Xâm phạm hành lang đường bộ - Bài 2: Khó xử lý dứt điểm

TRẦN CÔNG TÚ 23/10/2018 03:07

Các hành vi xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (HTGTĐB) đã được phát hiện, tuy nhiên việc xử lý rốt ráo để trả lại nguyên trạng không dễ dàng bởi đang tồn tại nhiều bất cập.

Tin liên quan

  • Xâm phạm hành lang đường bộ - Bài 1: Hệ lụy khôn lường
Người dân khai thác keo vứt vỏ, cành và lá cây lấp mương thoát nước dọc trên ĐT617. Ảnh: C.TÚ
Người dân khai thác keo vứt vỏ, cành và lá cây lấp mương thoát nước dọc trên ĐT617. Ảnh: C.TÚ

Lúng túng xử lý

Trục giao thông chiến lược quốc lộ (QL) 14E đi qua địa phận huyện Hiệp Đức thuộc sự quản lý của trung ương, do đó địa phương không nắm rõ bao giờ tuyến đường được cải tạo toàn diện dù cử tri đã rất nhiều lần phản ánh. Cũng vì lý do này mà dọc QL14E, một số gia đình cơi nới bằng mái che ra phía trước và nằm trong hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB). Người dân cam kết khi nào giải phóng mặt bằng để nâng cấp, mở rộng tuyến đường này thì tự tháo dỡ. Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hiệp Đức - ông Trần Thọ cho rằng, tình trạng này chẳng những hạn chế tầm nhìn người tham gia giao thông, mà về mặt quản lý kiến trúc để hình ảnh “lồi ra thụt vào” như thế là không ổn. Khi địa phương tiến hành xử lý, người dân phân bì, so sánh với hộ chung quanh mình. “Họ không hiểu hộ lân cận sinh sống trên mảnh đất hiện trạng từ rất lâu. Sau khi ĐT612 cũ  “thay tên đổi họ” thành QL14E, đất đai và vật kiến trúc của hàng xóm đã nằm trong HLATĐB của tuyến này. Bởi một phần lý do lịch sử để lại, vấn đề quản lý đồng bộ về HLATĐB trên tuyến QL14E trở nên phức tạp” - ông Trần Thọ chia sẻ.

Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý

Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh nhìn nhận, công tác quản lý, bảo vệ kết cấu HTGTĐB chưa quy củ, dường như bị chính quyền địa phương buông lỏng. Ở nhiều nơi, UBND cấp xã chưa thật sự quan tâm bảo vệ HLATĐB, do vậy vi phạm phát sinh chưa được xử lý ngay từ đầu đã tạo thành tiền lệ xấu cho người dân lấn chiếm và tái lấn chiếm.

Cũng theo Giám đốc Sở GTVT, nhiều biên bản thuộc thẩm quyền của chính quyền sở tại lập ra rồi để đó, không xử lý dứt điểm cộng thêm một số trường hợp cấp đất sai quy trình dẫn đến hậu quả tai hại. Cụ thể là khi tiến hành giải phóng mặt bằng thi công đường, Nhà nước phải bồi thường, hỗ trợ đất đai, công trình vi phạm là hết sức vô lý.

Cây cối, vật kiến trúc “mọc” trước khi cải tạo và chuyển từ đường huyện thành ĐT, hoặc ĐT thành QL, các dự án giao thông vận tải (GTVT) thực hiện về sau chỉ bồi thường phạm vi đất mở rộng. Phần đất chính chủ chưa bồi thường, tiếp tục tồn tại sát mép đường vừa mở rộng, tất nhiên là nằm trong HLATĐB. Tình thế bắt buộc Nhà nước phải quản lý theo hiện trạng, khuyến cáo người dân không trồng cây, xây dựng lại nhà cửa, vật kiến trúc. Để rồi từ đây, nhiều chuyện bi hài khiến cho chính quyền và cơ quan chức năng lúng túng trong xử lý. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam - ông Nguyễn Văn Sỹ cho biết, tuần đường phát hiện trồng cây trong HLATGT nên lập biên bản yêu cầu dừng lại. Tuy nhiên, người dân chất vấn ngược, rằng đất này nằm trong “sổ đỏ” tại sao không cho sử dụng? Trường hợp khác, đất ở cấp cho họ làm nhà nằm ven tuyến giao thông. Nâng cấp đường xong, một số hộ không thể ra vào ngôi nhà của mình vì tường hộ lan chắn phía trước. “Không cho mở tường hộ lan, không lẽ chúng tôi “bay” qua để vào nhà à!” - một hộ dân ven tuyến QL phản ứng.      

Một cán bộ Thanh tra Sở GTVT chia sẻ, tuyến đường được nâng cấp, mở rộng và thế là tường rào, cổng ngõ vướng phải đập bỏ. Hộ gia đình xây dựng lại công trình, ngay gần hiên nhà vẫn bị “tuýt còi”... vì nằm trong HLATĐB mới. “Chúng tôi rất lúng túng khi xử lý trường hợp trên, bởi lẽ người dân không xây dựng lại tường rào, cổng ngõ thì làm sao bảo vệ được mái ấm gia đình?” - vị cán bộ này bộc bạch. Ven các QL, ĐT thuộc địa bàn huyện núi, phần nhiều đối tượng vi phạm là người dân tộc thiểu số nên việc xử lý gặp không ít nhiêu khê. Lực lượng tuần đường khẳng định, tất cả hành vi xâm phạm đất và HLATĐB đều được phát hiện, nhắc nhở ngay từ ban đầu song đồng bào phớt lờ. Dọc tuyến QL14D (huyện Nam Giang), nhân viên tuần đường lập biên bản nhiều hộ xây dựng nhà gỗ trong HLATĐB, nhưng tìm mãi không gặp được chủ nhân; có chỗ đại diện gia đình nhất quyết không khai tên tuổi. Trong lúc tuần tra, kiểm soát, Thanh tra Sở GTVT phát hiện mở đường nhánh trái phép khai thác keo, nhưng đành bó tay vì không xác định được đối tượng vi phạm.

Bất cập kéo dài

Lướt xem nhiều biên bản làm việc mà lực lượng tuần đường lập, phóng viên Báo Quảng Nam nhận thấy phần ký tên cũng chỉ có… nhân viên tuần đường. Phần dành cho đại diện gia đình (hoặc tổ chức) vi phạm luôn bị bỏ trống. “Đối tượng vi phạm không hợp tác giải quyết hậu quả, trốn tránh khi lực lượng chức năng đến làm việc gây khó khăn cho trình tự xử lý hành vi vi phạm” - một người tuần đường nói. Bên cạnh đó, trường hợp nằm trong HLATĐB thuộc về yếu tố lịch sử, để giải tỏa cần có kinh phí để bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, nguồn lực dành cho khâu này lại vô cùng hạn hẹp nên cứ để kéo dài khiến công tác quản lý hiện trạng rất nhọc nhằn. Chánh Thanh tra Sở GTVT Võ Quang Lâm cho rằng, chính quyền sở tại còn chưa quan tâm, do đó nhiều vụ vi phạm phát sinh nhưng không nắm được thời điểm làm tiến độ giải phóng mặt bằng nâng cấp, mở rộng đường bộ gặp ách tắc kéo dài, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Hầu hết quyết định xử phạt đều được đối tượng vi phạm, nhất là tổ chức, doanh nghiệp tuân thủ chấp hành, đến khi buộc khắc phục hậu quả thì họ… lặn mất tăm. Thực tế có ít địa phương như Bắc Trà My, sau khi nhận được báo cáo cư dân 3 xã Trà Tân, Trà Dương và Trà Giác vi phạm HLATĐB trên QL40B, Phó Chủ tịch UBND huyện ký văn bản yêu cầu phòng chức năng, UBND các xã vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với quản lý, bảo vệ kết cấu HTGTĐB đang là vấn đề nan giải. Điển hình dọc QL14B qua địa phận huyện Đại Lộc, địa phương mời gọi doanh nghiệp vào mở nhà máy tại các cụm công nghiệp đã quy hoạch. Bỏ ra hàng chục tỷ đồng xây dựng địa điểm sản xuất, đến khi đấu nối trực tiếp từ cổng ra đường lớn thì bị xử phạt do vi phạm không phép. Bởi theo quy hoạch được phê duyệt, các cụm công nghiệp này đã có hệ thống đường gom vào ra, để đảm bảo tránh gây xung đột với phương tiện lưu thông tốc độ cao trên QL14B, đảm bảo ATGT. Nhưng vì chưa có kinh phí xây dựng, đường gom “nằm trên giấy” nên doanh nghiệp không thể đấu nối cổng nhà máy vào đó, rồi mới chở nguyên vật liệu theo đường gom vào, vận chuyển sản phẩm theo đường gom ra. Muốn giải quyết trước mắt, họ phải khăn gói ra Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin giấy phép đấu nối tạm, song không thể một sớm một chiều mà xong được. Còn chờ đủ tiền làm đường gom, huyện lỡ mất cơ hội hợp tác với đối tác về đầu tư sản xuất, giải quyết lao động, mang lại nguồn thu ngân sách.

Quá trình bảo vệ HLATĐB công trình thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở cấp huyện, xã đã phát sinh tình huống dở khóc dở cười. Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước - ông Hường Văn Minh chia sẻ, có hộ trồng cây sả, cây rau, gieo cây cải phía ngoài tường rào nhà mình, ngay trên phần đất sát mép đường đã đổ bê tông xi măng. Chính quyền nhắc nhở thì bà con khẳng định bản thân làm trên đất “sổ đỏ” chính chủ, chứ có xâm phạm đất của ai đâu. Đến lúc này, chính quyền mới ngã ngửa nhớ lại, khi nhân dân hiến đất để mở rộng đường, diện tích trong “sổ đỏ” không bị cắt ra và chỉnh lý biến động. Chính vì vậy, diện tích đất này nằm cả trong hành lang đường bộ vẫn thuộc quyền sử dụng của chính hộ gia đình hiến trước đó.        

Một tình huống bi hài khác, như ven QL14B qua xã Đại Hiệp (Đại Lộc), địa phương cấp đất ở dọc tuyến, vị trí nằm sâu so với nền đường. Để xe vào đổ đất đôn nền và xây dựng nhà ở, người dân liều lĩnh tháo dỡ tường hộ lan mềm bảo vệ công trình và đảm bảo ATGT. Tuần đường lập biên bản và yêu cầu dừng ngay thì họ “cầu cứu” xã. Thay vì có biện pháp thuộc thẩm quyền, chính quyền lại xác nhận vào đơn xin giải quyết cho hành vi “cầm đèn chạy trước ô tô” gửi đến cấp tỉnh.

------------------
Bài cuối: Triển khai nhiều giải pháp

Cơ chế phối hợp xử lý đã có, nhưng để giải quyết hiệu quả tình trạng xâm phạm kết cấu hạ tầng giao thông thì các cấp có thẩm quyền cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

TRẦN CÔNG TÚ

TRẦN CÔNG TÚ