Dân bức xúc vì chống thấm dột hầm chui cao tốc bằng... băng keo

HỒ QUÂN 22/11/2018 01:38

(QNO) - Theo phản ánh mới đây của người dân thôn Trung Thành, xã Tam Mỹ Tây (huyện Núi Thành) và trên mạng xã hội, đơn vị thi công hầm chui cao tốc qua tuyến ĐH5 đã dùng... băng keo dán giấy để khắc phục sự cố thấm nước trong hầm.

Hai điểm dán keo trong hầm chui cao tốc qua tuyến DDH5 ở thôn Trung Thành. Ảnh: H.Q
Hai điểm dán keo trong hầm chui cao tốc qua tuyến ĐH5 ở thôn Trung Thành. Ảnh: H.Q

Ông Lê Văn Bằng (53 tuổi, trú thôn Trung Thành, xã Tam Mỹ Tây) cho biết, khoảng hơn 2 tháng trước, khi tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi đi vào hoạt động, tại cầu chui này xuất hiện tình trạng thấm nước rất nghiêm trọng. Nhất là những ngày mưa lớn, nước trên cao tốc chảy thẳng xuống đường qua các khe hở, làm ngập hơn nửa bánh xe. Cách đây hơn 1 tuần, có vài công nhân đã tới đây và dùng băng keo bịt lại những điểm nước chảy lại.

“Làm tuyến cao tốc cả nghìn tỷ mà khi có sự cố lại dùng băng keo chắp vá như vậy, thật khó chấp nhận. Còn hầm chui này thì hễ mưa xuống thì nước thấm, chảy và ngập, dân đi lại vô cùng khó khăn” - ông Bằng bức xúc.

Người dân vô cùng bức xúc trước vấn đề này. Ảnh: H.Q
Người dân vô cùng bức xúc trước vấn đề này. Ảnh: H.Q

Ông Phan Anh Thi (54 tuổi, thôn Trung Thành, xã Tam Mỹ Tây) nói: “Chúng tôi đã có ý kiến lên chính quyền địa phương và mong có những biện pháp khác thay thế chứ không phải dán keo như vậy”.

Bốn vị trí được dán keo trong hầm chui. Ảnh: H.Q
Bốn vị trí được dán keo trong hầm chui. Ảnh: H.Q

Ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, có 4 vị trí trong hầm chui đã được dán chằng chịt bằng loại keo dán giấy màu trắng, bịt giữa các khe. Tại một vị trí kể trên, keo dán đã bị bong tróc ra.

Một vị trí băng kep đã bị bong tróc. Ảnh: H.Q
Một vị trí băng keo đã bị bong tróc. Ảnh: H.Q

Điểm cầu chui cao tốc qua tuyến DDH5. Ảnh: H.Q
Điểm cầu chui cao tốc qua tuyến ĐH5. Ảnh: H.Q

Theo thông tin của UBND huyện Núi Thành, hầm chui này thuộc gói thầu A2, do Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng cầu đường Sơn Đông (Trung Quốc) chịu trách nhiệm thi công.

Trả lời trên báo Đất Việt, ông Lê Quang Hào - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, lớp băng keo này được dán là để bảo vệ vật liệu chống thấm Sika mà nhà thầu Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng cầu đường Sơn Đông (Trung Quốc) bơm vào để xử lý chống thấm tại hầm chui.

Trong khi đó, TS. Trần Huy Cường - Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc dán lớp băng keo để bảo vệ lớp chống thấm Sika không phải là chuyện lạ, điều đó sẽ giúp cho lớp chống thấm này có môi trường ổn định trong khoảng thời gian nhất định để ổn định kết cấu, không bị tác động từ các yếu tố bên ngoài.

Nhưng điều khiến ông Cường băn khoăn lại nằm ở lớp Sika chống thấm. "Qua hình ảnh mà nhiều cơ quan báo chí đăng tải, có thể đây là lớp Sika chống thấm loại băng keo, một trong những sản phẩm chống thấm có kỹ thuật thi công khó và thường chỉ dùng trong các trường hợp cuối cùng khi mà các lớp chống thấm khác không hiệu quả" - ông Cường cho biết.

HỒ QUÂN

HỒ QUÂN