Sẽ điều chuyển vốn nhiều dự án
Ưu tiên cắt giảm vốn không kịp giải ngân chuyển sang thanh toán khối lượng dự án đã có. Đó là nội dung quan trọng được đưa ra tại cuộc họp giải ngân vốn đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì vào sáng qua 9.10.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu điều hành phiên họp.Ảnh: T.D |
Tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 54% vốn
Cây cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn nối các địa phương vùng đông theo con đường 129 đã tấp nập người xe qua lại, nhưng hơn 5 năm rồi vẫn không được chủ đầu tư, nhà thầu gửi hồ sơ thanh toán. Một dự án khác là nạo vét luồng lạch cảng Kỳ Hà 10 năm qua cũng không quyết toán. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói không phải chính quyền không lo trả nợ công trình. Đã chuẩn bị sẵn 150 tỷ đồng cho cầu Cửa Đại quyết toán, nhưng họ không quyết toán thì làm sao trả. Biết thiếu bao nhiêu mà trả cho công trình này?
Hai công trình thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai chưa quyết toán, để đọng vốn trên sổ sách này chỉ là ví dụ của tình trạng giải ngân ì ạch vốn đầu tư công Quảng Nam diễn ra từ nhiều năm nay. Thống kê của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho thấy, hiện con số dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% bao gồm 77 dự án ngân sách tỉnh (53 dự án thuộc kế hoạch vốn 2018, mới chỉ cấp phát gần 52/481,9 tỷ đồng, còn gần 430 tỷ đồng) và 24 dự án thuộc kế hoạch vốn năm 2017 kéo dài (cấp phát hơn 4,4/30,1 tỷ đồng, còn hơn 25,6 tỷ đồng) và 7 dự án nguồn trái phiếu chính phủ, tương đương kế hoạch vốn còn lại 512 tỷ đồng (thuộc kế hoạch năm 2017 kéo dài). Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nói, ngay từ tháng 12.2017, các cấp thẩm quyền đã phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án, Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cũng đã hướng dẫn các thủ tục, ban hành nhiều văn bản, đôn đốc các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp (dưới 50%), báo cáo UBND tỉnh xử lý, nhưng tiến độ thực hiện giải ngân đến ngày 30.9.2019 chỉ 54% là quá chậm, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái đến 6%.
Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT, một trong những nguyên nhân lớn nhất chính là bồi thường, giải phóng mặt bằng bị ách tắc và dự án chờ quyết toán. Quản lý hiện trạng yếu, thỏa thuận giá bồi thường không hợp lý đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện của các dự án, không bảo đảm khối lượng để giải ngân hết kế hoạch vốn. Việc lập hồ sơ dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu, điều chỉnh, bổ sung dự án, triển khai thi công, giải ngân vốn đầu tư của các chủ đầu tư và nhà thầu quá chậm. Ngoài ra, không ít dự án giao vốn từ đầu năm nhưng vẫn chưa triển khai, một số dự án đã hoàn thành và nhiều dự án mới được Trung ương thông báo vốn (tháng 5.2018) cũng dẫn đến tiến độ giải ngân chậm.
Ưu tiên vốn cho công trình hoàn thành
Không một chủ đầu tư, ban quản lý nào không cam kết trước UBND tỉnh sẽ giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2018. Song theo phân tích của ông Đặng Phong và ông Phạm Văn Phong thì tỷ lệ giải ngân 100% vốn chỉ là mong muốn, một quyết tâm chính trị. Không thể thực hiện được khi chỉ còn vài tháng nữa kết thúc niên độ tài chính, kể cả được gia hạn thời gian giải ngân sang năm 2019, khi còn quá nhiều dự án giải ngân dưới 50% và nhiều dự án chưa triển khai như các dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB), phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó biến đổi khí hậu TP.Hội An, nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà… Ông Đặng Phong nói, ngày 3.10.2018, Sở KH&ĐT đã cung cấp một danh mục và đề nghị Kho bạc Nhà nước Quảng Nam chỉ đạo kho bạc nhà nước các huyện, thị xã, thành phố dừng giải ngân đối với các dự án chậm. Chốt số liệu, rà soát, tham mưu UBND tỉnh, trình trung ương điều chỉnh kế hoạch vốn, đặc biệt là kế hoạch vốn thuộc các dự án được giao vốn trong dự toán đầu năm nhưng đến ngày 30.9.2018 giải ngân không đạt yêu cầu.
Cầu Cửa Đại hơn 5 năm rồi vẫn chưa được quyết toán.Ảnh: T.D |
Chưa có con số chính thức từ Sở KH&ĐT, nhưng số dự án bị điều chuyển vốn (thậm chí bị trung ương cắt giảm, thu hồi) chắc chắn sẽ không ít. Ông Đặng Phong cho biết chỉ tính riêng nhu cầu thanh toán khối lượng hoàn thành đối với ngân sách tỉnh tính đến hết quý II.2018 đã hơn 900 tỷ đồng. Sở KH&ĐT sẽ rà soát, tổng hợp, cùng kế hoạch vốn 2018 còn lại chưa phân bổ sử dụng (khoảng 412 tỷ đồng), tham mưu UBND tỉnh điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm, bố trí cho các dự án có nhu cầu thanh toán khối lượng hoàn thành và các dự án cần đẩy nhanh tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói chính quyền, chủ đầu tư, các ban quản lý phải hành động. Các chủ đầu tư kiểm soát thủ tục, đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng, đôn đốc nhà thầu giải ngân, quyết toán. Các chủ đầu tư không thể chia vốn cho các địa phương và phó mặc cho họ việc giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư thể hiện quyết tâm giải ngân nhưng phải được kiểm soát. Tìm mọi giải pháp giải ngân hết các nguồn vốn. Ưu tiên cắt giảm vốn không kịp giải ngân chuyển sang thanh toán khối lượng dự án đã có. Không thể để chuyển nguồn mỗi năm mỗi tăng khi không hoàn ứng, không quyết toán là một dấu hiệu bất bình thường.
TRỊNH DŨNG