Nâng cao chất lượng vận tải buýt
Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã có bước tiến đáng ghi nhận nhưng cần khắc phục hạn chế để phát huy hiệu quả một cách toàn diện, đảm bảo an toàn tốt hơn...
Tuyến xe buýt Tam Kỳ - Điện Ngọc được hành khách đánh giá cao. Ảnh: C.T |
Điểm sáng
Sau ngày tái lập tỉnh, dịch vụ vận tải bằng xe buýt hầu như chưa có gì. Mãi đến năm 2005, Sở Giao thông vận tải (GTVT) mới phối hợp mở lại tuyến xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng và ngược lại. Tuyến xe buýt này đã thành công về nhiều mặt, trọng tâm là giải quyết vấn đề đi lại của nhân dân, học sinh - sinh viên, kể cả phục vụ nhu cầu lưu thông của cán bộ từ Đà Nẵng vào Quảng Nam công tác. Nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) - ông Nguyễn Hoài Linh từng đúc kết: “Sử dụng xe buýt đã tiết kiệm rất nhiều cho xe công mà bình thường được dùng đưa đón cán bộ”. Còn vào thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm các tuyến xe buýt 2 chiều gồm: Hội An - Đà Nẵng, Ái Nghĩa - Đà Nẵng, Quế Sơn - Đà Nẵng, Tam Kỳ - Núi Thành, Phú Đa - Đà Nẵng, Tam Kỳ - Hiệp Đức, Tam Kỳ - Đại Lãnh, Tam Kỳ - Đại Hồng, Tam Kỳ - sân bay Chu Lai, Tam Kỳ - Bắc Trà My, Tam Kỳ - Điện Ngọc, Tam Kỳ - Hội An. Đặc biệt, nhiều tuyến có điểm đến và đi nằm tại địa bàn trung du, miền núi góp phần “kéo” các địa phương từ đồng bằng lại gần nhau hơn; thay thế xe chở khách cố định cũ kỹ, thiếu an toàn kỹ thuật.
Tháng 8.2015, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam bắt đầu tham gia khai thác xe buýt. Đầu tháng 9.2018, ngoài hợp tác chung với các đối tác (do lịch sử để lại) thuộc tuyến Tam Kỳ - Đà Nẵng và Quế Sơn - Đà Nẵng, doanh nghiệp (DN) đang trực tiếp quản lý, điều hành xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Hiệp Đức, Tam Kỳ - Đại Lãnh, Tam Kỳ - Đại Hồng, Tam Kỳ - sân bay Chu Lai, Tam Kỳ - Điện Ngọc và mới đây tiếp tục chạy thí điểm tuyến Tam Kỳ - Hội An. Qua thời gian triển khai, công ty đã gặt hái nhiều thành công nhờ thay đổi hình thức quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Loại bỏ chuyện khoán xe,nhân viên nơi đây được ký hợp đồng lao động và nhận lương hàng tháng, chế độ thưởng theo quy định... Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh chia sẻ, DN này còn có hành động nhân văn là đóng đầy đủ các loại bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động chứ không thoái thác trách nhiệm, “đối phó” như các đơn vị khác hoạt động cùng ngành nghề.
Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam là đơn vị tiên phong trong xúc tiến ký hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải buýt với Sở GTVT cho các tuyến do bản thân trực tiếp quản lý, thay thế nội dung chấp thuận tuyến của các văn bản được ký trước đây. Theo Giám đốc Nguyễn Đức Hạnh, kiên định mục tiêu lấy chất lượng phục vụ làm trung tâm, cho nên chuyện bỏ phiên, bỏ chuyến, ứng xử xấu với hành khách từ phía nhân viên dần siết chặt và loại bỏ. Hoạt động của tài xế và nhân viên phục vụ đều được giám sát, chấn chỉnh qua hệ thống camera, thiết bị giám sát hành trình. Ngoài ra, DN bố trí nhân viên giám sát ven đường nên có thể lên phương tiện kiểm tra bất cứ lúc nào. Đáng chú ý, đầu năm 2018, tổng đài xe buýt theo đầu số 0906.555105; 0235.3555111 được thiết lập để hành khách có thể liên lạc mà không bị báo “máy bận”.
Nhiều “sạn”
Quy định Sở GTVT phải “đặt hàng” bằng ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ vận tải buýt từ phía đối tác mục đích xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên, góp phần chấn chỉnh, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Nhưng Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh chia sẻ, lo sợ vi phạm sẽ tự mình loại bỏ cuộc chơi, các DN, hợp tác xã khác đang kinh doanh trong lĩnh vực xe buýt viện dẫn hết lý do này đến lý do khác để né vấn đề này. “Kiên định” khoán doanh thu, nên mới nảy sinh chuyện nhân viên thu tiền không đúng giá vé niêm yết và sẵn sàng đôi co với khách. Tài xế chẳng do dự khi điều khiển xe chạy chậm trong nội thị nhưng lại phóng nhanh, vượt ẩu ngoài đô thị. Họ dừng đón - trả khách không đúng nơi quy định, không đóng cửa khi xe chạy; đua tốc độ để tranh giành khách. Để tối đa hóa lợi nhuận, người nhận khoán vô tư điều phối cho xe hoạt động sai lịch trình, thời gian biểu chạy xe; thường xuyên bỏ phiên, bỏ chuyến vào giờ thấp điểm. Xe buýt thì xuống cấp, cũ kỹ, thiếu an toàn; sàn dơ bẩn, mất mỹ quan, nhất là các tuyến buýt cũ. Thực trạng vừa nêu gây ức chế cho hành khách, lại không đảm bảo an toàn giao thông.
Chưa bàn đến cung cách quản lý, ông Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, vận tải tuyến cố định và xe hợp đồng đang khiến cho xe buýt gặp khó khăn. Đơn cử, xe chạy tuyến cố định phải về bến, nhưng tài xế cố tình chạy vào nội thị, dừng đỗ, đưa đón khách tùy tiện. Đăng ký kinh doanh chạy hợp đồng, nhưng phương tiện lại được dùng vận chuyển hành khách thông thường và luôn phục vụ đưa - đón khách tận nhà. Thanh tra Sở GTVT khẳng định, đây là hình thức kinh doanh trá hình, không đúng quy định của pháp luật. Mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên ra quân xử lý, song chưa có một biện pháp nào thật sự giải quyết căn cơ hành vi vi phạm nêu trên. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đó kéo theo nhiều hệ lụy. Đáng buồn là đơn vị làm ăn bài bản thì chịu thiệt thòi, còn ai “chụp giật” lại thành công. Với những “hạt sạn” vừa nêu, vận tải buýt chưa biết đến bao giờ mới đạt chất lượng, văn minh hơn.
CÔNG TÚ