Tháo gỡ vướng mắc quản lý, sử dụng đất - Bài 2: Vỡ kế hoạch sử dụng đất
Trong khi chưa xác định được tính khả thi của dự án và phương án sử dụng đất cụ thể, nhiều địa phương đã vội vàng đăng ký sử dụng đất với diện tích lớn, nhưng thực tế việc thực hiện hàng năm rất thấp.
Tin liên quan
|
Phần lớn các đô thị đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhiều nhưng thực hiện đạt tỷ lệ rất thấp. |
Luật Đất đai 2013 quy định các địa phương phải lập kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) hằng năm để cụ thể hóa cho kế hoạch theo kỳ 5 năm. Tại hầu hết địa phương trong tỉnh, danh mục các dự án thu hồi đất, diện tích đăng ký lớn, nhưng tỷ lệ thực hiện bình quân chưa được nửa con số đăng ký.
Thiếu tính khả thi
Theo UBND TP.Tam Kỳ, thời gian phê duyệt quy hoạch, KHSDĐ của cấp có thẩm quyền khá chậm so với quy định, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Cá biệt, có năm Tam Kỳ đăng ký 40 dự án theo KHSDĐ được duyệt, nhưng không triển khai thi công một dự án nào. Tương tự, tại TP.Hội An, năm nào cũng vỡ KHSDĐ. Chẳng hạn, năm 2017 thành phố này được tỉnh phê duyệt 122 danh mục công trình, dự án với tổng diện tích hơn 217ha. Kết quả chỉ mới thực hiện 60 danh mục công trình, dự án với tổng diện tích 64,2ha; số còn lại với diện tích hơn 153ha chưa được thực hiện, do chưa phân bổ kịp nguồn vốn từ cấp trên. Năm 2018, Hội An được phê duyệt 59 danh mục công trình, dự án với tổng diện tích 89,5ha, song mới có quyết định giao đất, cho thuê đất với 33 dự án, tổng diện tích 57,8ha (tỷ lệ 64,6%). Nhiều dự án do nhà đầu tư đăng ký thực hiện trong giai đoạn KHSDĐ đã được phê duyệt, vì vậy phải thực hiện các thủ tục bổ sung KHSDĐ trình cấp có thẩm quyền cho phép, làm chậm trễ các thủ tục đầu tư của dự án. KHSDĐ xây dựng khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư tại huyện Thăng Bình thực hiện cũng với tỷ lệ rất thấp. Như năm 2017 kế hoạch được duyệt là 339ha, nhưng địa phương chỉ mới thực hiện hơn 6,6ha (chưa đến 2% kế hoạch được duyệt).
Theo Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình - ông Hồng Quốc Cường, biến động các chỉ tiêu sử dụng đất trong quá trình thực hiện so với các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch được duyệt, ngoài nguyên nhân nguồn vốn đầu tư, chậm giải phóng mặt bằng còn do thay đổi các chỉ tiêu thống kê, kiểm kê đất đai; do quá trình đo đạc, thời gian để xác định đất ở kéo dài. Một số hạng mục công trình đã có trong chỉ tiêu KHSDĐ hàng năm nhưng chủ đầu tư chưa lập xong dự án và hồ sơ đất đai, phải lùi tiến độ. Công tác bồi thường (BT) và giải phóng mặt bằng (GPMB) ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Nhiều dự án trong KHSDĐ năm 2015, 2016, 2017 dù đã triển khai thực hiện nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất... “Thủ tục giải quyết hồ sơ pháp lý về đất đai còn rườm ra, chồng chéo, thời gian giải quyết kéo dài; chính sách pháp luật về đất đai thường xuyên thay đổi. Phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, nhất là chỉ tiêu sử dụng đất lúa quá ít, chưa đáp ứng được quy mô quỹ đất để thực hiện quy hoạch theo định hướng phát triển ở khu vực đô thị” - ông Cường lý giải.
Đâu là nguyên nhân?
Tại cuộc họp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Sở TN&MT hồi cuối năm 2018, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình bất ngờ nêu con số, có huyện chỉ mới thực hiện 3% KHSDĐ hàng năm. Nguyên nhân thuộc về các địa phương lẫn cơ quan phê duyệt KHSDĐ. Theo ông Bình, phần lớn các dự án đăng ký vào KHSDĐ hằng năm chưa được thẩm định, rà soát chặt chẽ về hiện trạng, diện tích đất, năng lực nhà đầu tư, tính khả thi, hiệu quả của từng dự án.
Theo Sở TN&MT, nhiều danh mục địa phương đăng ký thiếu thông tin theo yêu cầu như chủ trương đầu tư, nguồn vốn đầu tư… nên khó khăn cho công tác thẩm định, tổng hợp trình HĐND, UBND tỉnh phê duyệt. Nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến KHSDĐ thấp nằm ở chỗ: công tác BT, GPMB và tái định cư (TĐC) cho các dự án đầu tư trong năm kế hoạch thường gặp vướng mắc, chậm trễ, địa phương đăng ký nhiều lần. Ở khu vực đô thị, hầu hết huyện, thị xã, thành phố… đều có dự án phát triển khu dân cư, khu đô thị, khu phố chợ, bất động sản gắn liền với dịch vụ, du lịch… dẫn đến cung vượt cầu nên nhiều dự án chậm tiến độ, không thể thực hiện một năm mà phải đăng ký KHSDĐ nhiều năm. Theo ông Trần Thanh Hà – Giám đốc Sở TN&MT, cái khó là các quy định pháp luật vẫn chưa có chế tài xử lý đối với địa phương, đơn vị thực hiện KHSDĐ đạt quá thấp so với đăng ký được duyệt. Quy định quý 3 hằng năm, các địa phương trình KHSDĐ hàng năm về Sở TN&MT để thẩm định. “Tuy nhiên, nhiều năm nay, hầu như các địa phương chỉ gửi danh mục trình HĐND tỉnh, chưa gửi KHSDĐ nên việc thẩm định, tổng hợp danh mục thu hồi đất chậm trễ. Giám sát dự án đô thị về KHSDĐ chưa đảm bảo, phải điều chỉnh quy hoạch nhiều lần” – ông Hà phân tích.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khả năng nắm bắt thông tin và dự báo nhu cầu sử dụng đất của các ngành, các cấp còn hạn chế, cộng với việc KHSDĐ chưa xác định nhu cầu sử dụng đất phù hợp với tiến độ các công trình dự án cũng là những nguyên nhân làm cho các KHSDĐ bị vỡ. Nhiều quy hoạch đã công bố sẽ thu hồi đất và đã quá thời hạn 3 năm kể ngày công bố nhưng vẫn chưa thực hiện; song cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tiến hành điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch. Trong khi đó, Nhà nước lại thiếu công cụ giám sát quản lý, sử dụng đất theo các chỉ tiêu quy hoạch được duyệt. Hệ lụy là những lúng túng trong quy hoạch, đầu tư và quản lý hiện trạng đất đai càng trở nên lúng túng hơn.
--------------
Bài 3: Lúng túng thu hồi đất
TRẦN HỮU