phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam (cơ quan thực hiện BT dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An) nêu điểm bất hợp lý: khoảng thời gian từ thời điểm ban hành thông báo thu hồi đất đến khi có quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp bị thu hồi đất ở là khá dài (180 ngày). Thực tế có phát sinh một số trường hợp kết hôn sau thời điểm thông báo thu hồi đất nhưng không được xem xét bố trí TĐC theo quy định tại Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 5.9.2017 của UBND tỉnh. Một số địa phương thất lạc, hoặc không có bản đồ hồ sơ 299 nên khó xác nhận thu hồi đất.

----------------
Bài 4: Xử lý dự án vi phạm

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU