Vướng mặt bằng dự án đô thị

TRẦN HỮU 28/12/2018 05:35

Tại đô thị vùng đông Điện Bàn, việc quản lý lỏng lẻo về đất đai đã phát sinh hệ lụy là người dân xây nhà trên đất khai hoang, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ); khiếu nại dai dẳng…

Các dự án tại Điện Bàn chậm tiến độ do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng. TRONG ẢNH: Ách tắc mặt bằng qua phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.H
Các dự án tại Điện Bàn chậm tiến độ do vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng. TRONG ẢNH: Ách tắc mặt bằng qua phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.H

Không chịu nhận tiền bồi thường

Dự án đô thị, bất động sản giai đoạn 2 do Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam làm chủ đầu tư gặp ách tắc bởi công tác bồi thường – hỗ trợ (BT-HT), giải phóng mặt bằng (GPMB), tập trung chủ yếu ở khu đô thị số 9 và khu đô thị số 4 thuộc đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc. Hộ bà Phùng Thị Phiên (xã Điện Ngọc) có thửa đất màu khai hoang với diện tích hơn 1.414m2 chưa được cấp bìa đỏ. Mặc dù Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn nhiều lần tổ chức đối thoại nhưng gia đình bà Phiên cương quyết không nhận tiền BT-HT. Chính vì vậy, các ngành chức năng của thị xã Điện Bàn đang rà soát hồ sơ pháp lý, xem xét thành lập bộ phận cưỡng chế thu hồi đất.

Sẽ đấu thầu dự án nhà ở thương mại

Theo ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH-ĐT, đối với dự án đầu tư theo hình thức BT do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư, chủ trương của tỉnh là làm tới đâu quyết toán tới đó. BT càng kéo dài, doanh nghiệp càng có lợi. Còn đối với dự án do Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng làm chủ đầu tư, một quỹ đất lớn sẽ thu hồi. Giải phóng xong mặt bằng sẽ chuyển sang hình thức đầu tư công. Việc đầu tư dự án nhà ở thương mại sẽ đa dạng hình thức đầu tư nhưng tất cả đều qua đấu thầu.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn, thời điểm này đã GPMB và bàn giao đất cho chủ đầu tư thi công 18,2ha đất nông nghiệp; 15,2ha đất còn lại chưa giải tỏa, được xác định là của 175 hộ dân có nhà cửa, vật kiến trúc, trong số này có 72 trường hợp làm nhà trên đất khai hoang chưa có bìa đỏ. Hiện chủ đầu tư đang vận động 72 trường hợp hộ dân cam kết không khiếu nại về việc chấp hành di dời giải tỏa, áp dụng chính sách BT-HT, GPMB, tái định cư theo Luật Đất đai năm 2003.

Ở giai đoạn 1 của dự án này do Công ty CP Cấp thoát nước Quảng Nam làm chủ đầu tư cũng dở dang mặt bằng. Hiện còn 14 hộ ở xã Điện Ngọc bị ảnh hưởng đất ở dự án với diện tích 2,4ha vẫn chưa nhận tiền BT. Lý do người dân đưa ra là đơn giá BT thấp, đề nghị tăng thêm lô đất TĐC và nâng tiền HT. Theo tìm hiểu của chúng tôi, GPMB tại dự án đô thị này bị ách tắc nhiều năm do các hộ này thực hiện BT theo Luật Đất đai năm 1993. Thời điểm phê duyệt phương án tại Quyết định số 4183 ngày 29.9.2004 thì UBND huyện (nay là thị xã Điện Bàn) không ban hành quyết định thu hồi đất; đồng thời thời điểm phê duyệt thì Luật Đất đai 2003 đã có hiệu lực thi hành. Còn dự án khu đô thị số 4 do Công ty CP Giao thông vận tải tỉnh làm chủ đầu tư, dù triển khai từ năm 2004 nhưng đến nay còn 7,9ha với 43 hộ chưa nhận tiền BT-HT bàn giao mặt bằng.

Điều chỉnh dự án nhiều lần

Dự án khu đô thị số 7B (nay là dự án Bách Đạt 2) do Công ty CP Bách Đạt An làm chủ đầu tư, điều chỉnh dự án nhiều lần. Khu đô thị số 7B là dự án được tách ra từ khu đô thị số 7 do Công ty CP Công chính giao thông vận tải Quảng Nam làm chủ đầu tư với quy mô dự án gần 31ha. Dự án nhiều lần điều chỉnh quy hoạch chi tiết do các tuyến đường điều chỉnh quy hoạch so với dự kiến trước đây như tuyến đường nối ĐT607  với 603A; tuyến đường ĐT 603 kéo dài. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn, dự án khu đô thị Bách Đạt 2 lần gần nhất điều chỉnh là năm 2016 nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình GPMB do phải tiến hành đo đạc điều chỉnh và kiểm kê điều chỉnh. Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Minh Hiếu nhìn nhận, trình tự, thủ tục và nguyên nhân để điều chỉnh quy hoạch xây dựng không phù hợp với quy định của pháp luật; hầu hết điều chỉnh theo ý chí chủ quan. Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức thì cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, dự án nhiều lần với mục đích chính là có lợi cho nhà đầu tư. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng không tổ chức lấy ý kiến người dân. Kế hoạch sử dụng đất năm 2018 chỉ đạt hơn 20%, trong khi quy hoạch sử dụng đất lại điều chỉnh chậm.

Quy hoạch sử dụng đất ở thị xã Điện Bàn giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng hầu hết công trình, dự án tại đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc không đăng ký kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2020). Theo UBND thị xã Điện Bàn, nhiều dự án triển khai không phù hợp với định hướng quy hoạch chung, làm thay đổi về mặt sử dụng đất, không gian của đô thị. Hàng loạt dự án triển khai chậm nhiều năm làm nảy sinh những bức xúc trong dân về đất đai, nhà ở. Thực hiện kế hoạch sử dụng đất, triển khai dự án còn khá thấp so với đăng ký. Tại Điện Bàn có 6 đồ án quy hoạch phân khu được lập và điều chỉnh với diện tích hơn 6.733ha. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy quy hoạch phân khu chỉ hơn 31%; 147 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 điều chỉnh với diện tích hơn 2.389ha, nhưng tỷ lệ lấp đầy quy hoạch chi tiết chỉ là 11%.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU